7 năm Cuộc chiến 5 ngày: Gấu Nga bảo hộ Nam Ossetia-Abkhazia
7 năm sau “Cuộc chiến 5 ngày” Nga-Gruzia, hai vùng lãnh thổ ly khai Nam Ossetia và Abkhazia đang sống yên ổn dưới “cái ô bảo hộ” của Nga.
Tổng thống Nam Ossetia cảm ơn nước Nga
Kỷ niệm 7 năm cuộc “Chiến tranh 5 ngày” (từ 8-8 đến 12-8-2008) giữa Nga và George (Gruzia) để bảo vệ 2 nước Cộng hòa ly khai khỏi Gruzia, Tổng thống Nước Cộng hòa Nam Ossetia, ông Leonid Tibilov tuyên bố: “Bảy năm trước, Nga đã cứu nhân dân Nam Ossetia”.
Trong cuộc phỏng vấn của hãng thông tấn Nga TASS nhân ngày kỷ niệm sự kiện “Gruzia xâm lược” hồi tháng 8 năm 2008, ông Tibilov nhấn mạnh rằng, 7 năm về trước, quân đội Nga đã đến và giải cứu nhân dân Nam Ossetia khỏi sự hủy diệt hoàn toàn.
“Mỗi năm, vào những ngày tháng 8 này, ở Nam Ossetia lại nhớ về những sự kiện khủng khiếp - ông Tibilov nói. Đó là ngày mà nỗi đau mất mát hòa cùng ký ức về lòng dũng cảm và chủ nghĩa anh hùng mà những người bảo vệ Tskhinvali và những người lính Nga đã thể hiện”.
Tổng thống nhấn mạnh rằng chỉ nhờ “lòng dũng cảm vô bờ bến của các chiến sĩ Ossetia và đội ngũ gìn giữ hòa bình của Nga, Tskhinvali mới có thể cầm cự đến khi lực lượng Tập đoàn quân số 58 đến tiếp ứng kịp thời, với những chiếc xe tăng tiến vào thành phố, trong lúc căng thẳng nhất của cuộc chiến”.
“Thật khó có thể truyền đạt người dân chúng tôi đã chờ đợi quân đội Nga ở Tskhinvali đến thế nào. Đó đơn giản là chuyện sống còn. Và chỉ ngay ngày hôm sau, khắp nơi - ông nhấn mạnh - ở bất cứ nơi nào có thể, xuất hiện những dòng chữ: “Xin cảm ơn nước Nga!”.
Đoàn xe bọc thép của Nga tiến vào Nam Ossetia năm 2008
Ông Tibilov nói thêm là người dân Nam Ossetia muốn bày tỏ lòng biết ơn to lớn và sâu sắc nhất của mình đối với Nga, đất nước đã không bỏ mặc họ trong cơn nguy khốn, đã đến và giải cứu nhân dân đất nước khỏi một cuộc diệt chủng hoàn toàn.
Ossetia nằm bên dãy Caucasus và được chia thành hai phần: Bắc Ossetia là một nước cộng hòa thuộc Nga, còn tỉnh Nam Ossetia với phần lớn là người Nga, vốn thuộc Gruzia nhưng đã tuyên bố ly khai kể từ cuộc xung đột Gruzia-Ossetia đầu tiên vào năm 1991-1992, ngay sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ.
Chính quyền ly khai muốn sát nhập vào Nga, nhưng Gruzia kiên quyết khẳng định đây vẫn là lãnh thổ của họ dù Tbilisi đã mất quyền kiểm soát thực tế khu vực này trong 15 năm. Liên tiếp 3 cuộc chiến tranh Gruzia-Ossetia đã nổ ra vào các năm 1991-1992; 2003 và 2008.
Sự kiện kịch tính diễn ra cách đây 7 năm ở phía nam biên giới vùng Kavkaz của Nga, kéo theo cả vùng Abkhazia. Để rồi từ đó, 2 vùng ly khai này chính thức đoạn tuyệt với Tbilisi và được Moscow công nhận chủ quyền, đồng thời nằm dưới sự bảo hộ của Nga.
