1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

3 vũ khí giúp Iran “lật ngược thế cờ” trong cuộc đối đầu với Mỹ

(Dân trí) - Mặc dù tương quan lực lượng của Iran được cho là “lép vế” hơn so với Mỹ, song Tehran cũng có những vũ khí lợi hại nhất định có thể giúp nước này giành ưu thế nếu xảy ra xung đột quân sự với Washington.

Quân đội Iran phô diễn sức mạnh trong lễ duyệt binh

Theo National Interest, ngoại trừ Triều Tiên, không quốc gia nào trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh có thể thách thức Mỹ nhiều như Iran. Từ Trung Đông cho tới Trung Á và Mỹ Latinh, Tehran chưa bao giờ bỏ lỡ cơ hội để phản kháng Mỹ cũng như hạn chế tầm ảnh hưởng của Washington.

Đây là một chiến lược tiềm ẩn rủi ro của Iran. Mỹ không chỉ bao vây Iran với các căn cứ quân sự ở khắp nơi mà chi tiêu quân sự của Washington trong những năm gần đây cũng cao gấp đôi so với tổng GDP của Iran. Trong bất kỳ cuộc xung đột quân sự thông thường nào, Iran khó có cơ hội để chống lại các lực lượng vũ trang của Mỹ.

Để bù đắp những điểm yếu của mình, Iran theo đuổi một học thuyết quân sự trên cơ sở răn đe, tập trung vào 3 sức mạnh chính gồm kho tên lửa đạn đạo mở rộng, chiến tranh hải quân phi đối xứng (đặc biệt là mối đe dọa đóng cửa eo biển Hormuz) và mối liên kết với các nhóm dân quân phi nhà nước.

Tên lửa Sejjil

3 vũ khí giúp Iran “lật ngược thế cờ” trong cuộc đối đầu với Mỹ - 1

Tên lửa Sejjil 2 của Iran trong vụ phóng năm 2009. (Ảnh: UPI)

Công cụ sắc bén nhất trong học thuyết quân sự của Iran là kho tên lửa đạn đạo quy mô lớn của nước này. Trong đó, các tên lửa đạn đạo thuộc họ Shahab dựa trên thiết kế của Triều Tiên được biết đến nhiều nhất.

Tên lửa Sejjil-1 và phiên bản kế tiếp Sejjil-2 có lẽ là vũ khí đáng sợ nhất. Sejji-1 là tên lửa đạn đạo đất đối đất tầm trung hai tầng được Iran thử nghiệm lần đầu tiên vào năm 2008. Khác với tên lửa Shahab, tên lửa Sejjil-1 sử dụng nhiên liệu rắn, giảm đáng kể thời gian khởi động trong khi tăng cường tính cơ động.

Trong phiên điều trần trước Quốc hội vào tháng 11/2009, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates cho biết tên lửa Sejjil có tầm hoạt động khoảng 2.000 - 2.500 km. Tên lửa Sejjil-1 có thể mang đầu đạn 750 kg tấn công Israel hoặc thậm chí cả khu vực đông nam châu Âu. Tên lửa này được tin là có thể mang được đầu đạn hạt nhân trong tương lai.

Tên lửa Sejjil-2 được thử nghiệm lần đầu tiên vào năm 2009 và có khả năng sẽ tiếp tục được phát triển. Tên lửa Sejjil-2 có tầm bắn khoảng 2.510 km với đầu đạn 650 kg. Thậm chí, Sejjil-2 có thể mang được đầu đạn nặng 1.000 kg và bay được khoảng cách 2.000 km.

Điểm mạnh lớn nhất của Sejjil-2 là tính chính xác, điều mà các tên lửa đạn đạo của Iran thường thiếu. Giới chức quốc phòng Iran từng nhận định Sejjil-2 được trang bị hệ thống định vị mới cũng như các cảm biến chính xác và tinh vi hơn so với Sejjil-1.

Tàu ngầm lớp Ghadir

3 vũ khí giúp Iran “lật ngược thế cờ” trong cuộc đối đầu với Mỹ - 2

Tàu ngầm lớp Ghadir (Ảnh: Sputnik)

Có lẽ mối đe dọa lớn nhất của Iran là khả năng phong tỏa các tuyến hàng hải chở dầu tại eo biển Hormuz, nơi có tới 20% nguồn cung dầu đi qua đây trước khi tới thị trường tiêu thụ. Theo thống kê, Mỹ ước tính chi khoảng 8 nghìn tỷ USD để bảo vệ eo biển Hormuz kể từ năm 1976.

