Abu Sayyaf – kẻ vừa bị biệt kích Mỹ tiêu diệt tại Syria là ai?
Theo các quan chức Mỹ, Abu Sayyaf là một lãnh đạo cấp cao của IS, có vai trò quan trọng trong việc giám sát các hoạt động buôn bán dầu khí bất hợp pháp của IS.
Tiểu vương dầu mỏ và khí đốt của IS
Quyền lực của Abu Sayyaf mà các quan chức Mỹ đề cập đến sau cuộc đột kích của biệt kích thuộc lực lượng Delta vào miền Đông Syria tiêu diệt tên này có liên quan đến việc khai thác và kinh doanh dầu mỏ trên thị trường chợ đen – một nguồn thu chính của tổ chức Nhà nước Hồi giáo.
Một quan chức quân đội Mỹ thậm chí đã mô tả Abu Sayyaf là một "tiểu vương dầu mỏ và khí đốt" của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Syria.
"Abu Sayyaf là một lãnh đạo cấp cao của IS, có vai trò quan trọng trong việc giám sát các hoạt động buôn bán dầu khí bất hợp pháp của IS. Doanh thu từ dầu mỏ là một nguồn thu quan trọng cho phép tổ chức khủng bố này tiến hành các chiến dịch tàn bạo tại Iraq và Syria, áp bức hàng ngàn thường dân vô tội", phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Bernadette Meehan cho biết trong một tuyên bố.
Năm ngoái, việc điều tra tài chính đối với tổ chức Nhà nước Hồi giáo đã tiết lộ rằng, doanh thu từ hoạt động bán dầu bất hợp pháp là một trong những hoạt động kinh doanh sinh lợi nhiều nhất của IS. Ước tính, IS thu khoảng 1 triệu USD/ngày từ hoạt động kinh doanh này.
Tháng 11/2014, tờ The Guardian thông tin rằng, các cuộc không kích của Mỹ vào các nhà máy lọc dầu và phương tiện vận chuyển dầu của IS hầu như không có tác động nhiều đến mạng lưới buôn lậu ngày càng tinh vi của tổ chức khủng bố này.
Theo một số nguồn tin, hiện IS đang chiếm quyền kiểm soát khoảng 6 mỏ dầu tại Iraq. Dầu được khai thác được từ các mỏ này thông qua một mạng lưới buôn lậu tinh vi được thiết lập tại miền Bắc Iraq đã “chảy” vào Iran, Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ.
Mục đích của cuộc đột kích của Mỹ vào al-Amr, miền Đông Syria vào đêm 15/5 (theo giờ Washington) nhằm bắt sống Abu Sayyaf. Tuy nhiên, thông tin do Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter công bố cho biết, tên này đã bị tiêu diệt khi cố gắng chống cự lại lực lượng biệt kích Mỹ.
Cả Lầu Năm Góc và Nhà Trắng đều ca ngợi chiến dịch này là một sự thành công. Trong cuộc đột kích chớp nhoáng này, biệt kích Mỹ đã thu giữ một số thiết bị liên lạc của Sayyaf và các tài liệu có giá trị khác. Ngoài ra, khi tiến hành cuộc đột kích này, biệt kích Mỹ đã bắt được Umm Sayyaf - vợ của Abu Sayyaf - người bị nghi ngờ là một thành viên của tổ chức Nhà nước Hồi giáo và là một nhân vật quan trọng trong các hoạt động khủng bố của tổ chức này.
Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter cho biết, Umm Sayyaf - người hiện đang bị giam giữ tại Iraq sau khi bị bắt – có thể là đồng lõa trong việc giam giữ một phụ nữ trẻ người Yezidi như nô lệ. Người phụ nữ này đã được biệt kích Mỹ giải cứu khi tiến hành đột kích và nhà Abu Sayyaf.
Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, tổ chức Quan sát nhân quyền và chính phủ Iraq, IS đã tiến hành các cuộc đàn áp người Yazidi - một tôn giáo thiểu số ở Iraq – bằng việc bắt cải đạo, hành quyết hành loạt cũng như bắt cóc, hãm hiếp, buộc phụ nữ Yazidi làm nô lệ tình dục.
Trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Carter tuyên bố cuộc đột kích tiêu diệt Abu Sayyaf là “một đòn giáng mạnh” vào tổ chức Nhà nước Hồi giáo thì một số chuyên gia lại đón nhận thông tin này một cách thận trọng.
Trong một cuộc trả phỏng vấn với tờ New York Times, cựu nhân viên CIA, hiện đang là chuyên gia phân tích tại Viện Brookings, Bruce Riedel cho rằng, vụ đột kích này có vẻ như nhằm bắt giữ "một hoặc hai người có thể biết về cách thức tổ chức và hoạt động của IS". Với việc Abu Sayyaf bị tiêu diệt, ông Riedel cho rằng, vợ của y có thể được sử dụng để khai thác những thông tin này.
Ông Riedel cũng nói rằng: "Với tôi, cuộc đột kích này cho thấy, sự hiểu biết của chúng ta vẫn còn những khoảng trống lớn về cách thức tổ chức và hoạt động của đối phương".
Chuyên gia phân tích An ninh quốc gia của CNN, Peter Bergen chỉ ra rằng, cuộc tấn công tiêu diệt Abu Sayyaf có thể khiến lãnh đạo IS thêm cảnh giác và cẩn thận hơn trong các hoạt động của mình. “Họ chắc chắn sẽ nhìn trước, ngó sau”, ông Bergen nói.
Bên cạnh đó, một chuyên gia chống khủng bố cho rằng, Abu Sayyaf chỉ là một lãnh đạo bậc trung trong tổ chức Nhà nước Hồi giáo và khả năng IS quyết định thay thế vị trí của tên này có thể đưa ra trong thời gian ngắn sắp tới.
Tuy nhiên, trên thực tế rõ ràng Mỹ đã theo dõi Abu Sayyaf một cách chặt chẽ. Việc sẵn sàng đưa lực lượng biệt kích đối mặt với những rủi ro khi thực hiện một cuộc đột kích trên mặt đất thay vì dùng máy bay không người lái để tấn công cho thấy mục tiêu được coi là rất có giá trị.