5 điều đáng chú ý về khủng hoảng nợ của Hy Lạp
(Dân trí) - Cuộc khủng hoảng nợ tại Hy Lạp đang thu hút sự chú ý của toàn thế giới, khi nguy cơ quốc gia này phải rời khỏi Eurozone ngày một hiển hiện, kéo theo hậu quả khôn lường đối với EU. Sau đây là 5 điều đáng chú ý về cuộc khủng hoảng này.
Với tình hình kinh tế ngày càng xấu đi, một giải pháp cho cuộc khủng hoảng nợ trầm trọng tại Hy Lạp đang rất xa vời. Những lo ngại về một vụ vỡ nợ không thể kiểm soát, cùng hậu quả nó để lại đối với sự ổn định trong khu vực đang ngày một tăng tại Eurozone.
Nhưng ai sẽ là người chịu tổn thất thực sự, mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng đến đâu và liệu Hy Lạp có nên rời khỏi Liên minh châu Âu? Sau đây là những điều cần biết về cuộc khủng hoảng này.
Ai sẽ thiệt hại nhiều nhất?
Hy Lạp, với tư cách nước đặt nền móng cho nền dân chủ hiện đại, sẽ khiến cả khu vực, thậm chí thế giới bị ảnh hưởng, nhưng chịu tác động nặng nề nhất chính là người dân Hy Lạp.
Nếu quốc gia này buộc phải rời EU, hậu quả với nền kinh tế của họ là vô cùng tồi tệ. Giá tài sản sẽ lao dốc, lạm phát tăng vọt, thất nghiệp thêm trầm trọng và nền kinh tế Hy Lạp vốn đã rất èo uột có khả năng sụp đổ.
Riêng về mặt tài chính, việc Hy Lạp rời EU sẽ khiến khối này bị mất toàn bộ các khoản tín dụng cấp cho Athens – thông qua Ngân hàng Trung ương châu Âu và Quỹ Hỗ trợ khẩn cấp – hiện ở mức khoảng 331 tỷ euro (480 tỷ USD).
Pháp và Đức sẽ là những nước chịu thiệt hại lớn nhất khi đang cho Hy Lạp vay hơn 110 tỷ euro. Tiếp đó sẽ là các khoản cho vay của các ngân hàng. Hy Lạp hiện nợ các ngân hàng Đức, Pháp và Anh khoảng 30 tỷ euro, nợ IMF hơn 20 tỷ euro.
Vì sao vụ việc đáng chú ý?
Với quy mô GDP 242 tỷ USD, nền kinh tế Hy Lạp rất nhỏ so với các quốc gia khác tại EU. Và cho dù các khoản nợ công của nước này là rất lớn, có vẻ nó vẫn không đủ để đẩy châu Âu vào khủng hoảng? Nhưng đó cũng từng là lập luận được đưa ra năm 2007, khi thị trường bất động sản Mỹ sụp đổ.
Thị trường tài chính mang tính toàn cầu và có mối liên hệ chặt chẽ. Nhiều nghi ngờ và lo sợ sẽ phát sinh một khi Hy Lạp vỡ nợ, bởi không ai dám chắc ai an toàn, ai sẽ là bị ảnh hưởng, và mức động nghiêm trọng ra sao. Hậu quả là không ai sẽ còn dám cho vay và thị trường tài chính hầu như “đông cứng”.
Những nghi ngờ dù nhỏ nhất về khả năng một ngân hàng nào đó sụp đổ đều khiến cả thị trường tài chính lo lắng. Kế đó, có thể là "hiệu ứng tuyết lở" khi các quốc gia châu Âu khác cũng có thể theo chân Hy Lạp và không thể thực hiện nghĩa vụ nợ. Nếu viễn cảnh này thành hiện thực, EU sẽ tan rã.
Vì sao Hy Lạp rơi vào tình cảnh hiện nay?
Theo kênh ABC News của Úc, EU lẽ ra ngay từ đầu không nên kết nạp Hy Lạp. Giống như nhiều quốc gia láng giềng, nước này chưa bao giờ tuân thủ các quy định về nợ công của EU.
