1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

500 trẻ em VN có thể bị trục xuất khỏi Anh

Trang web politics.co.uk và nhật báo The Guardian (Anh) ngày 18/8 cùng đưa tin: Bộ Nội vụ Anh đang xem xét kế hoạch trục xuất hàng trăm trẻ em không có thân nhân đi kèm đang xin tị nạn ở Anh, trong đó có 500 trẻ em VN.

Đây là những em xin tị nạn nhưng đã bị bác đơn và có thể các em là nạn nhân của bọn buôn người bị đưa sang Anh để lao động trong các cơ sở, cửa hàng làm móng hay nhà chứa. Theo luật hiện hành, trẻ em sang Anh không có người đi kèm được tự do ở lại tới năm 18 tuổi, sau đó các em phải nộp đơn xin tị nạn.

 

Theo tờ The Guardian, kế hoạch này ra đời trong bối cảnh hệ thống nhập cư của Anh đang chịu nhiều chỉ trích, trong đó có việc lao động trái phép làm việc cho Bộ Nội vụ và nhiều cáo buộc tham nhũng trong nhân viên của bộ này.

 

Vào tháng 7/2006, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Anh John Reid đã cam kết sẽ giải quyết vấn đề những đối tượng bị bác đơn xin tị nạn và giảm số người nhập cư trái phép. VN là nước đầu tiên có trẻ em nằm trong kế hoạch trục xuất thử nghiệm, sau đó có thể là trẻ em Angola và Cộng hòa dân chủ Congo.

 

Giám đốc Tổ chức cứu trợ trẻ em Save the Children UK - ông Colette Marshall - nói việc này “dường như bị chèo lái bởi những tính toán không đếm xỉa gì tới việc bảo vệ trẻ em dễ bị tổn thương. Quyền lợi tốt nhất của các em bị đe dọa bởi ý đồ thiển cận là làm sao cắt giảm số người tị nạn ở Anh và để răn đe những người sau này”.

 

Anh và VN đã ký biên bản ghi nhớ (MOU) về xuất nhập cảnh vào cuối năm 2004. Theo qui định, những người buộc phải hồi hương không nhận được bất kỳ sự bồi thường tài chính nào từ Chính phủ Anh mà chỉ có một khoản tiền nhỏ cho việc đi lại. Tuy nhiên, hai nước chưa có thỏa thuận cụ thể nào về việc đưa trở lại VN những trẻ em xin tị nạn nhưng bị bác đơn.

 

Bên cạnh Save the Children, nhiều tổ chức bảo vệ trẻ em khác ở Anh như Ecpat UK, Ủy ban Trẻ em thuộc Hội đồng Tị nạn Anh cũng đã lên tiếng kêu gọi Chính phủ Anh dừng ngay kế hoạch này.

 

UNICEF Anh vận động một chiến dịch viết thư cho bộ trưởng Quốc tịch, công dân và nhập cư Anh, đề nghị dỡ bỏ điều khoản mà nước này đã bảo lưu khi ký vào Công ước của LHQ về quyền trẻ em trước đây (Anh ký vào nhưng vẫn bảo lưu điều khoản về trẻ tị nạn, không cho trẻ em được hưởng quyền lợi qui định trong Công ước).

 

Bà Christine Beddoe - giám đốc Ecpat UK - nói việc này càng đẩy các em vào “nguy cơ bị buôn lậu hay bóc lột; đi ngược lại mọi qui định về bảo vệ trẻ em của Anh và thế giới”.

 

Theo The Guardian, quyết định cuối cùng nằm trong tay Bộ Nội vụ Anh. Các em có thể bị trục xuất khỏi Anh bảy ngày sau khi có quyết định chính thức. Với những trường hợp liên lạc được với thân nhân các em tại VN, Bộ Nội vụ Anh sẽ trả các em về với gia đình mình mặc dù các quan chức Anh cho biết rất khó có thể tìm ra thân nhân của các em.

 

Mặt khác, các quan chức Anh cũng có thể xem xét khả năng trực tiếp tài trợ cho các tổ chức từ thiện ở VN để tiếp nhận các em này, nhưng một nguồn tin từ Bộ Ngoại giao VN cho hay cho đến hôm qua, 20/8, hai bên vẫn chưa có thảo luận chính thức nào.

 

Báo The Guardian cũng trích lời người phát ngôn của Bộ Nội vụ Anh, theo đó chưa có kế hoạch trục xuất ngay lập tức và “việc trục xuất còn tùy thuộc thỏa thuận với các nước liên quan”.

 

Trả lời về các nội dung trên The Guardian, người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN Lê Dũng cho biết các cơ quan chức năng của VN và Anh sẽ “nhanh chóng bàn bạc” về vụ việc này và xác minh con số thực tế cũng như tìm hiểu làm cách nào các em này lại có mặt ở Anh.

 

Một nguồn tin cũng cho biết những trẻ em này có khả năng sang Anh theo hai con đường: được người lớn đưa sang du lịch rồi cho ở lại hoặc bị đưa sang theo con đường buôn người.         

 

Theo Hương Giang

Tuổi trẻ