Tuy quân đội Gruzia nổ súng tấn công trước vào Nam Ossetia nhưng các phương tiện truyền thông thế giới khi đó loan tin rằng quân đội của nước Nga xâm lược đã vô cớ tấn công, ném bom vào các thành phố, giết hại cư dân của đất nước Gruzia nhỏ bé “yêu chuộng tự do và dân chủ”.
Tổng thống Nước Cộng hòa Nam Ossetia Leonid Tibilov
Làn sóng giận dữ và hận thù Nga đã bùng phát gay gắt. Nhiều nơi vang lên lời hô hào loại trừ Moscow khỏi tất cả các tổ chức quốc tế, áp dụng biện pháp trừng phạt và cô lập chống Nga.
Một vài tuần sau, khi Nga giới thiệu ở Liên Hợp Quốc các tư liệu ảnh chụp từ vệ tinh thì sự dối trá về “cuộc xâm lăng của Nga” đã bị bóc trần. Rõ ràng là không phải Moscow xâm lược Tbilisi mà là đội quân Gruzia do Mỹ trang bị và huấn luyện, sau khi chuẩn bị kỹ lưỡng, đã tấn công trước vào Nam Ossetia.
Chính quyền Saakashvili âm mưu dùng sức mạnh của vũ khí lấy lại quyền kiểm soát ở nước Cộng hòa mà hồi đầu những năm 1990 đã cùng với Abkhazia và Adjaria tách ra khỏi Gruzia, vì không chịu sự áp đặt của những đối tượng dân tộc chủ nghĩa nắm quyền ở Tbilisi.
Nhìn lại cuộc “Chiến tranh 5 ngày” Nga-Gruzia
Cộng hòa Abkhazia hay còn gọi là Apsny là một lãnh thổ ở phía đông biển Đen và sườn tây-nam của dãy Kavkaz. Abkhazia chính thức tuyên bố độc lập và tách ra khỏi Gruzia vào năm 1994, sau cuộc chiến tranh với Gruzia năm 1992-1993. Nước cộng hòa này cũng có liên quan trực tiếp đến “Cuộc chiến tranh 5 ngày”.
Sự kiện 2 nước cộng hòa Abkhazia và Nam Ossetia công nhận quyền độc lập cho nhau vào năm 2006 và muốn sáp nhập vào Nga đã khiến Gruzia nổi giận và dưới sự ngấm ngầm chấp thuận của Mỹ, Tbilisi đã tiến đánh Tkhinvali vào tháng 8 năm 2008.
Cuộc đột nhập của quân đội Gruzia vào Nam Ossetia bắt đầu nửa đêm rạng sáng ngày 08 tháng 8 năm 2008, với những trận pháo kích dồn dập vào thủ phủ Tskhinval của nước Cộng hòa, bằng nhiều dàn phóng tên lửa, pháo hạng nặng và súng cối, sau đó bộ binh và xe tăng ồ ạt tấn công.
Xe tăng Gruzia xông vào Tskhinval, binh lính Gruzia bắn như vãi đạn vào mọi thứ, kể cả nhà ở và xe hơi riêng, nơi những người dân của thành phố yên bình chợt choàng tỉnh giữa đêm vì tiếng nổ và cuống cuồng chạy trốn thoát khỏi “bọn xâm lược”.
Lính tăng Gruzia ngồi trên tháp pháo xe tăng, cười hả hê ghi lại những hình ảnh này vào máy ảnh và điện thoại di động. Sau đó, một trong những đoạn phim đó xuất hiện trên màn ảnh truyền hình Tây Ban Nha với ghi chú: “Lính tăng Nga tàn sát cư dân thành phố Gruzia”.
Cuộc chiến Gruzia - Nam Ossetia lần thứ 3 đã khơi mào cho cuộc chiến quy mô lớn nhưng ngắn ngày giữa Moscow và Tbilisi tức là “Cuộc chiến tranh 5 ngày”. Đây cũng là cuộc chiến tranh chính quy đầu tiên của Nga sau khi tách ra từ Liên Xô, đánh dấu sự trở lại của một cường quốc.