Các tàu ngầm sẽ đóng vai trò vô giá đối với Iran nếu nước này tìm cách đóng cửa eo biển Hormuz. Theo các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), tại các vùng nước hẹp và nông của Vịnh Ả Rập, việc triển khai tàu ngầm hiệu quả có thể đe dọa tất cả các tàu di chuyển trên mặt nước.

Các tàu quân sự và thương mại đi qua Vịnh Ả rập đều di chuyển theo những tuyến đường có thể đoán trước được. Điều này biến chúng dễ dàng trở thành “con mồi” cho các tàu ngầm.

3 vũ khí giúp Iran “lật ngược thế cờ” trong cuộc đối đầu với Mỹ - 3

Vị trí eo biển Hormuz (Ảnh: Washington Post)

Iran có nhiều loại tàu ngầm, tuy nhiên hạm đội ngày càng tăng các tàu ngầm cỡ nhỏ lớp Ghadir 150 tấn được xem là vũ khí đặc biệt nguy hiểm trong bất kỳ cuộc xung đột nào. Là biến thể của tàu ngầm lớp Sango và Yugo của Triều Tiên, kích cỡ nhỏ và đặc tính chạy êm của tàu ngầm Ghadir giúp chúng khó bị phát hiện và theo dõi.

Mỗi tàu ngầm Ghadir có 2 ống phóng ngư lôi 533 mm, có thể rải thủy lôi, ngoài ra còn được sử dụng để vận chuyển và đưa các lực lượng đặc nhiệm vào lãnh thổ của đối phương.

Các tàu ngầm của Iran không được đánh giá quá cao về chất lượng, nhưng đối với năng lực hải quân của Iran, số lượng mới là vấn đề quan trọng. Iran có ít nhất 20 tàu ngầm lớp Ghadir và các tàu ngầm khác.

“Tàu ngầm yên tĩnh nhất trên thế giới là tàu ngầm nằm trên đáy biển đầy cát. Đó là cách người Iran vận hành tàu ngầm Ghadir. Họ sẽ đưa nó ra khỏi cảng, nhấn chìm xuống đáy nước nông của Vịnh Ba Tư, nằm nghỉ trên đáy biển đầy cát và chờ một mục tiêu tự đến”, Chris Harmer, chuyên gia về quân đội Iran tại ISW, nhận định.

Tên lửa Khalij-e Fars

3 vũ khí giúp Iran “lật ngược thế cờ” trong cuộc đối đầu với Mỹ - 4

Tên lửa Khalij Fars trong lễ duyệt binh tại Iran. (Ảnh: Wikimedia)

Tên lửa đạn đạo chống hạm Khalij-e Fars là một vũ khí “đáng gờm” khác trong năng lực hải quân của Iran.

Thường được gọi là “sát thủ tàu sân bay” của Iran, Khalij-e Fars (hay còn gọi là tên lửa “Vịnh Ba Tư”) là tên lửa đạn đạo chống hạm nhiên liệu rắn siêu âm với tầm bắn 300 km và mang theo đầu đạn nặng 650 kg.

Truyền thông Iran mô tả Khalij-e Fars là tên lửa tối tân và quan trọng nhất của Hải quân Iran. Đặc điểm nổi bật của tên lửa này nằm ở tốc độ siêu âm và quỹ đạo bay khó đoán. Trong khi các tên lửa khác chủ yếu bay ở tốc độ cận âm và theo hành trình, Khalij-e Fars di chuyển theo hướng thẳng đứng sau khi phóng, sau đó bay với tốc độ siêu âm, phát hiện mục tiêu thông qua một chương trình thông minh, khóa mục tiêu và hủy diệt mục tiêu đó.

Khalij-e Fars được thử nghiệm lần đầu tiên vào năm 2011 và đã được thử nghiệm thường xuyên kể từ đó. Iran tuyên bố vụ thử thứ hai của tên lửa này vào tháng 7/2012 đã tấn công một tàu đang di chuyển ở khoảng cách 30 m.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Iran Majid Bokayee đã tự hào tuyên bố: “Chúng tôi đã chứng kiến ​​cuộc rút quân của hạm đội hải quân Mỹ tại Vịnh Ba Tư sau vụ thử đầu tiên của tên lửa Khalij-e Fars”.

Thành Đạt

Tổng hợp