5 tên lửa đạn đạo và hành trình "đáng nể" của Không quân Nga
(Dân trí) - Báo Sputnik của Nga đăng tải bài phân tích của chuyên gia quân sự Andrei Kotz liệt kê ra những tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo tốt nhất kho quân sự của Moscow. Đây là những vũ khí góp phần giúp Nga trở thành quốc gia dẫn đầu về lĩnh vực tên lửa.
Tên lửa Kh-15
Tên lửa đạn đạo phóng từ trên không, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Kh-15 được đưa vào biên chế Không quân Liên Xô những năm 1980, được coi là đối trọng của tên lửa AGM-69 SRAM của Mỹ. Dù Kh-15 có tầm tấn công tối đa 300km xa hơn so với 200km của AGM-69 nhưng cả 2 hệ thống này đều có cùng mục đích tác chiến: xuyên thủng, phá hủy các hệ thống phòng không của đối thủ và tấn công các mục tiêu trên đất liền.
Nếu AGM-69 chỉ có phiên bản đầu đạn hạt nhân thì Kh-15 còn có 1 biến thể mang đầu đạn thường. Do Viện thiết kế Raduga ở Dubna chế tạo, Kh-15 được phát triển riêng cho các máy bay ném bom chiến lược Tu-22M3, Tu-95 và Tu-160.
Một trong những đặc điểm nổi bật của Kh-15 là quỹ đạo bay. Sau khi bay khỏi bệ phóng 5-28km, Kh-15 sẽ tăng độ cao lên khoảng 40km, trước khi đổi hướng bất ngờ và lao thẳng xuống mục tiêu với vận tốc 6.200km/h. Lúc này, các hệ thống đánh chặn dường như trở nên vô nghĩa.
Tuy nhiên hạn chế của Kh-15 là tầm tấn công ngắn, nó phù hợp với các trận địa khi đối thủ không được bảo vệ nghiêm ngặt bởi hệ thống phòng không tầm xa.
Dựa trên phiên bản gốc, Liên Xô và Nga sau này đã phát triển nên các biến thể Kh-15P và Kh-15S. Nhờ có đầu dò thụ động và trang bị đầu đạn nổ mạnh (HE), Kh-15P trở thành lựa chọn tối ưu nhằm vô hiệu hóa radar đối phương. Kh-15S là tên lửa chống tàu, được trang bị đầu đạn HE và hệ thống dẫn đường bằng radar chủ động. Nếu mang đầu đạn hạt nhân, tên lửa này có bán kính phá hủy từ 60-160km.
Tên lửa Kh-32
Tên lửa hành trình chống tàu siêu thanh Kh-32 là biến thể được cải tiến của tên lửa Kh-22, vũ khí được thiết kế với mục đích tương tự. Tên lửa Kh-22 thường có nhiệm vụ tiêu diệt các nhóm tác chiến tàu sân bay bằng đầu đạn thường 1.000kg thuốc nổ hoặc đầu đạn hạt nhân có sức công phá từ 350-1.000 kiloton.
Phù hợp với các máy bay Tu-16K, Tu-22K, Tu-22M2/3 và Tu-95K, Kh-22 có thể phóng ra từ khoảng cách lên tới 600km so với mục tiêu, chủ yếu nhằm thách thức ưu thế hải quân của Mỹ tại Thái Bình Dương trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Điểm yếu của Kh-22 là khả năng kháng nhiễu không cao. Dự án nâng cấp Kh-22 đã từng được Liên Xô nung nấu thực hiện nhưng đã bất thành do sự sụp đổ những năm đầu 1990. Kế hoạch cải tiến tên lửa này được khởi động trở lại vào năm 2013 và phiên bản Kh-32 chính thức ra đời. Chú trọng tới khả năng kháng nhiễu, viện Raduga đã trang bị cho Kh-32 một radar mới, có hệ thống dẫn đường quán tính và khả năng mang nhiên liệu lớn hơn cùng với động cơ mạnh mẽ hơn.
Có tầm bắn lên tới 1.000 km và tốc độ hơn 5.000km/h, Kh-32 có thể mang cả đầu đạn thông thường và đầu đạn hạt nhân. Tên lửa này vào biên chế không quân Nga từ năm 2016.
Tên lửa Kh-555
Từ giữa những năm 2000, viện Raduga tiếp tục cho ra đời mẫu tên lửa mới Kh-555 thay thế các phiên bản Kh-55 và Kh-55SM từ những năm 1980.
Kh-555 được coi là mối đe dọa đáng sợ của mọi đối thủ khi nó có thể bắn ra từ khoảng cách an toàn, nằm ngoài phạm vi của hệ thống phòng thủ đối phương. Thêm vào đó, tên lửa này có khả năng bay cực thấp và cơ động trong tác chiến nhằm tránh bị đánh chặn.
Kh-555 hiện đã được nâng cấp với hệ thống dẫn đường bằng vệ tinh và hệ thống ngắm bắn quang-điện tử cùng hệ thống dẫn đường Doppler, giúp tăng độ chính xác lên gấp 5 lần.
Tên lửa Kh-101
Tên lửa Kh-101 không kích IS tại Syria
Kh-101 là biến thể của Kh-55, hiện đang là vũ “nòng cốt” và hiện đại của không quân Nga. Trong tương lai, Kh-101 trở thành vũ khí chủ lực trên các máy bay ném bom Tu-160M/M2 và Tu-95MS/MSM.
Dù chưa có nhiều thông tin về tên lửa này, nhưng Kh-101 được cho là sẽ sử dụng hệ thống dẫn đường kết hợp quán tính và quang-điện tử, giúp nó có thể nhận dữ liệu về hành trình bay, tọa độ mục tiêu.
Với tầm bắn khoảng 5.000km, các chuyên gia phương Tây nhận định Kh-101 rất khó bị đánh chặn. Kh-101 đã được thử lửa tại chiến trường Syria và thể hiện rằng đây là vũ khí hiện đại, xứng đáng trở thành “át chủ bài” của Nga.
Đức Hoàng
Sputnik