7 tàu sân bay mắc nhiều lỗi nhất thế giới
(Dân trí) - Tàu sân bay luôn được xem là niềm tự hào của hải quân các nước, song vẫn có một số tàu liên tục gặp sự cố khiến chúng không được triển khai hoạt động như kỳ vọng ban đầu.
Theo Business Insider, hiện có ít nhất 42 tàu sân bay được biên chế vào lực lượng hải quân của ít nhất 14 nước trên toàn thế giới.
Các tàu sân bay được thiết kế với nhiều hình dạng và kích cỡ khác nhau. Một số tàu có thể mang theo số lượng lớn máy bay chiến đấu và máy bay tác chiến điện tử trong khi một số tàu chỉ mang được trực thăng. Một số hoạt động bằng năng lượng hạt nhân, một số vẫn chạy bằng nhiên liệu thông thường.
Dù cho được thiết kế hay có những tính năng gì, tàu sân bay cũng có thể không được hải quân các nước sử dụng hoặc chỉ được sử dụng hạn chế nếu phát hiện bị lỗi hoặc không đủ khả năng để thực hiện sứ mệnh của một tàu sân bay như kỳ vọng ban đầu.
Business Insider đã liệt kê 7 tàu sân bay đã biên chế được cho là tệ nhất của hải quân các nước. Đây là những tàu từng có lịch sử bị hỏng hoặc có những hạn chế trong quá trình triển khai hoạt động.
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc (Ảnh: Reuters)
Được biên chế từ năm 2012, Liêu Ninh là tàu sân bay lớp Kiev được Trung Quốc mua lại từ Ukraine và là tàu sân bay đầu tiên của hải quân Trung Quốc.
Tuy nhiên chỉ vài năm sau khi được biên chế, tàu sân bay Liêu Ninh đã gặp trục trặc về kỹ thuật. Tàu sân bay này từng bị nổ nồi hơi khiến hệ thống điện trên tàu bị vô hiệu hóa.
Kể từ đó, Liêu Ninh không còn trở thành tàu sân bay đáng tin cậy, tương tự hầu hết các tàu sân bay lớp Kiev khác của Liên Xô trước đây. Do vậy, Trung Quốc chủ yếu sử dụng Liêu Ninh như một tàu sân bay huấn luyện.
Tàu sân bay Chakri Naruebet của Thái Lan
Được biên chế từ năm 1997, Chakri Naruebet từng là tàu sân bay thông thường trước khi được chuyển đổi thành tàu sân bay trực thăng vào năm 2006, chủ yếu do các vấn đề về ngân sách.
Mặc dù từng được sử dụng sau sự cố sóng thần trên Ấn Độ Dương vào năm 2004 và các chiến dịch giải cứu sau các trận lũ lụt tại Thái Lan vào năm 2010 và 2011, song tàu sân bay Chakri Naruebet dành phần lớn thời gian neo đậu ở cảng trong 20 năm phục vụ cho Hải quân Thái Lan.
Chakri Naruebet nằm trong nhóm những tàu sân bay có kích thước nhỏ nhất hiện nay. Mặc dù Chakri Naruebet không mắc lỗi thiết kế hay gặp các vấn đề về hoạt động, song Business Insider vẫn xếp tàu này vào nhóm những tàu sân bay tệ nhất vì Chakri Naruebet không được triển khai hoạt động thường xuyên theo đúng nghĩa một tàu sân bay.
Tàu sân bay USS Wasp của Mỹ
USS Wasp là tàu tấn công đổ bộ mới được nâng cấp gần đây để có thể mang theo các máy bay chiến đấu F-35B. Trước đó, USS Wasp đều vắng mặt trong các đợt triển khai chính của quân đội Mỹ trong các cuộc xung đột tại Iraq và Afghanistan, ít nhất trong giai đoạn từ 2004-2011 vì những lý do chưa được công bố.
USS Wasp được xem là tàu sân bay cỡ nhỏ của Hải quân Mỹ. Washington đã triển khai tàu này tới Nhật Bản để tham gia một sứ mệnh trên Thái Bình Dương vào đầu tháng 8 năm nay.
Tàu sân bay HMAS của Australia
Được biên chế từ năm 2014, tàu sân bay HMAS Canberra là một trong hai tàu sân bay của Hải quân Hoàng gia Australia.
Mặc dù HMAS Canberra từng tham gia cuộc tập trận ven Thái Bình Dương (RIMPAC) 2018, một trong những cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới, nhưng trước đó tàu sân bay này đã được đưa trở lại cảng hồi tháng 3/2017 do gặp phải nhiều lỗi nghiêm trọng về động cơ.
“Đó có thể là vấn đề về thiết kế”, Chuẩn Đô đốc Adam Grunsell nói với ABC hồi năm 2017.
Một trong những vấn đề mà tàu sân bay Australia gặp phải là dầu bị rò rỉ trong động cơ.
Một tàu sân bay khác của Australia cũng không được đánh giá cao là HMAS Adelaide - tàu sân bay được biên chế từ năm 2015.
HMAS Adelaide cũng gặp phải những vấn đề tương tự tàu sân bay HMAS Canberra và được đưa về cảng sửa chữa cùng thời điểm.
Theo Business Insider, khi hai cả hai tàu đều được biên chế cùng thời điểm, gặp phải những vấn đề giống nhau trong cùng một khoảng thời gian, đây có thể là dấu hiệu cho thấy lỗi nằm ở khâu thiết kế.
Tàu sân bay USS Gerald R. Ford của Mỹ
Được biên chế từ tháng 7/2017, USS Gerald R. Ford được đánh giá là siêu tàu sân bay uy lực nhất của Hải quân Mỹ. Tuy nhiên, tàu sân bay này cũng liên tục gặp phải nhiều vấn đề và hiện vẫn chưa sẵn sàng để triển khai tác chiến dù đã được biên chế hơn một năm.
Vào tháng 4/2017 và tháng 1/2018, USS Gerald R. Ford được đưa quay về cảng sau khi phát hiện lỗi kỹ thuật. Tới tháng 5/2018, khi đang hoạt động thử nghiệm trên biển, hệ thống động cơ của tàu tiếp tục trục trặc và hải quân Mỹ buộc phải đưa tàu về cảng.
Tàu sân bay USS Gerald R. Ford cũng mắc các lỗi liên quan tới hệ thống máy phóng điện từ và cáp hãm điện từ vốn được thiết kế để phóng và đón máy bay trên tàu.
Tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov của Nga
Tàu sân bay Kuznetsov của Nga nhả khói đen (Ảnh: Reuters)
Đô đốc Kuznetsov là một tàu sân bay lớp Kiev thuộc biên chế của Hải quân Nga. Tàu sân bay này đang trải qua quá trình tu sửa và sẽ không được triển khai hoạt động cho tới năm 2021.
Vào tháng 10/2016, tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov được nhìn thấy thải ra những đám khói đen dày đặc khi di chuyển tới Syria trong một đợt triển khai tác chiến.
“Vấn đề chính của con tàu là động cơ rất khó vận hành. Nó không đáng tin cậy”, Dmitry Gorenburg, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Phân tích Hải quân Mỹ, nói với Business Insider.
Được biên chế từ năm 1995, tàu sân bay Kuznetsov đã từng trải qua đợt hỏng hóc nghiêm trọng vào năm 1996 và dừng hoạt động cho tới năm 1998.
Thành Đạt
Theo BI