8 nước đề nghị "cấm cửa" Belarus sau vụ bắt người chấn động trên không
(Dân trí) - Giới ngoại giao Mỹ và một số nước châu Âu đề nghị cấm tất cả các chuyến bay đến và đi từ Belarus sau vụ Belarus điều tiêm kích chặn máy bay dân sự nước ngoài nhằm bắt một nhân vật đối lập.
Mỹ và một số nước châu Âu lên án hành động của Belarus
Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ Bob Menendez và những người đồng cấp ở Cộng hòa Séc, Latvia, Đức, Lithuania, Ireland, Ba Lan và Anh đã đưa ra một tuyên bố chung lên án việc giới chức Belarus điều tiêm kích chặn máy bay dân sự của hãng hàng không Ryanair hôm 23/5 để bắt một nhà báo đối lập.
"Chúng tôi lên án mối đe dọa sử dụng bạo lực nhằm vào máy bay dân sự ở không phận Belarus. Điều máy bay chiến đấu để chặn một máy bay của Ryanair là một hành động bắt cóc trên tuyến đường giữa hai nước NATO và EU. Hành động này đẩy các hành khách vào mối nguy hiểm nghiêm trọng", tuyên bố chung nêu rõ.
Ông Menendez và những người đồng cấp châu Âu cũng kêu gọi Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) tiến hành một cuộc điều tra ngay lập tức về vụ việc. "Cho đến khi ICAO hoàn tất điều tra, chúng tôi kêu gọi đình chỉ Belarus khỏi tổ chức này và cấm tất cả các chuyến bay qua không phận Belarus bao gồm cả các chuyến bay đến và đi từ nước này", ông Menendez nói.
Giới ngoại giao Mỹ và châu Âu cũng đề nghị các nước thành viên NATO, EU áp lệnh trừng phạt Belarus, đề nghị Belarus lập tức trả tự do cho nhân vật đối lập Roman Protasevich.
Sau lời kêu gọi này, hãng hàng không AirBaltic của Lithuania quyết định ngừng các chuyến bay qua không phận Belarus. "AirBaltic quyết định không sử dụng không phận Belarus cho các chuyến bay của họ", Bộ trưởng Giao thông Lithuania Talis Linkaits hôm nay cho biết và nói thêm rằng quyết định này liên quan đến vấn đề an toàn hàng không.
Đề nghị của giới chức Mỹ và châu Âu được đưa ra sau khi Belarus gây chấn động với vụ bắt giữ nhà báo đối lập Protasevich hôm 23/5. Theo cáo buộc của giới chức phương Tây, Belarus đã lên sẵn kịch bản bắt giữ Protasevich khi máy bay Ryanair chở nhà báo đối lập sống lưu vong này bay qua không phận Belarus trong lúc trên đường từ thủ đô Athens (Hy Lạp) đến thủ đô Vilnius của Lithuania.
Cơ quan không lưu của Belarus đã thông báo cho phi hành đoàn về một mối đe dọa có bom trên khoang và đề nghị máy bay này chuyển hướng và hạ cánh ở Minsk mặc dù chỉ còn vài phút nữa máy bay vào không phận Lithuania. Một máy bay chiến đấu Mig-29 theo lệnh của Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã được triển khai, áp sát máy bay Ryanair, buộc máy bay chuyển hướng, hạ cánh ở thủ đô Minsk của Belarus. Tuy nhiên, khi máy bay hạ cánh xuống Minsk, phi hành đoàn của Ryanair không phát hiện bất cứ mối đe dọa đánh bom nào trên khoang.
Belarus nói rằng có 123 hành khách trên máy bay, tuy nhiên giới chức Lithuania nói có 171 hành khách và khi hạ cánh ở Vilnius sau đó chỉ có 165 người, nên rất có thể bạn gái đi cùng Protasevich cũng đã bị bắt ở Belarus.
Belarus "tố" phương Tây chính trị hóa vụ việc
Phản ứng trước những chỉ trích của Mỹ và một số nước châu Âu, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lithuania Anatoly Glaz nói rằng vụ yêu cầu máy bay Ryanair phải hạ cánh khẩn cấp ở Minsk đang bị "chính trị hóa" và cho rằng một số nước phương Tây đã đưa ra những tuyên bố mang tính chất hiếu chiến một cách nóng vội. Cơ quan này khẳng định, Belarus hành động hoàn toàn phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.
Theo giới quan sát, vụ bắt giữ Protasevich có thể khiến mối quan hệ giữa Belarus với Mỹ và các đồng minh căng thẳng hơn nữa.
Protasevich, 26 tuổi, là cựu biên tập viên của kênh Nexta trên Telegram. Nhân vật đối lập này đã rời Belarus năm 2019 và sống lưu vong ở Lithuania và đưa tin về các cuộc biểu tình phản đối kết quả bầu cử tổng thống ở Belarus năm 2020. Anh bị giới chức Belarus truy nã với cáo buộc khủng bố, tổ chức bạo loạn và kích động thù ghét xã hội. Nếu bị kết tội ở Belarus, Protasevich có thể đối mặt với án 15 năm tù hoặc thậm chí án tử hình.