1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

6 “cánh tay nối dài” giúp Iran phá vòng vây của Mỹ khi xung đột

(Dân trí) - Trong trường hợp xảy ra chiến tranh, Iran sẽ có một số “gọng kìm” để đáp trả cuộc tấn công của Mỹ và các đồng minh nhờ mạng lưới hậu thuẫn rộng khắp trong khu vực.

6 “cánh tay nối dài” giúp Iran phá vòng vây của Mỹ khi xung đột - 1

Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (Ảnh: Sputnik)

Iran ủng hộ các nhóm dân quân tại Iraq, Syria và Afghanistan - nơi quân đội Mỹ đang đồn trú, và tại Lebanon và Yemen - nơi gần các đồng minh của Washington là Israel và Ả rập Xê út. Về vị trí địa lý, Iran nằm đối diện với Ả rập Xê út tại vùng Vịnh và dọc theo eo biển Hormuz.

Trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Iran ngày càng leo thang, một cuộc xung đột quân sự giữa hai nước là kịch bản được nhiều người nghĩ tới. Theo Reuters, trong trường hợp xảy ra chiến tranh, Iran sẽ có một số “gọng kìm” để tấn công Mỹ và các đồng minh của Washington trong khu vực.

Iraq

Các nhóm Shi’ite do Iran hậu thuẫn ngày càng tăng cường sức mạnh sau cuộc đổ bộ của quân đội Mỹ vào Iraq hồi năm 2003. Các nhóm Shi’ite năm ngoái thậm chí còn tham gia vào lực lượng vũ trang Iraq, từ đó cho thấy vai trò ngày càng lớn của các nhóm này bất chấp sự hiện diện của Mỹ tại Iraq.

Các nhóm Shi’ite mạnh nhất do Iran huấn luyện, trang bị vũ khí và tài trợ tiền gồm Asaib Ahl al-Haq, Kataib Hezbollah, Harakat Hezbollah al-Nujaba và tổ chức Badr.

Mỹ từng cáo buộc Iran đứng sau cái chết của ít nhất 603 lính Mỹ kể từ năm 2003. Khoảng 5.200 binh sĩ Mỹ vẫn đang hiện diện tại Iraq, đồn trú tại 4 căn cứ chính, sân bay Baghdad và trụ sở của liên quân tại Vùng Xanh. Washington tuần trước đã lệnh sơ tán một số nhân viên ngoại giao khỏi đại sứ quán và lãnh sự quán ở Iraq.

Các nhóm vũ trang do Iran hậu thuẫn tại Iraq có căn cứ rất gần những nơi quân đội Mỹ đồn trú. Các nhóm này sở hữu năng lực tên lửa cũng như máy bay không người lái mạnh mẽ và có thể được Iran huy động nếu xảy ra xung đột với Mỹ.

Vùng Vịnh

Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran từ lâu đã cảnh báo rằng nếu chiến tranh nổ ra, họ có thể cắt đứt nguồn cung dầu mỏ từ vùng Vịnh qua eo biển Hormuz vào Ấn Độ Dương. Iran nắm giữ một phía eo biển Hormuz, do vậy các hoạt động vận chuyển dầu qua khu vực này đều nằm trong tầm ngắm của các lực lượng vũ trang Iran cả ở ngoài biển và trên bờ. Vị trí này cũng cho phép Iran dễ dàng đặt thủy lôi trong trường hợp xảy ra xung đột.

Iran có thể tấn công trực diện vào lực lượng quân sự Mỹ tại vùng Vịnh bằng tên lửa. Ngoài ra, tên lửa Iran cũng có thể nhắm mục tiêu tới cơ sở hạ tầng của các nước vùng Vịnh như nhà máy điện, nhà máy nước, nhà máy lọc dầu, các điểm xuất khẩu dầu và nhà máy hóa dầu.

Tại vùng Vịnh, Mỹ đặt Trung tâm Chỉ huy Chiến dịch Không quân Hỗn hợp tại căn cứ không quân al-Udaid ở Qatar. Trong khi đó, Hạm đội 5 Hải quân Mỹ đồn trú tại Bahrain. Ngoài ra, không quân Mỹ cũng đang sử dụng căn cứ không quân al-Dhafra tại Abu Dhabi và căn cứ không quân Ali Al Salem tại Kuwait.

Chính phủ Bahrain và Ả rập Xê út từng cáo buộc Iran lên kế hoạch tấn công các lực lượng an ninh tại Bahrain trong những năm gần đây, tuy nhiên Iran đã bác bỏ cáo buộc này. Quan chức Mỹ gần đây cũng đổ lỗi cho Iran gây ra vụ tấn công nhằm vào 4 tàu, trong đó có 2 tàu chở dầu của Ả rập Xê út ở vùng Vịnh, song Iran một lần nữa phủ nhận cáo buộc.

Yemen

6 “cánh tay nối dài” giúp Iran phá vòng vây của Mỹ khi xung đột - 2

Lính thủy quân lục chiến Mỹ làm nhiệm vụ tại Iraq. (Ảnh: US Navy)

Lực lượng phiến quân Houthi tại Yemen vẫn thường hô khẩu hiệu “Tiêu diệt Mỹ, Tiêu diệt Israel”. Mỹ vẫn hậu thuẫn cho liên quân do Ả rập Xê út dẫn đầu nhằm vào Houthi kể từ năm 2015.

Iran và phiến quân Houthi được cho là có mối liên hệ từ lâu đời. Liên minh do Ả rập Xê út dẫn đầu cáo buộc Iran cung cấp vũ khí và huấn luyện cho Houthi, song cả Iran và Houthi đều lên tiếng phủ nhận. Trong khi đó, Liên Hợp Quốc xác nhận các tên lửa phóng vào Ả rập Xê út có đặc điểm thiết kế giống với tên lửa được chế tạo tại Iran.

