5 kịch bản cho hồi kết cuộc xung đột Israel - Hezbollah
(Dân trí) - Cuộc xung đột giữa Israel với lực lượng Hezbollah vẫn ở trong giai đoạn quyết liệt và chưa có dấu hiệu lắng dịu bất chấp các vận động ngoại giao của Mỹ và các nước có liên quan. Dưới đây là 5 kịch bản chính cho hồi kết của cuộc xung đột Israel - Hezbollah.
Israel đơn phương rút quân
Dưới sức ép quá lớn của cộng đồng quốc tế do ngày càng có nhiều dân thường Libăng thiệt mạng và cơ sở hạ tầng tại Libăng bị tàn phá nặng nề, tổng thống Mỹ buộc phải lên tiếng yêu cầu Israel chấm dứt hoàn toàn các chiến dịch quân sự. Ngay sau đó, hai bên thiết lập một lệnh ngừng bắn tạm thời và tình hình trở lại nguyên trạng như trước khi xảy ra xung đột. Mặc dù Hezbollah chấm dứt bắn tên lửa vào các thành phố của nhà nước Do Thái nhưng Israel vẫn rất dễ bị chịu tổn thương.
Trong tình huống này, kẻ được nhiều nhất là lực lượng Hezbollah. Họ có quyền tuyên bố chiến thắng vì đã đập vỡ được cỗ máy chiến tranh của Israel, đồng thời tiếp tục xây dựng sức mạnh quân sự. Israel mặc dù gây tổn thất nặng nề cho đối phương nhưng phải trả giá đắt trước cộng đồng quốc tế.
Chính vì các lý do trên nên đây được coi là kịch bản khó xảy ra nhất do Mỹ và Israel có nguy cơ sẽ phải chịu tổn thất lớn về chính trị.
Dàn xếp thành công bằng ngoại giao
Lựa chọn này chỉ có thể xảy ra khi Israel nhận thức được rằng họ không thể nào giành chiến thắng trong cuộc xung đột này. Bên cạnh đó, Mỹ cũng lo ngại cuộc tấn công của đồng minh Do Thái sẽ làm bùng lên ngọn lửa xung đột trong khắp khu vực. Trong tình huống như vậy, Israel sẽ phải yêu cầu Liên hợp quốc can thiệp , trong khi Mỹ sẽ nhân cơ hội thúc giục các nước đồng minh châu Âu thiết lập một lực lượng đệm triển khai dọc biên giới Israel - Libăng. Trước khi châu Âu quyết định về việc này, các bên liên quan phải tìm cách buộc cả Israel và Hezbollah chấp nhận. Tuy nhiên trong trường hợp này Hezbollah chưa chắc đã chịu nhượng bộ, mặc dù lực lượng gìn giữ hòa bình vẫn được triển khai, bất chấp việc Hezbollah từ chối yêu cầu giải giáp.
Trong tình huống này, tất cả các bên đều có thể tuyên bố thắng lợi, chỉ có Libăng là bị thiệt do đất nước bị tàn phá mà không ai chịu trách nhiệm đền bù.
Kịch bản này hiện nay rất có nhiều khả năng xảy ra, đặc biệt là nếu Israel không tìm được một giải pháp quân sự nào dẫn tới thành công.
Israel sa lầy vào cuộc chiến
Cuộc chiến của Israel trên cả hai mặt trận sẽ tiếp tục bị kéo dài, giống như đã từng xảy ra vào năm 2000 trước khi thủ tướng lúc bấy giờ là Ehud Barak quyết định rút lui khỏi Libăng. Hezbollah chứng tỏ họ vẫn tồn tại được dưới sự chiếm đóng của quân đội Do Thái và tiến hành chiến tranh du kích dai dẳng. Sau các cuộc tấn công của Israel, Hezbollah dễ dàng tuyển mộ thêm lực lượng và có thể gây ra nhiều vụ tấn công lớn.
Trong tình hình này, nếu Iran tiếp tục can thiệp mạnh mẽ và phong trào Hamas, đồng minh Palestincủa Hezbollah, tăng cường bắn rocket vào lãnh thổ nhà nước Do Thái thì chính trường Israel có thể sẽ xáo trộn lớn do tác động của hình ảnh binh lính thương vong từ mặt trận lên dư luận.
Kịch bản thảm khốc này có nguy cơ xảy ra nếu những nỗ lực dàn xếp của Ngoại trưởng Mỹ Rive trong chuyến công du Trung Đông không thành công.
Chính phủ Libăng sụp đổ
Kịch bản này xảy ra khi Israel tăng cường các cuộc tấn công sang cả Syria, mặc dù cho tới nay nước này vẫn chưa tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột do lo ngại sẽ thất bại. Thiệt hại do các cuộc tấn công của Israel sẽ khiến chính phủ Beirut vốn rất mong manh phải chịu một sức ép rất lớn và kông thể chịu nổi. Hiện tại, đất nước có tới 17 tôn giáo và giáo phái này cũng đang có nguy cơ tan vỡ.
Nếu điều này xảy ra, cả khu vực sẽ rơi vào tình trạng cực kỳ hỗn loạn. Nhiều khả năng Syria sẽ nổi lên như là một bên trung gian hòa giải, trong khi miền nam Libăng sẽ trở thành thánh địa của các lực lượng nổi dậy ủng hộ Hezbollah chống lại Israel và Mỹ. Kẻ thắng sẽ là Israel và Syria, còn phần thua thuộc về nhân dân Libăng và tổ chức Hezbollah.
Israel chiếm đóng Libăng
Điều này chỉ có thể xảy ra khi Israel thấy điều đó là cần thiết. Tuy nhiên nó cũng rất khó thành hiện thực vì Israel đã có bài học năm 1982, nếu có thì cũng chỉ là một phần miền nam Libăng, từ sông Litani trở lại. Trong tình huống này, Israel sẽ thành kẻ xâm lược hơn là nạn nhân của chủa nghĩa khủng bố và có nguy cơ sẽ phải chịu nhiều tổn thất về lực lượng.
Rất ít người được lợi trong tình huống này, ngoại trừ các nhà lái súng. Tất cả các nước Trung Đông đều bị cuốn vào cuộc xung đột và phải chịu thiệt hại ở mức độ khác nhau.
Ngọc Nhàn
Theo Independent