DMagazine

5 điểm nóng tiềm ẩn nguy cơ bùng nổ căng thẳng trong năm 2023

(Dân trí) - Khu vực Nga - Ukraine, bán đảo Triều Tiên hay eo biển Đài Loan được xem là những "điểm nóng" có nguy cơ leo thang căng thẳng, tác động tới tình hình thế giới trong năm 2023.

5 ĐIỂM NÓNG TIỀM ẨN NGUY CƠ BÙNG NỔ CĂNG THẲNG TRONG NĂM 2023

Khu vực Nga - Ukraine, bán đảo Triều Tiên hay eo biển Đài Loan được xem là những "điểm nóng" có nguy cơ leo thang căng thẳng, tác động mạnh mẽ tới tình hình thế giới trong năm 2023.

Xung đột Nga - Ukraine

5 điểm nóng tiềm ẩn nguy cơ bùng nổ căng thẳng trong năm 2023 - 1

Binh sĩ Ukraine khai hỏa pháo vào mục tiêu của Nga ở Zaporizhzhia (Ảnh: Getty).

Cuộc xung đột Nga - Ukraine vẫn là điểm nóng tiềm ẩn nhiều nguy cơ leo thang căng thẳng nhất hiện nay, không chỉ ở khu vực châu Âu mà còn lan ra toàn cầu. Sau gần một năm giao tranh, cục diện chiến sự vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và các bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung cho một giải pháp hòa bình.

Việc Mỹ và châu Âu bác bỏ lời kêu gọi ngừng bắn tạm thời của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong dịp lễ Giáng sinh của người Chính thống giáo đã cho thấy lập trường của phương Tây, đồng thời là tín hiệu cho thấy Ukraine vẫn chưa chịu áp lực phải tham gia vào các cuộc đàm phán. Giới chức phương Tây cho rằng Nga có thể lợi dụng lệnh ngừng bắn tạm thời để có thêm thời gian tập hợp lại lực lượng cho các cuộc tấn công tiếp theo, đồng thời thắt chặt sự kiểm soát của Moscow đối với các vùng lãnh thổ mà Nga đã kiểm soát.

Theo chuyên gia Ben Hodges, cựu chỉ huy quân đội Mỹ ở châu Âu, Ukraine bước vào năm 2023 với khởi đầu thuận lợi khi Mỹ và các đồng minh châu Âu tiếp tục viện trợ quân sự, đồng thời cam kết ủng hộ Kiev trong cuộc chiến với Nga.

Việc Mỹ, Pháp, Đức đồng loạt thông báo lần đầu cung cấp xe chiến đấu bộ binh cho Ukraine được xem là sự tăng cường đáng kể cho khả năng tấn công của Ukraine. Ngay cả thời tiết dường như cũng ủng hộ Ukraine, khi mùa đông ấm áp ở châu Âu giúp giảm giá năng lượng và giúp người dân tránh khỏi những khó khăn mà nhiều nhà phân tích đã dự đoán sẽ làm suy giảm sự ủng hộ của châu Âu dành cho Ukraine.

Chuyên gia Hodges tin rằng với sự hỗ trợ mạnh mẽ của phương Tây, trong năm 2023, Ukraine có thể giành lại tất cả hoặc hầu hết khu vực mà Nga đã kiểm soát, bao gồm cả bán đảo Crimea mà Nga đã sáp nhập vào năm 2014.

Các tuyến đường tiếp tế từ lục địa Nga tới bán đảo Crimea có thể trở thành mục tiêu tấn công của Ukraine bằng vũ khí chính xác cao như hệ thống pháo phản lực phóng loạt HIMARS do Mỹ cung cấp. Chuyên gia Hodges nhận định Ukraine có thể buộc Nga phải rút khỏi Crimea ngay cả trước khi giành lại toàn bộ vùng Donbass ở miền Đông - nơi đang diễn ra các cuộc giao tranh khốc liệt.

Tuy nhiên, Ukraine cũng sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn trong cuộc chiến với Nga vào năm 2023.  Chuyên gia Rob Lee, cựu lính thủy đánh bộ Mỹ hiện làm việc tại Viện nghiên cứu chính sách đối ngoại, cho biết mục tiêu hiện tại của Ukraine là tiếp tục tiến công, nhưng điều này còn khó khăn hơn việc phòng thủ lãnh thổ.

Giới phân tích nhận định, cục diện chiến trường trong thời gian tới sẽ được quyết định bởi việc bên nào cạn kiệt đạn pháo và vũ khí trước. Giới chức phương Tây dự đoán Nga có nguy cơ cạn kiệt đạn pháo vì nguồn cung của Nga đang ở mức thấp.

Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh tại Mỹ, tình trạng cạn kiệt vũ khí, đặc biệt là đạn pháo, có thể khiến Nga gặp khó khăn trong việc thực hiện bất kỳ cuộc tấn công nào trong thời gian tới, bất chấp dự đoán của quân đội Ukraine rằng Moscow đang chuẩn bị một cuộc tấn công lớn.

Trong khi đó, chuyên gia Dmitri Alperovitch, chủ tịch tổ chức tư vấn Silverado Policy Accelerator có trụ sở tại Washington, cho biết việc phương Tây có thể đáp ứng kịp nhu cầu đạn dược của Ukraine hay không cho đến nay vẫn chưa rõ ràng, nhất là khi các hoạt động tấn công đòi hỏi số lượng đạn pháo rất lớn.

Cơ hội chiến thắng của Ukraine sẽ ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào những biến số nằm ngoài tầm kiểm soát của nước này, như quyết tâm cũng như khả năng viện trợ quân sự của phương Tây và các động thái của Nga.

Chuyên gia Alperovitch dự đoán Ukraine có thể giành lại một số vùng lãnh thổ trong năm nay, nhưng không đủ để đảm bảo một chiến thắng quyết định trước Nga. Mặc dù Nga hiện chưa thể đảm bảo một chiến thắng chắc chắn trước Ukraine, nhưng việc bổ sung quân nhân mới được huy động sẽ củng cố khả năng của Moscow trong việc kìm hãm đà tiến của Ukraine.

"2023 là năm thực sự quan trọng. Nếu xung đột không kết thúc vào năm 2023, Nga sẽ có ưu thế rất lớn. Tổng thống (Ukraine) Zelensky hiện tại vẫn có cơ hội vì vẫn nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ. Tuy nhiên sau đó, kết quả rất khó đoán", chuyên gia Elizabeth Shackelford, thành viên Hội đồng Các vấn đề toàn cầu Chicago, nhận định.

Bán đảo Triều Tiên

5 điểm nóng tiềm ẩn nguy cơ bùng nổ căng thẳng trong năm 2023 - 2

Các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên (Ảnh: Reuters).

Phát biểu tại lễ thăng chức cho hàng chục sĩ quan quân đội tham gia vào vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) vào tháng 11/2022, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un nói rằng, xây dựng lực lượng hạt nhân để bảo vệ sự tự tôn, cũng như chủ quyền đất nước và người dân một cách đáng tin cậy. Ông cũng nhấn mạnh, mục tiêu cuối cùng là "sở hữu lực lượng chiến lược mạnh nhất thế giới, lực lượng chưa từng có trong thế kỷ này".

Tuyên bố trên được đưa ra không lâu sau khi Triều Tiên xác nhận phóng thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-17. Ông Kim Jong-un đã trực tiếp giám sát vụ phóng, ca ngợi các nhà khoa học Triều Tiên đã đạt được bước tiến kinh ngạc trong phát triển công nghệ gắn đầu đạn hạt nhân lên tên lửa đạn đạo. Ông Kim Jong-un gọi Hwasong-17 là "vũ khí chiến lược mạnh nhất thế giới", thể hiện quyết tâm và năng lực của Triều Tiên trong việc xây dựng quân đội mạnh bậc nhất thế giới.

Theo KCNA, tên lửa Hwasong-17 giúp Triều Tiên chứng minh với cả thế giới rằng nước này là một cường quốc hạt nhân có khả năng chống lại ưu thế hạt nhân của Mỹ và thể hiện đầy đủ sức mạnh với tư cách quốc gia sở hữu ICBM mạnh nhất.

Vụ phóng tên lửa Hwasong-17 được coi là động thái leo thang căng thẳng mới và nghiêm trọng nhất trên bán đảo Triều Tiên kể từ 2017, vì vũ khí này được cho là có tầm bắn lên tới 15.000km, đủ để vươn đến bất cứ đâu trên đất liền Mỹ. Không chỉ sở hữu tầm bắn khiến Mỹ lo ngại, tên lửa này còn có khả năng mang theo nhiều đầu đạn, đồng nghĩa với việc đe dọa nhiều mục tiêu.

Vụ phóng Hwasong-17 là một trong hàng loạt vụ phóng tên lửa của Triều Tiên trong năm 2022. Từ tháng 1 đến đầu tháng 11, Triều Tiên đã phóng số lượng tên lửa nhiều chưa từng thấy, với hơn 70 tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo, trong đó một số tên lửa đã bay qua lãnh thổ Nhật Bản. Ngày 2/11, Triều Tiên khai hỏa ít nhất 23 tên lửa đạn đạo các loại, đạt quy mô chưa từng có, bằng tổng số tên lửa mà nước này phóng trong cả năm 2017 khi căng thẳng Mỹ - Triều leo thang nghiêm trọng.

Đầu tháng 9/2022, Triều Tiên đã thông qua luật mới cho phép nước này có quyền tấn công phủ đầu để tự bảo vệ trong kịch bản Bình Nhưỡng đối diện với mối đe dọa bên ngoài. Luật mới cũng quy định tình trạng hạt nhân của Triều Tiên là không thể đảo ngược, đồng thời cấm các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa trong tương lai. Triều Tiên tuyên bố là "một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân có trách nhiệm" và nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ có toàn quyền quyết định liên quan tới vũ khí hạt nhân.

Theo chuyên gia Oh Joon tại Đại học Kyung Hee (Hàn Quốc), luật mới của Triều Tiên dường như là thông điệp đáp trả động thái của chính quyền Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol nhằm củng cố chiến lược "Chuỗi tiêu diệt" (Kill Chain). "Chuỗi tiêu diệt" là khái niệm ám chỉ việc Hàn Quốc có thể thực hiện các cuộc tấn công phủ đầu nhằm vào cơ sở hạ tầng hạt nhân và hệ thống chỉ huy của đối thủ nếu Seoul nghi ngờ rằng có một cuộc tấn công đang sắp xảy ra.

Chuyên gia Oh cho rằng, Triều Tiên có thể không theo kịp Hàn Quốc và Mỹ trong việc chế tạo vũ khí thông thường do nhiều yếu tố, vì vậy, việc thông qua luật mới về tấn công hạt nhân phủ đầu "là cách duy nhất để Bình Nhưỡng đảm bảo họ có năng lực răn đe" trước các đối thủ. Ngoài ra, luật mới cũng thể hiện tầm ảnh hưởng của Chủ tịch Kim Jong-un với nền chính trị Triều Tiên khi ông đã được trao toàn quyền ra quyết định về việc triển khai vũ khí hạt nhân của nước này.

Các chuyên gia nhận định, việc Triều Tiên phóng thử tên lửa với số lượng lớn chưa từng thấy trong năm nay là một phần trong nỗ lực nhằm chứng tỏ Bình Nhưỡng đã đạt được những bước tiến lớn về năng lực tên lửa. Đặc biệt, chuyên gia Ankit Panda tại tổ chức nghiên cứu Carnegie Endowment for International Peace cho rằng, việc Triều Tiên phóng thử tên lửa Hwasong-17 nhiều khả năng là bước đệm nhằm tạo tiền đề cho nước này thử nghiệm các công nghệ nâng cao tải trọng của tên lửa, từ đó triển khai vũ khi sử dụng nhiều đầu đạn.

Theo Kim Jong-dae, cựu quan chức quốc phòng Hàn Quốc và là chuyên gia Viện Yonsei về Nghiên cứu Triều Tiên, việc Bình Nhưỡng thử tên lửa ở mức độ chưa từng thấy trước đây và phóng từ mọi khu vực trên khắp lãnh thổ cho thấy khả năng cơ động cao và triển khai tác chiến đồng loạt của quân đội Triều Tiên. Đây cũng là thông điệp cứng rắn mà Triều Tiên muốn gửi tới Mỹ và đồng minh rằng, các nước này sẽ phải đối mặt với thách thức lớn trong việc đối phó với tên lửa Triều Tiên. Ngoài ra, việc phóng tên lửa gần lãnh thổ Hàn Quốc và Nhật Bản được xem là chiến lược nhằm phủ đầu các lực lượng phối hợp của Mỹ và đồng minh trong việc áp sát Triều Tiên.

Giới quan sát cho rằng, các cuộc tập trận quy mô lớn giữa Mỹ và các đồng minh, bao gồm Hàn Quốc và Nhật Bản, là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến phản ứng mạnh bất thường của Triều Tiên. Thông điệp của Bình Nhưỡng phía sau các vụ phóng tên lửa nhằm củng cố đoàn kết nội bộ, cũng như thuyết phục cộng đồng quốc tế rằng những hành động của Mỹ và đồng minh khiến Triều Tiên không còn lựa chọn nào khác. Ngoài ra, theo một số nhà phân tích, động thái phô diễn sức mạnh tên lửa của Triều Tiên dường như còn nhằm tăng cường sức ép lên Mỹ, buộc chính quyền Mỹ phải chấp nhận Triều Tiên bước vào bàn đàm phán với vị thế của quốc gia hạt nhân, thậm chí Washington phải nhượng bộ và từ bỏ điều kiện phi hạt nhân hóa trong đàm phán với Bình Nhưỡng.

Eo biển Đài Loan

5 điểm nóng tiềm ẩn nguy cơ bùng nổ căng thẳng trong năm 2023 - 3

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi (áo trắng) tại sân bay trước khi rời Đài Loan hồi tháng 8/2022 (Ảnh: AFP).

Trong năm 2022, tình hình eo biển Đài Loan vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ leo thang căng thẳng, thể hiện qua các động thái của Đài Bắc, Trung Quốc và Mỹ.

Trong mối quan hệ với Đài Loan, chính quyền Tổng thống Joe Biden thực hiện cách tiếp cận tương tự chính quyền tiền nhiệm khi tiếp tục bán vũ khí cho hòn đảo và khẳng định quyết tâm của chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump trong việc cho phép các quan chức Mỹ gặp gỡ tự do hơn với các quan chức Đài Loan. Dưới thời ông Biden, Mỹ cũng tham gia huấn luyện quân sự và đối thoại với Đài Loan, thường xuyên đưa tàu qua eo biển Đài Loan nhằm tăng cường hiện diện quân sự của Washington trong khu vực, đồng thời khuyến khích Đài Loan tăng ngân sách cho phòng vệ.

Ông Biden là ông chủ Nhà Trắng đầu tiên mời đại diện Đài Loan dự lễ nhậm chức tổng thống. Vào tháng 9/2022, ông Biden tuyên bố lực lượng Mỹ sẽ được huy động để bảo vệ Đài Loan nếu hòn đảo đối mặt với một "cuộc tấn công chưa từng có tiền lệ". Phát ngôn của nhà lãnh đạo Mỹ ngay lập tức vấp phải sự phản đối của Bắc Kinh khi Trung Quốc luôn coi Đài Loan là vùng lãnh thổ không thể tách rời, phải được thống nhất bằng mọi giá, kể cả dùng vũ lực.