Kể từ khi cuộc chiến tại Yemen nổ ra, phiến quân Houthi được cho là thường sử dụng tên lửa và máy bay không người lái tấn công Ả rập Xê út - một trong những đồng minh gần gũi nhất của Mỹ trong khu vực.

Các chuyên gia của Liên Hợp Quốc cho biết, lực lượng Houthi đang sở hữu các máy bay không người lái có thể thả những quả bom lớn hơn nhằm vào các mục tiêu ở xa hơn với độ chính xác cao hơn trước đây. Tuần trước, các máy bay này đã tấn công hai trạm bơm dầu ở khoảng cách hàng trăm km bên trong lãnh thổ Ả rập Xê út.

Ngoài ra, Houthi cũng kiểm soát lực lượng hải quân lỗi thời của Yemen cùng nhiều tàu cao tốc và ngư lôi. Điều này đồng nghĩa với việc Houthi có thể cắt đứt quá trình vận chuyển hàng hóa trên biển Đỏ.  

Syria

Sau 8 năm hậu thuẫn Tổng thống Bashar al-Assad trong cuộc xung đột tại Syria, Iran đã xây dựng được mạng lưới dân quân tại các khu vực do chính phủ kiểm soát. Mạng lưới này bao gồm nhóm Hezbollah của Lebenon, nhóm Nujaba của Iraq và nhóm Fatemiyoun của Afghanistan.

Các nhóm dân quân này hoạt động gần biên giới Syria - Iraq, gần căn cứ quân sự của Mỹ tại Tanf và gần cao nguyên Golan do Israel kiểm soát.

Một quan chức cấp cao của Mỹ hồi tháng 2 từng nói Washington sẽ duy trì khoảng 400 lính tại Syria sau khi đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), giảm đáng kể so với con số 2.000 quân trước đó. Lính Mỹ đồn trú tại khu vực phía đông bắc Syria do lực lượng người Kurd lãnh đạo và tại Tanf gần biên giới với Jordan và Iraq.

Israel từng tấn công Iran và các đồng minh của Iran tại Syria nhằm tìm cách đẩy lực lượng này ra xa khu vực biên giới. Hồi tháng 1, Israel cáo buộc lực lượng Iran phóng tên lửa vào khu nghỉ dưỡng ở cao nguyên Golan.

Lebanon

6 “cánh tay nối dài” giúp Iran phá vòng vây của Mỹ khi xung đột - 3

Bản đồ biểu thị tầm ảnh hưởng của Iran trong khu vực (Ảnh: AIPAC)

Được thành lập bởi Iran nhằm chống lại sự chiếm đóng của Israel ở phía nam Lebanon, Hezbollah hiện nay là nhóm vũ trang mạnh nhất tại Lebanon.

Israel, đồng minh thân cận nhất của Mỹ trong khu vực, coi Hezbollah là mối đe dọa lớn nhất ở khu vực biên giới. Israel từng phát động cuộc tấn công nhằm vào Lebanon hồi năm 2006 để tiêu diệt lực lượng Hezbollah nhưng đã thất bại.

Trong khi đó, Mỹ cũng đổ lỗi cho Hezbollah gây ra một trong những cuộc tấn công đẫm máu nhất nhằm vào quân đội Mỹ. Vụ đánh bom liều chết bằng xe tải nhằm vào các doanh trại thủy quân lục chiến ở Lebanon năm 1983 khiến 241 lính Mỹ thiệt mạng. Washington cũng cáo buộc Hezbollah bắt các con tin Mỹ ở Lebanon trong thập niên 1980.

Hezbollah hiện nay sở hữu kho tên lửa “tấn công chính xác” quy mô lớn có thể tấn công toàn bộ lãnh thổ Israel, bao gồm cả lò phản ứng hạt nhân của nước này. Hezbollah cảnh báo rằng nếu xảy ra chiến tranh, lực lượng này sẽ đưa máy bay chiến đấu vượt qua biên giới.

Ibrahim al-Amin, một nhà báo ủng hộ Hezbollah, tuần trước từng bình luận rằng nếu Israel tham gia bất kỳ cuộc xung đột giữa Mỹ và Iran, tấn công lực lượng thân Iran thì Israel sẽ trở thành mục tiêu thực sự của các đồng minh Iran.

Afghanistan

Các quan chức và giới phân tích phương Tây cáo buộc Iran đã trợ giúp cho Taliban, thông qua hỗ trợ vũ khí, tài chính và hậu cần. Trong khi đó, Taliban ngày càng nắm quyền kiểm soát hoặc có ảnh hưởng đến nhiều vùng lãnh thổ ở Afghanistan, thậm chí mạnh hơn thời điểm bị Mỹ tấn công sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001.

Một báo cáo do Viện Hòa bình Mỹ công bố hồi tháng 3/2019 cho thấy có tới 50.000 người Afghanistan đã chiến đấu ở Syria theo nhóm Fatemiyoun do Iran hậu thuẫn. Fatemiyoun từng tuyên bố sẽ chiến đấu ở bất cứ nơi đâu theo lệnh của lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei.

Khoảng 14.000 lính Mỹ đang đóng quân ở Afghanistan. Tháng 1 năm nay, Washington cũng đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Fatemiyoun.

Một quan chức Iran từng nói với Reuters rằng Mỹ đã sử dụng sự hiện diện của họ tại các căn cứ ở Afghanistan để đe dọa Iran.

Thành Đạt

Tổng hợp