Sau khi quân đội Gruzia tràn vào Tkhinvali, ngay lập tức, Tổng thống Medvedev hạ lệnh tấn công, quét sạch quân đội Gruzia ở Nam Ossetia, đồng thời ông Putin (lúc đó đang làm Thủ tướng) đã bỏ Thế vận hội Bắc Kinh, bay về Nga chỉ đạo tác chiến.
Quân đội Nga đã bất ngờ ồ ạt tấn công, đánh lui các đơn vị Gruzia tại Nam Ossetia. Quân đội nước này tháo chạy, bỏ lại cả những cỗ xe chiến đấu "Hammer" của Mỹ và xe tăng được trang bị toàn thiết bị điện tử Israel còn mới toanh.
Tổng thống Gruzia Mikhail Saakashvili, người đã ban hành sắc lệnh tấn công Nam Ossetia, khi nhận tin báo đã “kêu thất thanh” thỉnh cầu thế giới “cứu Gruzia khỏi cuộc xâm lăng của Nga" và trong cơn hoảng loạn thậm chí đã nhai cả cà-vạt của mình.
Quân đội Nga tiếp tục truy đuổi quân đội Gruzia rệu rã, mất tinh thần tới tận cửa ngõ Tbilisi mới dừng lại. Trong khoảng thời gian đó, quân Abkhazia, với sự giúp đỡ của quân Nga cũng phối hợp đánh tan và quét sạch lực lượng quân sự của Gruzia khỏi nước cộng hòa này.
Nga tuyên bố ngừng bắn trước cửa ngõ Tbilisi vào ngày 12-08, đó cũng là ngày được công nhận là ngày kết thúc “Cuộc chiến tranh 5 ngày”. Sau đó, Moscow đã công nhận quyền độc lập của Nam Ossetia và Abkhazia vào ngày 26-08, trước sự bất lực của Tbilisi cùng với Washington và NATO.
Cựu Tổng thống Gruzia Mikhail Saakashvili là người ra lệnh tấn công Nam Ossetia
Sau cuộc chiến Nga-Gruzia năm 2008, Chính phủ Gruzia vẫn tuyên bố coi 2 vùng lãnh thổ ly khai này thuộc chủ quyền của mình, ra nghị quyết tuyên bố Abkhazia và Nam Ossetia là một “lãnh thổ bị chiếm đóng”, đồng thời đặt các chính quyền “lưu vong” tại Tbilisi.
Qua một vài năm sau, ông Saakashvili - nhân vật mà Mỹ từng tuyên dương là "người bảo vệ nền dân chủ", đã thất bại khi tranh cử Tổng thống và phải đào tẩu khỏi Gruzia, trốn vụ án hình sự điều tra về những vụ tra tấn trong nhà tù, ám hại chính khách đối lập và cuộc chiến chống Nam Ossetia.
Hiện trên thế giới chỉ có Nga, Nicaragua, Venezuela, Nauru, Tuvalu và Vanuatu đã công nhận nền độc lập của Abkhazia và Nam Ossetia.
Hai vùng lãnh thổ ly khai Abkhazia và Nam Ossetia và 2 “người bạn” khác là Transnistria (hay còn gọi là Transdniestria, nguyên thuộc Moldova), Nagorno Karabakh - tách ra từ Azerbaijan duy trì mối quan hệ hữu nghị mật thiết với nhau và hình thành Cộng đồng vì Dân chủ và Quyền của các Dân tộc.
Khác với Crimea, Nga không đồng ý sáp nhập bất cứ quốc gia nào vào lãnh thổ của mình mà chỉ đóng vai trò “người bảo hộ” với ý đồ hết sức sâu xa. Moscow luôn để ngỏ khả năng sáp nhập các vùng lãnh thổ này, lấy đó làm con bài để mặc cả với phương Tây.
(Điều này chúng ta sẽ tìm hiểu trong kỳ sau)
Theo Thiên Nam
Đất Việt