1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

8 thách thức của Hillary Clinton

(Dân trí) - Nếu Hillary Clinton được Thượng viện Mỹ phê chuẩn làm ngoại trưởng, cựu đệ nhất phu nhân sẽ phải đối mặt với hàng loạt những thách thức, từ các chương trình hạt nhân của Iran, CHDCND Triều Tiên tới cuộc xung đột Israel-Palestine và mối quan hệ lạnh nhạt Nga-Mỹ.

8 thách thức của Hillary Clinton - 1

Cựu đệ nhất phu nhân Hillary Clinton. (Ảnh AP)

 

Gaza và cuộc xung đột Israel-Palestine

 

Chiến sự tại dải Gaza sẽ là một trong những vấn đề cấp bách mà cựu đệ nhất phu nhân - người vốn được xem là có quan điểm ủng hộ nhà nước Do Thái trong chiến dịch tranh cử tổng thống của bà - phải đối mặt. Chính quyền sắp mãn nhiệm Bush không đạt được mục tiêu về một thỏa thuận hòa bình giữa Israel và Palestine vào cuối nhiệm kỳ. Còn Tổng thống đắc cử Barack Obama đã tuyên bố sẽ sớm tập trung vào vấn đề này ngay sau khi nhậm chức.

 

Iran

 

Mỹ đã tham gia các nỗ lực ngoại giao đa phương nhằm chấm dứt tham vọng hạt nhân của quốc gia Hồi giáo và áp đặt các lệnh trừng phạt chống Iran vì nước này từ chối ngừng hoạt động hạt nhân nhạy cảm. Một câu hỏi quan trọng được đặt ra là liệu chính quyền sắp tới có liên hệ trực tiếp với Tehran hay không và ở cấp độ nào.

 

CHDCND Triều Tiên

 

Thỏa thuận 6 bên nhằm buộc CHDCND Triều Tiên từ bỏ chương tình hạt nhân đã bị đình trệ sau khi Bình Nhưỡng từ chối kiểm chứng các hoạt động hạt nhân của nước này. Các cuộc đàm phán đã rơi vào ngõ cụt vì những bất đồng xung quanh hoạt động thanh sát và các bước đi khác trong quá trình thẩm tra việc giải trừ hạt nhân. Những vấn đề đề này có thể sẽ là ưu tiên sớm khi Clinton nhận ghế ngoại trưởng.

 

Nga

 

Mối quan hệ Nga-Mỹ đã suy giảm trong những năm gần đây, đặc biệt là sau cuộc xung đột giữa Nga và Gruzia hồi tháng 8 năm ngoái. Nga cũng kịch liệt phản đối kế hoạch lá chắn tên lửa của Mỹ dự kiến triển khai tại Ba Lan và Cộng hòa Séc. Ông Obama đã tuyên bố ông muốn chắc chắn rằng bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa nào trước khi được triển khai đều phải chứng minh là có khả năng hoạt động và đạt hiệu quả tối ưu. Một vấn đề quan trọng nữa trong mối quan hệ Nga-Mỹ là việc tìm kiếm một hiệp định mới thay thế cho Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (START) sẽ hết hiệu lực vào cuối năm nay.

 

Iraq

 

Sự ổn định tại Iraq và việc Mỹ rút quân khỏi nước này sẽ là vấn đề trọng tâm đối với Hillary Clinton. Cựu đệ nhất phu nhân đã nói rằng chấm dứt cuộc chiến tại Iraq là “bước đi đầu tiên tiến tới việc phục hồi vị trí lãnh đạo toàn cầu của Mỹ”.

 

Afghanistan, Pakistan và Ấn Độ

 

Hillary Clinton nhiều khả năng sẽ sớm đưa ra quyết định để cải thiện an ninh và tăng quân tại Afghanistan. Bà Clinton cũng đã nhắc tới chuyện cử một đặc phái viên làm ngoại giao con thoi giữa các lãnh đạo Afghanistan và Pakistan, giúp giới chức 2 nước chiến đấu chống lại sự hiện hiện của al-Qaeda và sự trỗi dậy của Taiban. Căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan sẽ là một ưu tiên nữa, đặc biệt là sau các vụ khủng bố ở Mumbai hồi năm ngoái.

 

Thương mại và khủng hoảng kinh tế

 

Ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế đối với viện trợ nước ngoài cũng như việc các chính phủ sẽ hợp tác với nhau như thế nào để giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính sẽ là những thách thức không thể bỏ qua. Trên mặt trận thương mại, một số thỏa thuận then chốt - trong đó có các hiệp định thương mại với Colombia, Hàn Quốc, Panama - đã được chính quyền Bush đàm phám nhưng chưa được quốc hội thông qua. Khi làm ngoại trưởng, bà Clinton có thể thúc giục quốc hội Mỹ thông qua những thỏa thuận này.

 

Trung Quốc

 

Bà Clinton từng nói rằng quan hệ Mỹ-Trung sẽ là quan hệ song phương quan trọng nhất trên thế giới trong thế kỷ này. Cựu đệ nhất phu nhân nhiều khả năng sẽ nỗ lực thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa 2 nước hơn người tiền nhiệm của bà, vốn hầu như “phó mặc” vấn đề này cho Bộ Tài chính.

 

Ánh Ninh
Theo Reuters