1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

6 vụ thử hạt nhân khủng khiếp làm thay đổi thế giới

Từ vụ thử hạt nhân đầu tiên của Mỹ năm 1945 cho tới vụ thử gần đây nhất của Triều Tiên năm 2018, thế giới đã chứng kiến ít nhất 2.056 vụ thử hạt nhân.

Ngày nay, nhắc tới thử vũ khí hạt nhân, người ta thường nghĩ ngay tới Triều Tiên bởi dù sao thì từ cuộc thử vũ khí đầu tiên năm 2006 cho tới nay, Bình Nhưỡng đã tiến hành 6 vụ thử vũ khí hạt nhân trong khi không có bất kỳ quốc gia nào khác tiến hành các vụ thử như vậy trong thế kỷ này.

6 vụ thử hạt nhân khủng khiếp làm thay đổi thế giới - 1

Ảnh minh họa. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, Triều Tiên không phải là cái tên duy nhất trên bản đồ hạt nhân thế giới. Từ vụ thử hạt nhân đầu tiên của Mỹ năm 1945 cho tới vụ thử gần đây nhất của Triều Tiên là vào tháng 9/2018, thế giới đã chứng kiến ít nhất 2.056 vụ thử hạt nhân. Gần 85% trong số này là do Mỹ và Liên Xô tiến hành trong khi 3 nước sở hữu vũ khí hạt nhân khác được công nhận như Anh, Pháp và Trung Quốc cũng tiến hành một số lượng đáng kể các vụ thử này.

Israel chưa bao giờ chính thức thử vũ khí hạt nhân mặc dù có những bằng chứng rõ ràng cho thấy nước này đã bí mật thử một vài loại vũ khí ở Nam Phi năm 1979. Ấn Độ tiến hành vụ nổ hạt nhân "hòa bình" năm 1974 và sau đó là một loạt 5 vụ nổ hạt nhân nữa vào tháng 5/1998. Sau đó cũng trong tháng đó, Pakistan phản ứng bằng cách tiến hành 6 vụ thử hạt nhân chỉ trong 2 ngày.

Không phải tất cả các vụ thử hạt nhân trên đều có mức độ ngang nhau. Một số vụ nổ hạt nhân có sức công phá tương đương với hàng chục cho tới hàng trăm tấn thuốc TNT, trong khi có những vụ thử khác đo được là hàng chục megaton (1 megaton tương đương với 1 triệu tấn).

Mỹ

Mỹ vừa là nước tiến hành những vụ thử vũ khí hạt nhân đầu tiên, vừa là quốc gia thử nhiều vũ khí hạt nhân nhất trong lịch sử. Washington bắt đầu vụ thử đầu tiên là Trinity ở sa mạc New Mexico ngày 16/7/1945. Sau khi chứng kiến vụ nổ đo được là 20 kiloton (tương đương với 20.000 tấn thuốc nổ TNT), tiến sĩ J. Robert Oppenheimer - cha đẻ của bom hạt nhân đã có một tuyên bố nổi tiếng rằng: "Và ta đã trở thành tử thần, kẻ hủy diệt thế giới".

Từ năm 1945 - 1992, Mỹ đã tiến hành 1.030 vụ thử hạt nhân, gần bằng một nửa tổng số vụ thử trên thế giới. Vụ thử hạt nhân lớn nhất diễn ra chỉ 9 năm sau vụ thử Trinity. Sự kiện này diễn ra ngày 1/3/1954 tại Bikini Atoll trên đảo Marshall. Castle Bravo là vụ thử vũ khí nhiệt hạch đầu tiên sau khi Mỹ lần đầu thử nghiệm bom hydro năm 1952. Vượt xa dự tính ban đầu với đương lượng nổ khoảng 5 - 6 megaton, Castle Bravo có sức công phá lên tới 15 megaton. Điều ấy tức là vụ thử này mạnh gấp 1.000 lần những quả bom từng được sử dụng trong Thế chiến II để chống lại Nhật Bản. Theo một số nguồn tin, cuộc thử nghiệm này đã trở thành một thảm họa cho nước Mỹ khi phóng xạ lan rộng trong khoảng hơn 18.000 km. Đáng chú ý nhất là việc một tàu cá Nhật Bản tên là Lucky Dragon No.5 ở trong khu vực này với 23 thủy thủ đoàn đã chết không lâu sau đó vì nhiễm phóng xạ.

Cuộc thử nghiệm trên cũng cho thấy sự nguy hiểm của vũ khí hạt nhân với nhân loại. Sau cuộc thử nghiệm, các cố vấn khoa học của Tổng thống Dwight D. Eisenhower đã thử xem xét mức độ phóng xạ của Castle Bravo nếu Washington DC là khu vực số 0. Kết quả vô cùng đáng sợ mà nhà khoa học Annie Jacobsen đã tiết lộ trong cuốn sách của mình:

"Nếu khu vực số 0 là Washinton DC, mọi công dân ở khu vực Washington - Baltimore đều sẽ chết ngay lập tức. Thậm chí ở Philadelphia cách đó hơn 240 km, phần lớn cư dân cũng bị phơi nhiễm phóng xạ ở mức độ nghiêm trọng tới nỗi họ sẽ chết trong 1 giờ. Tại thành phố New York cách đó 360 km về phía bắc, một nửa dân số sẽ chết khi trời tối. Ở khu vực biên giới Canada, những người sinh sống đều sẽ bị phơi nhiễm ở mức độ 100 roentgen (đơn vị đo phóng xạ ) hoặc hơn và những gì họ phải chịu đựng giống như những gì các thủy thủ trên Lucky Dragon đã trải qua.

Liên Xô

Tổng cộng Liên Xô đã tiến hành 715 vụ thử vũ khí hạt nhân, ít hơn so với Mỹ về số lượng nhưng lại hơn hẳn về quy mô. Trên thực tế, 5 vụ nổ hạt nhân lớn nhất lịch sử, tất cả đều do Liên Xô thực hiện.

Không có vụ thử hạt nhân nào lớn hơn được Tsar Bomba (Bom Sa hoàng). Ngày 30/10/1961, máy bay ném bom Tu-95 đã thả một quả bom rộng 2 mét, dài hơn 26 mét và nặng 27 tấn. Đương lượng nổ của vụ thử vũ khí này là 57 megaton, "mạnh hơn 10 lần tất cả đạn dược được sử dụng trong Thế chiến II". Một bài báo của BBC sau đó đã nhận định: "Ánh sáng từ vụ nổ này có thể quan sát được từ khoảng cách 1.000 km. Đám mây hình nấm của vụ nổ hạt nhân này trải rộng gần 100 km. Theo một số bài báo, vụ nổ đã làm vỡ cửa sổ ở những địa điểm cách đó 900 km”.

Anh

Anh là quốc gia thứ 3 tham gia vào "câu lạc bộ hạt nhân" khi kích nổ quả bom nguyên tử đầu tiên ngày 3/10/1952. Tuy nhiên, Anh cùng với các nước khác như Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và Israel sở hữu kho vũ khí nhỏ hơn nhiều so với Mỹ hay Liên Xô và cũng không tiến hành nhiều vụ thử như 2 quốc gia này.

Từ 1952 - 1991, Anh đã tiến hành 45 vụ thử hạt nhân. Ban đầu, Anh tự tiến hành các vụ thử vũ khí hạt nhân nhưng từ năm 1961, các vụ thử hạt nhân của nước này được thực hiện chung với Washington. Ban đầu Mỹ từ chối hợp tác với Anh về vấn đề hạt nhân nhưng sau đó, mọi thứ thay đổi khi London thể hiện khả năng xây dựng các vũ khí hydro. Anh bắt đầu thử bom nhiệt hạch năm 1957 nhưng các thiết kế ban đầu không đạt được kết quả như mong đợi. Vụ thử bom hydro thành công đầu tiên diễn ra vào tháng 11/1957 song vụ thử lớn nhất của Anh là Grapple Y vào tháng 11/1958 với đương lượng nổ là 3 megaton.

Pháp

Pháp là quốc gia thứ 4 thử vũ khí hạt nhân vào ngày 13/2/1960. Khả năng hạt nhân của Pháp tương đương với Anh song Paris không hợp tác với Washington về vấn đề hạt nhân.

Nước này tiến hành 210 vụ thử hạt nhân từ năm 1960 - 1966. Mặc dù Pháp "dẫn trước" Trung Quốc về bom nguyên tử nhưng Bắc Kinh đã kích hoạt quả bom hydro trước Paris. Không giống như Anh, vụ thử bom hydro đầu tiên của Pháp đã diễn ra thành công. "Pháp kích nổ thiết bị nhiệt hạch 2 tầng đầu tiên ngày 24/8/1968 với tên gọi Canopus. Đây cũng là vụ thử nhiệt hạch đầu tiên và lớn nhất của Pháp với đương lượng nổ là 2,6 megaton.

Trung Quốc

Trung Quốc kích nổ quả bom nguyên tử đầu tiên ngày 16/10/1964 tại Lop Nur. Chỉ chưa tới 3 năm, ngày 17/6/1967, Bắc Kinh khẳng định nước này đã tiến hành một vụ thử bom nhiệt hạch. Đây cũng là quốc gia có thời gian ngắn nhất khi đi từ vụ thử bom nguyên tử đầu tiên tới vụ thử bom hydro đầu tiên với đương lượng nổ của vụ thử bom hydro là 3,3 megaton.

Tổng cộng, Trung Quốc đã tiến hành 45 vụ thử hạt nhân, bằng với số lượng của Anh từ năm 1964 - 1966.

Triều Tiên

Triều Tiên là quốc gia gần đây nhất tham gia vào "câu lạc bộ hạt nhân" sau khi kích hoạt quả bom nguyên tử đầu tiên vào năm 2006. Vụ thử vũ khí đầu tiên này có đương lượng nổ là gần 2 kiloton, 4 vụ thử đầu tiên của Bình Nhưỡng đều chưa đạt tới 20 kiloton nhưng chỉ riêng vụ nổ thứ 5 đã lên tới 25 kiloton. Vụ thử hạt nhân gần đây nhất của Bình Nhưỡng rõ ràng là mạnh nhất. Dù mức độ chính xác của vụ nổ này vẫn là vấn đề gây tranh cãi nhưng ước tính khoảng từ 100 - 250 kiloton. Hiện có nhiều quan điểm khác nhau về việc liệu Triều Tiên sẽ thử bom hydro như Bình Nhưỡng tuyên bố hay là bom phân hạch.

Theo Kiều Anh

VOV.VN