1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

6 vụ rò rỉ tin mật gây chấn động thế giới

(Dân trí) - Trước khi xảy ra vụ việc cựu nhân viên CIA Edward Snowden tiết lộ chương trình theo dõi điện thoại và Internet của chính phủ Mỹ, nước Mỹ cũng chứng kiến hàng loạt vụ rò rỉ tin mật gây chấn động thế giới, như bê bối nghe lén Watergate hay vụ lạm dụng tại nhà tù Abu Ghraib.

Tài liệu Lầu Năm Góc

Daniel Ellsberg

Daniel Ellsberg
 
Vào năm 1971, Daniel Ellsberg, một phân tích quân sự, đã tiết lộ các tài liệu của Lầu Năm Góc về chiến tranh Việt Năm.

Tài liệu bao gồm một nghiên cứu bí mật của Bộ quốc phòng Mỹ liên quan tới chiến tranh Việt Nam, nói rằng chính phủ Mỹ ngay từ đầu đã biết rằng khó có khả năng giành chiến thắng trong cuộc chiến và việc tiếp tục chiến tranh chỉ dẫn tới nhiều thương vong hơn.

Các tài liệu, mà chính quyền của Tổng thống Richard Nixon cố gắng ngăn chặn việc công bố, còn tiết lộ rằng chính quyền Tổng thống Lyndon Johnson trước đó đã nói dối quốc hội và người Mỹ về sự tham chiến của Mỹ tại Việt Nam.

Ellsberg đã gửi các phần của bản cáo cáo tới New York Times và các tờ báo và tài liệu được các tờ báo đăng tải, tạo nên làn sóng phản đối chiến tranh mạnh mẽ.

Watergate
Bob Woodward và Carl Bernstein
Bob Woodward và Carl Bernstein
Có lẽ vụ rò rỉ quan trọng nhất trong lịch sử Mỹ là bê bối Watergate và các thông tin của một nhân vật có biệt danh "Deep Throat" - mà sau đó được xác định là Phó giám đốc FBI Director Mark Felt  - được gửi cho các nhà báo Mỹ Bob Woodward và Carl Bernstein của tờ Washington Post.

Vụ việc bắt đầu vào năm 1972 khi 5 người bị bắt giữ do đột nhập vào trụ sở Ủy ban quốc gia của đảng Dân chủ tại khách sạn Watergate ở Washington D.C để gài thiết bị nghe trộm.

FBI sau đó phát hiện ra rằng 5 tên trộm trên có liên quan tới chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Nixon. Một ủy ban thượng viện Mỹ đã được triệu tập vào năm 1973 để xem xét các tình huống của vụ trộm.

Cuộc điều tra của 2 nhà báo tờ Washington Post đã tiết lộ quy mô thực sự của tấm màn bao trùm vụ trộm, vốn dẫn tới việc Tổng thống Nixon phải từ chức năm 1974. Ông Nixon đã quyết định từ chức thay vì phải đối mặt với sự buộc tội và nguy cơ bị kết án vì những điều ông biết về vụ bê bối.

Vụ Iran-Contra
Cựu Tổng thống Ronald Reaga (trái) và cựu Bộ trưởng quốc phòng Caspar Weinberger
Cựu Tổng thống Ronald Reaga (trái) và cựu Bộ trưởng quốc phòng Caspar Weinberger
Mehdi Hashemi, một giáo sĩ Iran, là người đã tiết lộ vụ bê bối Iran-Contra. Theo tiết lộ của ông Hashiemi, Mỹ, dưới thời chính quyền Tổng thống Ronal Reagan, đã bán vũ khí trái phép cho Iran, với sự trợ giúp của Israel, bất chấp một lệnh cấm vận vũ khí và một sự thật rằng Mỹ vẫn ủng hộ Iraq trong cuộc chiến với Iran. Tiền thu được từ các vụ mua bán đã được dùng để trợ giúp lực lượng Contra chiến đấu chống lại chính phủ cách mạnh Sandinista cánh tả tại Nicaragua.

Hashemi đã bị chính phủ Iran tử hình vào năm 1987.

Valerie Plame
 
Valerie Plame và Joseph Wilson

Valerie Plame và Joseph Wilson
Vào năm 2003, nhà báo Robert Novak đưa tin rằng Valerie Plame, vợ của nhà ngoại giao cấp cao Mỹ Joseph Wilson, thực chất là một nhân viên CIA chìm. Tiết lộ này đã dẫn tới việc sự nghiệp làm mật vụ chìm của Plame kết thúc và khiến bà phải từ chức khỏi cơ quan tình báo.

Vụ viết lộ đã dẫn tới một cuộc điều tra về việc làm thế nào mà Novak lại có được thông tin đó.

Có nguồn tin cho rằng các cố vấn cấp cao của Nhà Trắng đã tiết lộ thông tin trên nhằm trả thù chồng bà Plame về một bài báo mà trong đó ông vạch trần một số lời biện hộ cho việc mở cuộc chiến tại Iraq.

Trợ lý Nhà Trắng Lewis "Scooter" Libby sau đó bị buộc tội nói dối FBI và bị kết án 30 tháng tù giam. Tuy nhiên, ông này không phải ngồi tù vì được Tổng thống George W Bush ân xá.

Abu Ghraib
 
Bức ảnh một tù nhân bị lạm dụng tại nhà tù Abu Ghraib

Bức ảnh một tù nhân bị lạm dụng tại nhà tù Abu Ghraib
 
Các cáo buộc về việc các quân nhân Mỹ lạm dụng tù nhân tại nhà tù Abu Ghraib ở Iraq đã được báo chí đăng tải vào đầu năm 2004.

Nhưng chỉ đến khi các bức ảnh ghi lại cảnh các tù nhân bị ngược đãi được cung cấp cho chương trình 60 Minutes và nhà báo điều tra Seymour Hersh, vụ lạm dụng mới biến thành một bê bối quân sự nghiêm trọng.

Những bức ảnh được đăng tải khắp các mặt báo thế giới cho thấy các tù nhân trần truồng bị lạm dụng thể chất và bị làm bẽ mặt. 11 binh sĩ Mỹ đã bị kết án vì lạm dụng các tù nhân.

Bradley Manning
 
Binh nhì Bradley Manning

Binh nhì Bradley Manning
Với tư cách là một nhân tích tình báo trong quân đội Mỹ, binh nhì Bradley Manning đã được tiếp cận nhiều tài liệu nhạy cảm và được tin là đứng sau vụ rò rỉ các tài liệu mật lớn nhất của chính phủ Mỹ.

Manning đã bị truy tố về vài tội danh liên quan tới ăn cắp thông tin mật và phiên tòa xét xử binh sĩ này bắt đầu từ đầu tháng 6.

Trong số hàng nghìn tài liệu mà Manning bị cáo buộc đã trao cho trang web Wikileaks có đoạn video ghi lại cảnh một trực thăng Apache sát hại 12 dân thường ở Baghdad (Iraq) hồi năm 2007.

Manning được cho là đã trở nên bất mãn với sự nghiệp nhà binh và đã tải hàng nghìn tài liệu mật từ các máy chủ quân sự. Binh sĩ này không phủ nhận vai trò trong vụ rò rỉ và có thể đối mặt với án tù chung thân nếu bị buộc tội trợ giúp kẻ thù.

An Bình
Theo BBC