64 lần âm thanh lạ "gõ cửa" trái đất
Cư dân ở bang Alabama – Mỹ từng giật nảy mình ngơ ngác không biết chuyện gì xảy ra khi có một tiếng nổ lớn rền vang trên gần như toàn bộ bang.
Tiếng nổ thậm chí được đặt biệt danh là "Bama Boom" và nó khiến cả các chuyên gia bối rối. Đủ loại giả thuyết được đưa ra, từ máy bay siêu thanh cất cánh đến sao băng nổ trong khí quyển, nhưng vẫn không ai biết đích xác nguyên nhân là gì.
Đây không phải là lần đầu những âm thanh lạ vang vọng và chúng đang diễn ra thường xuyên hơn, theo một số báo cáo. Chỉ trong năm 2017 đã có 64 lần âm thanh bí ẩn tương tự ở Alabama được ghi nhận.
Alabama, 14-11-2017
Cơ quan Thời tiết quốc gia Birmingham (Mỹ) viết trên Twitter: "Nghe thấy tiếng nổ lớn nhưng chúng tôi không thấy bất cứ dấu hiệu cháy/khói lớn nào trên cả radar lẫn vệ tinh; cũng không có dấu hiệu động đất".
Cơ quan này nghi ngờ nguyên nhân đến từ tiếng nổ siêu thanh phát ra từ máy bay hoặc một sao băng trong trận mưa sao băng Leonid vào thời điểm đó.
Về phần mình, ông Bill Cooke, người đứng đầu Văn phòng Môi trường thiên thạch của NASA, cho rằng gây ra tiếng nổ trên có thể là một máy bay siêu thanh, một vụ nổ trên mặt đất hoặc một sao băng lớn (nhưng không liên quan đến mưa sao băng Leonid).
Trong khi đó, Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ dẫn các dữ liệu ghi nhận được cho thấy tiếng nổ không phải là kết quả của một vụ động đất. Còn Không quân Mỹ không lên tiếng về nghi vấn liên quan đến một chuyến bay quân sự hay máy bay siêu thanh.
Idaho, 15-11-2017
Một ngày sau vụ nổ ở Alabama, một tiếng động tương tự được nghe thấy ở bang Idaho - Mỹ. Nhiều người báo cáo rằng họ nghe được tiếng nổ lớn bên trên thung lũng Lewiston-Clarkston vào khoảng 23 giờ đêm.
Nhiều báo cáo mô tả tiếng nổ nghe giống tiếng nổ siêu thanh của máy bay. Tuy nhiên, nguyên nhân cũng như vị trí nổ thật sự vẫn chưa rõ.
Máy bay siêu thanh thường được cho là nguồn cơn gây ra một số tiếng nổ bí ẩn. Ảnh: Shutterstock
Cairns, 10-10-2017
Tiếng nổ được nghe ở Cairns, bang Queensland – Úc và khiến cả thành phố đồn đoán. Các giả thuyết mà cư dân đưa ra rất đa dạng, từ sao băng rơi, nổ bình gas đến âm thanh phát ra từ máy bay quân sự.
Đúng là có một chiếc chiến đấu cơ FA-18 Hornet bay qua Cairns vào đêm trước đó nhưng trong đêm 10-10-2017 thì không có chiến đấu cơ nào xuất hiện vào lúc "tiếng nổ" xảy ra.
Abergavenny, 11-5-2017
Một loạt tiếng nổ trong ngày 11-5 khiến cư dân Abergavenny, xứ Wales – Vương quốc Anh hoảng hồn.
Kể lại với tờ Abergavenny Chronicle, một người nói: "Nó làm tôi suýt đứng tim. Mới đầu tôi tưởng là súng nổ hay bắn pháo hoa nhưng tiếng nổ này to hơn nhiều, giống như nổ cả bồn nhiên liệu. Chồng tôi bảo có thể mấy sao băng nhỏ va chạm với trái đất nhưng tôi thấy vô lý".
Một lần nữa, không ai rõ nguồn gốc tiếng nổ ở Wales.
