1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

9 lý do Mỹ có thể tấn công Iran

(Dân trí) - Nhà phân tích Abd Al-Bari Atwan, Tổng biên tập Nhật báo toàn Arập Al-Quds Al-Arabi đã đưa 9 lý do theo đó một cuộc tấn công Iran có thể diễn ra trong vòng 6 tháng tới.

Mọi lý do cho thấy, sau mùa hè chính sách ngoại giao của phương Tây lại tập trung vào Trung Đông và trong vài tháng tới, mục tiêu của Mỹ sẽ là Iran với những leo thang chính trị, ngoại giao, truyền thông và quân sự chưa từng có chống lại nước Cộng hòa Hồi giáo và chương trình hạt nhân của nước này. Những động thái, diễn biến mới đây cho thấy, cuộc chiến chống Iran sẽ diễn ra trong vòng 6 tháng tới.

 

1. Để nói về nguy cơ hạt nhân Iran, ông George W. Bush đã sử dụng những từ ngữ như “sự hủy diệt hạt nhân” (nuclear holocaust) cảnh báo Teheran không nên đi quá xa trong chương trình làm giàu uranium, ngầm nhấn mạnh đe dọa nước này và dọn đường dư luận công khai ở Mỹ và trên trường quốc tế về khả năng Washington có thể sử dụng vũ khí hạt nhân tấn công Iran.

 

2. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy bắt đầu quan tâm việc trở thành đồng minh tốt nhất của Washington. Ông Sarkozy đã từ bỏ đường lối chính trị của cựu Tổng thống Chirac và không giấu giếm quan điểm thân Washington trong những vấn đề liên quan đến Trung Đông. Sau khi kết thúc kỳ nghỉ hè tại Mỹ, ông tuyên bố với 188 đại sứ của Pháp trên toàn thế giới tại Hội nghị các Đại sứ lần thứ 15 rằng, viễn cảnh một Iran sở hữu vũ khí nguyên tử là “không thể chấp nhận được”. Pháp sẵn sàng mang đến cho Iran một cánh cửa đối thoại và đó là cách duy nhất để thế giới tránh được việc phải lựa chọn giữa “một trái bom (hạt nhân) Iran hay một cuộc ném bom nhằm vào Iran” nếu không từ bỏ các tham vọng hạt nhân của mình.

 

3. Nhà báo điều tra kỳ cựu của Mỹ Seymour Hersh, nổi tiếng với những loạt điều tra về vụ thảm sát Mỹ Lai và lạm dụng tù nhân Abu Graib đã khẳng định với các đồng nghiệp người Pháp trong cuộc gặp cách đây vài tuần ở Paris rằng, ông có những thông tin từ Nhà Trắng tiết lộ, quyết định tấn công Iran đã được thông qua với sự ủng hộ của phe diều hâu thân Phó tổng thống Dick Cheney. Ngoài ra, Bộ trưởng quốc phòng Robert Gates đã chuẩn bị tư tưởng từ chức do các hậu quả nghiêm trọng mà cuộc chiến chống Iran gây ra nếu xảy ra.

 

4. Thứ trưởng ngoại giao Mỹ, Nicholas Burns đã giải thích với phóng viên Roger Cohen của New York Times rằng, hầu hết các nước có đông người Sunni sinh sống coi Iran là “kẻ quấy rối”, hậu thuẫn chủ nghĩa khủng bố và là mối đe dọa cho sự ổn định trong vùng. Ông này còn cho biết thêm, các quốc gia này, đặc biệt là các nước có thể chế quân chủ giàu dầu mỏ của vùng Vịnh hiểu rằng Iran là nguy cơ nghiêm trọng hơn cả Israel.

 

5. Mỹ đã xếp Lực lượng vệ binh Cộng hòa Iran vào danh sách các tổ chức khủng bố quốc tế. Washington luôn cáo buộc Teheran hậu thuẫn cho các lực lượng nổi dậy ở Iraq, trong đó có tổ chức khủng bố al-Qeada, cung cấp vũ khí tinh vi khiến Mỹ tốn thất nặng nề về người tại Iraq.

 

6. Arập Xêút đã ký một hợp đồng trị giá 5 tỷ USD với một công ty của Mỹ về huấn luyện và trang bị cho 35.000 người có nhiệm vụ bảo vệ các cơ sở sản xuất dầu của nước này. Cách đây 1 năm, al-Qeada đã chuẩn bị một vụ tấn công chống lại các cơ sở này nhưng không thành. Trong khi Iran có các phương tiện để tấn công các cơ sở khai thác dầu bằng một máy bay liều chết hoặc bắn tên lửa Shihab, điều này sẽ làm xuất khẩu dầu thô của Arập Xêút sụp đổ. Chính vì lẽ đó mà Mỹ vẫn duy trì hệ thống lửa phòng thủ Patriot trong vùng, đặc biệt ở Kowait và khu vực gần bờ biển Arập Xêút.

 

7. Washington tỏ ra vội vàng chuẩn bị một hội nghị hòa bình quốc tế dự kiến diễn ra vào mùa thu này, gia tăng áp lực lên Tổng thống Palestine Mahmud Abbas và Tổng thống Israel Ehud Olmert gặp nhau cùng đưa ra tuyên bố về một thỏa thuận nguyên tắc. Thỏa thuận này sẽ tạo điều kiện cho một lựa chọn quân sự chống Iran, trong chừng mực nào đó làm hài lòng cộng đồng người Sunnite trong vùng, những người có thể về phe với Mỹ và Israel trong cuộc chiến chống các đồng minh của Iran như Syria, lực lượng Hezbollah ở Libăng và Hamas của Palestine.

 

8. Sự thay đổi đột ngột thái độ của ông Bush với Thủ tướng Iraq Nouri Al-Maliki. Sau khi cho thế giới biết ý muốn Thủ tướng Iraq từ chức của mình, sau đó, ông Bush lại khen ngợi những nỗ lực của ông này. Giải thích có thể được chấp nhận nhất của sự thay đổi thái độ của Tổng thống Mỹ chính là những kế hoạch liên quan đến Iran đã được tăng tốc trong Nhà Trắng. Chính phủ Mỹ nhận thấy không đủ thời gian để thay đổi chính phủ ở Iraq.

 

9. Việc Anh rút lực lượng quân đội đồn trú ở Bassorah một phần cho thấy, London hiểu rằng chiến thắng ở Iraq là một nhiệm vụ bất khả thi. Mặt khác, họ muốn rút quân khỏi nguy cơ các cuộc trả đũa của Iran trong trường hợp nước này bị Mỹ không kích. Các binh sĩ Mỹ đóng tại Bassorah, các biên giới giáp Iran chừng vài trăm mét sẽ là mục tiêu tấn công lý tưởng đối với nước này. Trước những thất bại tại Iraq và Afghanistan, Tổng thống Bush hy vọng khả năng duy nhất cứu vãn nhiệm kỳ tổng thống và duy trì cơ may cho đảng Cộng hòa trong các cuộc bầu cử sắp tới chính là tấn công Iran. Ông chấp nhận nguy cơ rủi ro về một thất bại mới và biết rất rõ, các tên lửa của Iran không thể vươn tới thành phố New York hay Washington của nước Mỹ mà chỉ đến thủ đô Tel-Aviv của Israel, Riyad (Arập Xê út) hay Dubai (Các tiểu vương quốc Arập thống nhất) mà thôi.

 

Ngọc Nhàn

Theo LCI

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm