1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

90 ngày "đình chiến" sắp hết, Mỹ-Trung gấp rút tìm lối thoát cho chiến tranh thương mại

(Dân trí) - Mỹ và Trung Quốc trong tuần này sẽ tiến hành vòng đàm phán quan trọng tại Washington trong nỗ lực nhằm chấm dứt cuộc chiến tranh thương mại. Giới phân tích nhận định, việc tìm kiếm một phương án hài lòng đôi bên là điều không dễ dàng, trong bối cảnh thời hạn đình chiến kéo dài 90 chỉ còn 1 tháng nữa là kết thúc.

90 ngày đình chiến sắp hết, Mỹ-Trung gấp rút tìm lối thoát cho chiến tranh thương mại - 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Getty)

 

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình đã đưa ra thời hạn chót là 1/3 để các quan chức hai nước đàm phán một thỏa thuận cho “những thay đổi về câu trúc” đối với mô hình kinh tế Trung Quốc. Nếu các cuộc đàm phán thất bại, ông Trump đã tuyên bố sẽ tăng áp thuế từ mức 10% lên mức 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Sự sụp đổ của các cuộc đàm phán có thể làm tiêu tan các hi vọng về một lệnh "ngừng bắn" vĩnh viễn, vốn có thể loại bỏ một trong những đám mây đen tối nhất đang phủ bóng lên nền kinh tế thế giới.

Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc sẽ gặp Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer tại Washington trong các cuộc đàm phán diễn ra 2 ngày, 30 và 31/1. Họ sẽ trao đổi về các cuộc thảo luận tập trung vào nhiều vấn đề, từ việc Trung Quốc sẽ mua bao mua đậu tương của Mỹ tới các khoản trợ cấp mà Trung Quốc trao cho các công ty quốc doanh của nước này.

Mặc dù thông báo về một thỏa thuận không được kỳ vọng diễn ra trong tuần này, nhưng có cơ hội là các nhà đàm phán sẽ đưa ra một gói đề xuất để trình lên cả 2 lãnh đạo của họ, ông William Reinsch, một cựu quan chức thương mại dưới thời chính quyền Clinton, nhận định.

“Mọi người đều chia rẽ, vì Tổng thống Trump rất khó đoán”, ông Reinsch, hiện là một cố vấn cấp cao tại Trung tâm nghiêm cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) tại Wahsington, nói. “Khả năng ông ấy chấp nhận nó là 50-50”.

3 kịch bản chính

Bloomberg nhận định, có 3 kịch bản chính về cuộc đàm phán thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Kịch bản thứ nhất là một thỏa thuận cơ bản giữa hai nước. Theo đó, dù ông Lưu và ông Lighthizer có đạt được một thỏa thuận cơ bản trong tuần này thì cũng cần thời gian để hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung Quốc xác định xem họ có hài lòng hay không. Hãng tin Mỹ cho rằng không nên kỳ vọng nhiều tiết lộ từ ông Lưu hay ông Lighthizer, vì họ đều hiếm khi hé lộ nhiều với các phóng viên về các cuộc đàm phán.

Điều đó có nghĩa là chỉ qua các tuyên bố chính thức mới biết tiến trình đàm phán tiến triển ra sao. Sau các cuộc đàm phán gần đây nhất tại Bắc Kinh, hai bên đã đưa ra những tuyên bố riêng rẽ. Mỹ cho biết có những tiến bộ trong các vấn đề như mua các hàng hóa của Mỹ, nhưng nói thêm rằng bất kỳ thỏa thuận nào cũng cần có “sự tiếp tục xác minh và thực thi hiệu quả”. Trung Quốc thì gọi các cuộc đàm phán là “rộng khắp, có chiều sâu và chi tiết”.

Kịch bản đột phá nhất là Trung Quốc sẽ tới bàn đàm phán với một đề nghị cải cách kinh tế tham vọng so với kỳ vọng trước đó. Điều đó có thể có thể thuyết phục ông Lighthizer, một người cứng rắn với Trung Quốc và từng phát biểu rằng để có sự tiến triển với Bắc Kinh có thể mất vài năm, rằng Bắc Kinh nghiêm túc về việc mở cửa thị trường. Điều đó có thể đủ để ông Trump hoặc Nhà Trắng ca ngợi một thỏa thuận. Các thị trường có thể hoan nghênh hỏa thuận sau nhiều tháng chênh vênh vì lo ngại một cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu.

Vấn đề là Trung Quốc cần một đề nghị mang tính thay đổi cuộc chơi để cho thấy họ thực nghiêm túc về việc nới lỏng sự kiểm soát của nhà nước đối với nền kinh tế. “Mỹ muốn các thay đổi rộng rãi về sự kiểm soát đối của Trung Quốc với các tập đoàn. Rất khó để làm điều đó”, David Loevinger, một cựu quan chức Bộ tài chính Mỹ, nhận định.

Kịch bản thứ 3 là, nếu không có bất kỳ thỏa thuận nào sau khi các cuộc đàm phán kết thúc thì hãy chờ xem. Ông Trump có thể sớm lên tiếng trên Twitter, bày tỏ sự tức giận về việc không đạt được tiến triển.

Ông Trump từng thể hiện thái độ trước đó. Hồi tháng 5, hai nước đã ra một tuyên bố chung trong đó Trung Quốc nhất trí tăng xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp và năng lượng, và tuyên bố công nhận tầm quan trọng của việc bảo vệ sở hữu trí tuệ. Chỉ trong vòng ít ngày, ông Trump đã hủy khung thỏa thuận và điều các quan chức trở lại bàn đàm phán.

Một phản ứng tương tự của ông Trump có thể khiến cuộc đàm phán bị đóng băng trong thời gian dài. Giờ đây, điều đó phần lớn sẽ phụ thuộc vào việc các quan chức trong chính quyền của ông, trong đó có Đại diện thương mại Lighthizer, cố vấn Nhà Trắng Peter Navarro và Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross - sẽ phản ứng thế nào với đề xuất từ phía Trung Quốc.

“Điều khiến tôi lo ngại là trong năm qua, cán cân quyền lực đã nghiêng sang phe “diều hâu” với Trung Quốc. Vẫn chưa rõ là điều gì có thể khiến Mỹ nói có (với đề xuất của Trung Quốc)”, chuyên gia David Loevinger nói.

Nếu phía Mỹ không đồng tình, có thể sẽ mất một thời gian dài trước khi chiến dịch ngoại giao con thoi tiếp theo giữa Washington và Bắc Kinh được khởi động.

An Bình

Tổng hợp