Trong nhiều năm, nước này đã khôn khéo che giấu mức độ nghiêm trọng thực sự của tình trạng nợ công. Tất cả chỉ phơi bày khi khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra. Tháng 10/2009, chính phủ Hy Lạp lần đầu thừa nhận đã nhiều năm báo cáo con số nợ công thấp hơn thực tế.
Nhưng thay vì đối phó với khủng hoảng ngay từ năm 2010, hoặc lần bùng phát mới nhất năm 2012, giới chức EU lại quyết định “lảng tránh” vấn đề.
Hy Lạp sẽ không thể hoàn trả các khoản nợ khi tỷ lệ nợ công hiện tại đã bằng 178% GDP, một mức không bền vững. Các chính sách thắt lưng buộc bụng chỉ khiến nền kinh tế thêm teo tóp, làm giảm hơn nữa khả năng trả nợ.
Chỉ có hai lựa chọn vào lúc này: các chủ nợ chấp nhận xóa một phần lớn số nợ của Hy Lạp, hoặc nước này phải rời EU.
Vì sao hậu quả của việc vỡ nợ sẽ nghiêm trọng?
Trong điều kiện bình thường, hậu quả của một vụ vỡ nợ không đến mức thảm khốc. Thực tế Iceland đã tuyên bố vỡ nợ sau khủng hoảng tài chính và Argentina cũng rơi vào tình cảnh tương tự hồi năm ngoái, đó là lần thứ 7 kể từ khi quốc gia Nam Mỹ này tuyên bố độc lập khỏi Tây Ban Nha năm 1818.
Một vụ vỡ nợ sẽ khiến một quốc gia bị ngân hàng đưa vào “sổ đen”. Đồng nội tệ sẽ mất giá thảm hại và chi phí nhập khẩu hàng hóa thường tăng chóng mặt. Nhưng vỡ nợ cũng cho phép một quốc gia có được khởi đầu mới, mà Iceland là minh chứng.
Vấn đề của Hy Lạp đó là đồng bản tệ của nước này đã không còn sau khi gia nhập Eurozone, và việc đưa đồng tiền này trở lại lưu thông sẽ là một “ác mộng” về mặt hậu cần.
Hiện chỉ có cơ chế để các quốc gia châu Âu gia nhập Eurozone, mà không có cơ chế nào để họ rời khỏi khối này.
Liệu Hy Lạp và EU có tránh được đổ vỡ?
Hy Lạp đã cho thấy những điểm yếu trong nền tảng của EU. Sau nhiều thế kỷ xung đột và chiến tranh, ý tưởng về một đồng tiền duy nhất như một công cụ thống nhất toàn châu Âu quả thật tuyệt vời.
Tuy vậy, từ quan điểm kinh tế, đồng euro chỉ có lợi cho các nước giàu và quyền lực, như Đức, trong khi khiến những nước nghèo như Hy Lạp chịu thiệt.
Tình hình kinh tế èo uột tại các quốc gia Nam Âu kéo giá trị đồng euro đi xuống so với USD và các ngoại tệ mạnh khác. Đây quả là điều tuyệt vời cho một quốc gia xuất khẩu xe BMW và Mercedes Benz sang Trung Quốc.
Nhưng sự phát triển kinh tế mạnh mẽ của những nước giàu như Đức khiến các quốc gia nghèo hơn không thể cạnh tranh, do sức mạnh tương đối của đồng euro.
Hy Lạp cùng với Ý, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha sẽ phát triển tốt hơn với một đồng nội tệ yếu, giúp thúc đẩy các ngành công nghiệp trong nước và hàng hóa xuất khẩu của họ có giá cạnh tranh hơn trên thị trường toàn cầu.
Vậy câu trả lời là gì? Xem ra đây là điều mà cả các chính trị gia và chuyên gia chưa thể trả lời.
Thanh Tùng
Theo ABC News