Lapland, 17-11-2017
Những cảnh quay trên mạng cho thấy một luồng sáng chói lóa trên bầu trời vùng Lapland, Inari – Phần Lan. Ánh sáng mạnh tới mức ở bán đảo Kola của Nga và miền Bắc Na Uy cũng nhìn thấy.
Những người nghiên cứu thiên văn cho biết bầu trời sáng lên như ban ngày trong vài giây, kèm theo đó là tiếng ầm ầm như thể thiên thạch lao vào trái đất.
Nguyên nhân của vụ việc không quá bí ẩn. Tiếng nổ ở Lapland là kết quả của một quả cầu lửa gây ra bởi sao băng rơi.
Lapland ban đêm... Ảnh: Daily Mail
...biến thành ngày trong chốc lát. Ảnh: Daily Mail
Bán đảo Eyre, 27-10-2017
Vụ nổ trên bầu trời bán đảo Eyre của Úc cũng do một sao băng gây ra. Tuy nhiên, tiếng nổ không phát ra khi quả cầu lửa của sao băng va trúng trái đất mà là do sự thay đổi áp suất khi sao băng lao xuống xuyên qua không trung.
Bà Renee Sayers, phát ngôn viên của tổ chức nghiên cứu Desert Fireball Network, giải thích với trang News.com.au: "The shock wasn't from it hitting the ground; It is like a sonic boom shock, a pressure shock.'
Miền Trung Florida, 7-5-2017
Miền Trung bang Florida - Mỹ rung chuyển vì một tiếng nổ lớn và nguyên nhân xuất phát từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy, cụ thể là một vụ thử nghiệm máy bay siêu thanh.
Các nhiệm vụ quân sự bí mật được xác định đã gây ra một số tiếng nổ khác, như lần Không quân Mỹ công bố trên Twitter: "X37B đã quay lại từ quỹ đạo và hạ cánh an toàn ở Trung tâm Vũ trụ Kennedy". X37B là tàu vũ trụ bí ẩn của Mỹ, thực thi một nhiệm vụ tuyệt mật.
Những nguyên nhân gây... "bùm"
Hầu hết nguyên nhân gây ra các tiếng nổ lớn vẫn là bí ẩn dù có nhiều giả thuyết được đưa ra dưới đây.
- Tiếng nổ siêu thanh
Khi một vật thể di chuyển trong không khí nhanh hơn tốc độ âm thanh – ví dụ máy bay siêu thanh – sẽ gây ra tiếng nổ siêu thanh kèm sóng chấn động. Tiếng nổ siêu thanh giống như một vụ nổ ngay cạnh tai người.
- Các cuộc tập trận
Nhiều tiếng nổ lớn không giải thích được có thể là kết quả của các cuộc diễn tập quân sự, xảy ra ở các căn cứ lục quân hoặc hải quân...
Các cuộc tập trận cũng có thể gây ra âm thanh rền vang bí ẩn. Trong ảnh: Binh sĩ NATO trong cuộc tập trận “Iron Wolf 2017” ở Stasenai - Lithuania Ảnh: EPA
- Nổ có kiểm soát
Đây là phương pháp kích nổ hoặc vô hiệu hóa một thiết bị nổ tình nghi, ví dụ các túi xách bị bỏ lại nhà ga.
- Thời tiết bất thường
Những cơn bão sấm sét hay bão điện đều có thể gây ra những âm thanh lớn đến hoảng hồn
- Sao băng
Những ngôi sao băng lớn bay qua trái đất thường gây ra sóng chấn động nghe giống như nổ siêu thanh.
- Âm thanh giống tiếng máy bay
Một số ý kiến cho rằng những tiếng nổ bí ẩn được tạo ra bởi hiện tượng nghịch nhiệt, tức một lớp khí nóng nằm trên một lớp khí lạnh hơn, làm khuếch đại âm thanh của một chiếc máy bay ở cách xa nơi đó.
- Người ngoài hành tinh
Những người theo thuyết âm mưu tin rằng chính người ngoài hành tinh đã gây ra những tiếng nổ bí ẩn. Tuy nhiên, tới nay không có chứng cứ nào cho giả thuyết này.
Theo Hải Ngọc
Người Lao Động