Ai Cập ban bố tình trạng khẩn cấp tại nhiều tỉnh vì bạo loạn
(Dân trí) – Ngày 27/1, Tổng thống Ai Cập Mohammed Morsi đã ban bố tình trạng khẩn cấp và lệnh giới nghiêm tại 3 tỉnh của nước này sau khi bạo lực bùng phát hồi cuối tuần khiến hơn 50 người thiệt mạng.
Theo hãng tin AP, lệnh trên được ông Morsi công bố trên truyền hình với một giọng điệu giận dữ gần như muốn hét lên. Theo đó tình trạng khẩn cấp và lệnh giới nghiêm sẽ cùng có hiệu lực trong vòng 30 ngày tại các tỉnh Port Said, Ismailiya và Suez. Lệnh giới nghiêm được áp dụng từ ngày hôm nay, từ 21 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau.
Bạo loạn và bất ổn lại đe dọa Ai Cập
Ông Morsi khẳng định sẽ không do dự trong việc triển khai nhiều biện pháp hơn nữa để ngăn chặn những vụ bùng phát bạo lực mới nhất trên khắp đất nước. Nhưng đồng thời ông cũng trấn an người dân rằng các hành động của mình không nhằm đưa đất nước trở lại thời kỳ độc tài. “Tự do, dân chủ và sự tôn trọng pháp luật sẽ không bị đẩy lùi”, Tổng thống Morsi tuyên bố.
Trong ngày hôm qua bạo lực bùng phát dữ dội nhất tại thành phố Port Said bên bờ Địa Trung Hải, nơi 7 người đã thiệt mạng, nâng tổng số người chết sau 2 ngày đụng độ lên ít nhất 44 người. Bạo loạn bắt đầu bùng phát hôm thứ Bảy sau khi một tòa án tuyên phạt án tử hình đối với 21 bị can có liên quan đến vụ bạo động trong một sân bóng đá hồi tháng 2/2012 khiến 74 người chết.
Hầu hết những người bị kết án là các cổ động viên địa phương tại Port Said. Điều này càng khiến những người dân ở đây cảm thấy mình bị ngược đãi kể từ sau thảm kịch sân vận động tồi tệ nhất lịch sử Ai Cập.
Trước đó trong ngày thứ Sáu, ít nhất 11 người đã chết khi người Ai Cập xuống đường tuần hành kỷ niệm 2 năm cuộc lật đổ chế độ của cựu Tổng thống Hosni Mubarak. Người dân đã nhân dịp này thể hiện sự phản đối với chính quyền của ông Morsi và phong trào Anh em Hồi giáo, lực lượng chính trị mạnh nhất tại Ai Cập sau khi ông Mubarak phải ra đi.
Ngoài việc ban bố tình trạng khẩn cấp và lệnh giới nghiêm, ông Morsi cũng mời các lực lượng chính trị tại Ai Cập tham gia một cuộc đối thoại trong ngày hôm nay để giải quyết những khủng hoảng mới nhất.
Hàng nghìn người Ai Cập xuống đường hôm 27/1 phản đối chính phủ
Thông báo của Văn phòng Tổng thống Ai Cập cho biết trong số những người được mời có nhà lãnh đạo cải cách kiêm chủ nhân giải Nobel hòa bình Mohammed ElBaradei, cựu lãnh đạo Liên đoàn Ảrập Amr Moussa và Hamdeen Sabahi, một chính trị gia cánh tả, người đã về thứ ba trong cuộc bầu cử Tổng thống năm ngoái. Đây là 3 nhà lãnh đạo của Mặt trận cứu quốc Ai Cập, tập hợp các đảng phái đối lập chính tại nước này.
Khaled Dawoud, người phát ngôn của Mặt trận cho biết lời mời của ông Morsi không có ý nghĩa gì trừ khi ông đưa ra được một chương trình nghị sự rõ ràng. Trong đó, theo ông Dawoud, chương trình phải bao gồm việc sửa đổi bản hiến pháp gây tranh cãi được soạn thảo một cách vội vã bởi các đồng minh Hồi giáo của Tổng thống Morsi nhưng bị phe đối lập bác bỏ.
Theo hãng tin AP, chỉ thị mới của ông Morsi cũng như lời kêu gọi đối thoại đã phần nào cho thấy sự vô vọng của ông sau những làn sóng bất ổn chính trị và bạo lực liên tiếp, cùng những thảm họa do con người gây ra đang khiến cho đất nước này như thể đã đánh mất sự gắn kết.
Hầu như không được biết đến cho đến khi được phong trào Anh em Hồi giáo tiến cử vào vị trí Tổng thống hồi năm ngoái, ông Morsi bị chỉ trích vì không đưa ra được tầm nhìn cho tương lai của đấp nước sau gần 30 năm dưới chế độ độc tài Mubarak.
Ông cũng không xây dựng được chính sách rõ ràng nào để khắc phục hàng loạt vấn đề lớn, từ sự lao dốc của nền kinh tế và những bất công cố hữu trong xã hội tới tình trạng tội phạm và bất ổn lan tràn trên đường phố. Ngoài ra việc cải tổ hệ thống luật pháp và cảnh sát, vốn bị căm ghét dưới chế độ cũ vì quá tàn nhẫn, cũng là một trong những đòi hỏi lớn của những người chỉ trích Tổng thống Morsi.
Thanh Tùng
Theo AP