52 người chết trong tai nạn hàng không tồi tệ nhất của quân đội Philippines
(Dân trí) - Vụ máy bay vận tải C-130 gặp nạn khi hạ cánh làm 52 người chết được xem là tai nạn hàng không tồi tệ nhất trong lịch sử quân đội Philippines, cho thấy một số vấn đề mà nước này đang phải đối mặt.
Ngày 5/7, quân đội Philippines tìm thấy thêm 5 người chết từ hiện trường vụ rơi máy bay C-130 hôm 4/7. Ngoài ra, có thêm 2 người bị thương trong vụ tai nạn qua đời sau đó, nâng tổng số người thiệt mạng trong thảm họa hàng không tồi tệ nhất lịch sử quân đội Philippines lên 52.
Trước ngày 4/7, vụ tai nạn chết chóc nhất không quân Philippines là vụ rơi một máy bay xuống cánh đồng phía bắc Manila năm 1971, làm 40 người thiệt mạng.
Chiếc C-130 chở 96 người, hầu hết là binh sĩ chiến đấu, gặp phải sự cố khi đang hạ cánh xuống đường băng ở sân bay Jolo, tỉnh Sulu. Nó lao vào một khu vực toàn cây dừa bên ngoài sân bay và bốc cháy dữ dội.
Các quân nhân, cảnh sát, lính cứu hỏa đã cứu sống được 49 người bị thương, bao gồm một số người nhảy ra khỏi máy bay trước khi nó chìm trong biển lửa. Hai người trong số đó thiệt mạng sau đó. Bảy người đứng ở mặt đất bị trúng mảnh vỡ máy bay văng ra và 3 người tử vong, theo quân đội Philippines.
Chiếc C-130 là một trong hai máy bay không quân Mỹ tân trang mới được bàn giao cho Philippines. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã bay tới thành phố phía nam Zamboanga vào tối 5/7 để gặp các quân nhân bị thương. Ông cam kết sẽ hỗ trợ cho gia đình của những người gặp nạn. "Là tổng tư lệnh, tôi là người đau đớn nhất vì nhiều người thiệt mạng", ông Duterte nói.
Hiện chưa rõ nguyên nhân gây ra vụ rơi và các điều tra viên đang tìm kiếm thiết bị ghi lại dữ liệu bay và các bằng chứng khác từ hiện trường đổ nát. Philippines cho biết, hiện chưa có bằng chứng cho thấy máy bay bị rơi vì bị tấn công. Trước đó, một tướng cấp cao nước này cho biết máy bay đã "bỏ lỡ mất đường băng và cố gắng lấy lại lực nhưng bị thất bại và rơi".
Vấn đề nghiêm trọng của quân đội Philippines
Giới quan sát nhận định rằng vụ rơi máy bay hôm 4/7 làm cho thấy vấn đề nghiêm trọng mà Philippines phải đối mặt là hệ thống thiết bị quân sự cũ kĩ, làm việc quá tải.
Trong khi đó, một quan chức không quân giấu tên của Philippines nói với AP rằng, đường băng ở Jolo ngắn hơn hẳn các sân bay quân sự khác trên cả nước, khiến phi công khó để điều chỉnh nếu máy bay bị bỏ lỡ điểm hạ cánh.
Nhà sử học quân sự Antonio Custodio mô tả sân bay ở Jolo là "không thể sửa chữa sai lầm" nếu có bất cứ vấn đề nào liên quan tới hạ cánh. Custodio cho biết, phi công rất dễ bay quá điểm hạ cánh vì đường băng được xem là ngắn. Sân bay Jolo được Mỹ xây vào những năm 1930 và nó bị hạn chế độ dài vì địa hình do một bên là biển, một bên là đồi núi bên cạnh nơi sinh sống của cộng đồng.
Custodio cho rằng, máy bay bị trượt đường băng có thể do nó đã chở hết công suất với 96 người ngồi trên, vũ khí, đạn dược và nhiên liệu.
Trong những năm qua, không quân Philippines chứng kiến nhiều vụ rơi máy bay chết người. Ông Custodio cho rằng các khí tài không quân ở Philippines đã làm việc quá tải vì chúng hoặc có số lượng ít hoặc đã cũ kỹ. Trong năm nay, kể cả chiếc C-130, không quân Philippines ghi nhận 4 vụ tai nạn hàng không.
Thượng nghị sĩ Richard Gordon đã kêu gọi chính phủ mua thêm máy bay C-130. "Quốc đảo Singapore nhỏ bé có tới 10 chiếc C-130. Thái Lan có 12, trong khi chúng ta chỉ có 3 chiếc C-130 và đã mất một", ông Gordon nói.
Một loạt các tai nạn khiến một nửa đội trực thăng của Philippines không được phép cất cánh và chỉ còn các máy bay cỡ nhỏ như Bell 205 và 412 là vẫn được phép bay.
Phát ngôn viên tổng thống, ông Harry Roque, ngày 5/7 cho biết các vụ rơi máy bay gần đây cho thấy tính cấp bách của việc hiện đại hóa hơn nữa các lực lượng vũ trang Philippines.