Ả-rập Xê-út bác tin đồn "dọa G7" vì tài sản đóng băng của Nga
(Dân trí) - Ả-rập Xê-út bác bỏ thông tin báo Mỹ Bloomberg cung cấp nói rằng nước này đã cảnh báo G7 về việc tịch thu tài sản đóng băng của Nga.
Bộ Tài chính Ả-rập Xê-út bác bỏ thông tin họ "dọa G7" liên quan tới tài sản đóng băng của Nga.
"Mối quan hệ của chúng tôi với G7 và các nước khác là tôn trọng lẫn nhau và chúng tôi tiếp tục thảo luận về tất cả các vấn đề thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu và nâng cao khả năng phục hồi của hệ thống tài chính quốc tế", thông báo viết.
Trước đó, Bloomberg dẫn nguồn thạo tin cho hay, G7 có thể đã tạm dừng kế hoạch nhằm tịch thu tài sản của ngân hàng trung ương Nga bị phương Tây đóng băng do "sự đe dọa" từ Ả-rập Xê-út.
Trong thời gian qua, Mỹ và Anh đã thúc đẩy việc tịch thu hoàn toàn khoảng 280 tỷ USD từ các quỹ chính phủ của Nga mà phương Tây đã đóng băng vào năm 2022 do cuộc chiến ở Ukraine.
Theo nguồn tin của Bloomberg, Ả-rập Xê-út dường như đã phản đối kế hoạch của phương Tây và Riyadh "đã ám chỉ một cách riêng tư" rằng họ có thể bán một số khoản nợ ở EU nếu G7 tiến hành kế hoạch tịch thu tài sản của Nga.
Một trong những nguồn tin ẩn danh của tờ báo này mô tả thông điệp của Bộ Tài chính Ả-rập Xê-út là "mối đe dọa ngầm", trong khi hai nguồn tin khác cho biết Riyadh dường như đề cập cụ thể đến nợ kho bạc của Pháp.
Tuy nhiên, phía Ả-rập Xê-út đã bác bỏ thông tin này sau đó, nhấn mạnh việc đưa ra những lời đe dọa như vậy không phải là "phong cách" của Riyadh.
Theo một quan chức nước này, Bộ Tài chính Ả-rập Xê-út có thể chỉ nêu ra "hậu quả cuối cùng" của việc G7 quyết định tịch thu tài sản Nga.
Việc phương Tây đóng băng tài sản chủ quyền của Nga vào tháng 2/2022 là một động thái chưa từng có tiền lệ. Một số chuyên gia phương Tây đã cảnh báo rằng việc tịch thu tài sản của Nga có thể làm suy yếu đồng USD, đồng euro và toàn bộ hệ thống tài chính toàn cầu.
Tháng trước, ông Daleep Singh, phó cố vấn an ninh quốc gia về kinh tế quốc tế Mỹ, cho biết Washington muốn tịch thu tài sản bị đóng băng của Nga và giao chúng cho Ukraine, nhưng đối với một số quốc gia thành viên G7, đó là "lằn ranh đỏ".
Ngoài Mỹ, G7 còn có Canada, Pháp, Italy, Nhật Bản, Anh, Đức và EU. Hơn 80% tài sản bị phong tỏa của Nga hiện do EU nắm giữ và EU không muốn để cơ quan thanh toán bù trừ của liên minh phải chịu sự trả đũa của Moscow. Nga đã cam kết sẽ đáp trả tương xứng với bất kỳ hành vi tịch thu tài sản nào từ phương Tây.