Đài Loan cũng nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng tại Quốc hội Mỹ trong thời gian qua, với việc các nhà lập pháp đề xuất và thông qua luật nhằm thúc đẩy quan hệ Mỹ - Đài Loan, củng cố khả năng phòng vệ của hòn đảo và khuyến khích Đài Loan tham gia vào các tổ chức quốc tế. Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã thông qua Đạo luật Chính sách Đài Loan năm 2022, trong đó chỉ định Đài Loan là một đồng minh lớn không thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cam kết hỗ trợ an ninh và khuyến khích sự tham gia của hòn đảo vào các tổ chức quốc tế.

Tháng 8/2022, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã đến thăm Đài Loan và gặp nhà lãnh đạo Thái Anh Văn. Bà Pelosi là quan chức cấp cao nhất của Mỹ tới thăm hòn đảo trong 25 năm. Bắc Kinh lên án mạnh mẽ chuyến thăm và đáp trả bằng đợt tập trận quân sự chưa từng có ở vùng biển xung quanh Đài Loan, đưa máy bay chiến đấu vượt qua đường trung tuyến, ranh giới được ngầm hiểu là đường phân định eo biển Đài Loan, đồng thời cấm nhập khẩu một số loại trái cây và cá từ Đài Loan, cùng các biện pháp cứng rắn khác. Franz-Stefan Gady, thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, cho biết: "Những hoạt động như vậy có lẽ là một phần trong chiến thuật vùng xám của Trung Quốc nhằm làm suy yếu lực lượng phòng vệ Đài Loan".

Bắc Kinh coi chuyến thăm của bà Pelosi tới Đài Loan là "hành động khiêu khích mạnh mẽ", đồng thời cảnh báo Mỹ sẽ phải gánh chịu hậu quả. Ngoài chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện, các nghị sĩ Mỹ cũng có các chuyến thăm tới Đài Loan trong những tháng qua, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc. Mặc dù cam kết ủng hộ nguyên tắc Một Trung Quốc, song Mỹ vẫn tiếp tục duy trì quan hệ với Đài Loan và cung cấp cho hòn đảo các loại khí tài hiện đại. Bộ Ngoại giao Mỹ hồi tháng 9/2022 đã duyệt bán gói vũ khí và thiết bị quân sự trị giá 1,1 tỷ USD cho Đài Loan, bao gồm hàng trăm tên lửa và radar giám sát, tuy nhiên Trung Quốc yêu cầu Mỹ thu hồi ngay lập tức thương vụ vũ khí này. Chính phủ Mỹ cũng đang xem xét việc hợp tác sản xuất vũ khí với Đài Loan như một phương án đẩy nhanh tiến độ chuyển giao vũ khí.

Mối lo ngại hàng đầu của giới quan sát hiện nay là năng lực quân sự ngày càng mạnh và sự quyết đoán có xu hướng gia tăng của Trung Quốc, cũng như sự xấu đi trong quan hệ giữa hai bờ eo biển, có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột. Một cuộc xung đột như vậy có khả năng dẫn đến một cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc, bởi Bắc Kinh không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực để đạt được "sự thống nhất" với Đài Loan và Washington cũng không loại trừ khả năng bảo vệ Đài Loan trong trường hợp xung đột nổ ra.

Báo cáo năm 2021 của Bộ Quốc phòng Mỹ nhận định quân đội Trung Quốc "có khả năng đang chuẩn bị cho một tình huống bất ngờ nhằm thống nhất Đài Loan bằng vũ lực, đồng thời ngăn chặn, trì hoãn hoặc phản đối bất kỳ sự can thiệp nào của bên thứ ba, chẳng hạn Mỹ". Tuy nhiên, các chuyên gia hiện vẫn tranh cãi về thời điểm cũng như khả năng xảy ra kịch bản thống nhất Đài Loan. Giáo sư Howard W French tại Đại học Columbia, Mỹ nhận định vấn đề cấp thiết hiện nay là tìm cách ngăn chặn xung đột bùng phát từ những sự cố bất ngờ, trong bối cảnh căng thẳng không có dấu hiệu hạ nhiệt ở hai bờ eo biển Đài Loan.

Biên giới Trung Quốc - Ấn Độ

5 điểm nóng tiềm ẩn nguy cơ bùng nổ căng thẳng trong năm 2023 - 4

Quân nhân Ấn Độ bên cạnh súng pháo binh tại một trạm trung chuyển tạm thời trên đường tới khu vực biên giới với Trung Quốc hồi năm 2020 (Ảnh: Reuters).

Căng thẳng Trung Quốc - Ấn Độ nóng lên từ giữa năm 2020 sau vụ đụng độ chết người ở tại khu vực Himalaya - nơi 2 bên đều tuyên bố chủ quyền. Ít nhất 24 người ở 2 bên đã thiệt mạng trong vụ đụng độ. Đây được xem là lần đầu tiên trong hơn 40 năm, một vụ đụng độ ở khu vực tranh chấp chủ quyền giữa quân đội Trung Quốc và Ấn Độ gây chết người.

Kể từ cuộc giao tranh, căng thẳng giữa 2 nước liên tục leo thang khi các bên đều triển khai quân nhân và vũ khí dồn dập tới các điểm nóng. Hai nước sau đó đã thống nhất xuống thang căng thẳng và cũng bắt đầu rút bớt quân, xe tăng, khí tài quân sự khỏi khu vực tranh chấp, nhưng các cuộc giao tranh lẻ tẻ vẫn tiếp diễn.

Mặc dù lợi ích thực sự của việc kiểm soát những vùng lãnh thổ nhỏ ở khu vực đồi núi gần như không thể ở được vẫn còn là câu hỏi để ngỏ, song cả Trung Quốc và Ấn Độ đều không có dấu hiệu nhượng bộ.

Tuy quy mô tranh chấp hiện vẫn ở mức khá hạn chế, nhưng đây vẫn là điểm nóng tiềm ẩn nguy cơ xung đột, nhất là khi Trung Quốc và Ấn Độ đều đẩy mạnh phát triển quy mô quân đội.

Giới phân tích dự đoán, đến một thời điểm nào đó, Ấn Độ hoặc Trung Quốc có thể tìm cách giải quyết vấn đề tranh chấp biên giới thông qua leo thang căng thẳng, một bước đi có thể mang lại hiệu quả như hai bên mong muốn, hoặc có thể mở ra cánh cửa cho một cuộc xung đột quy mô lớn hơn với sức tàn phá khủng khiếp hơn.

Tư lệnh quân đội Ấn Độ Manoj Pande ngày 13/1 nhận định tình hình biên giới với Trung Quốc vẫn "ổn định và trong tầm kiểm soát", nhưng không thể đoán trước. Ông Pande cho biết Ấn Độ và Trung Quốc đang tiếp tục đối thoại thông qua kênh ngoại giao và quân sự về vấn đề này.

"Chúng tôi có đủ lực lượng. Chúng tôi có đủ dự trữ trong từng lĩnh vực để có thể đối phó hiệu quả với mọi kịch bản hoặc tình huống bất ngờ", tướng Pande nói.

Tranh chấp Hy Lạp - Thổ Nhĩ Kỳ

5 điểm nóng tiềm ẩn nguy cơ bùng nổ căng thẳng trong năm 2023 - 5

Xe tăng Hy Lạp trong cuộc diễu hành quân sự năm 2018 (Ảnh: Getty).

Trong năm qua, căng thẳng giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đã gia tăng đáng kể, phần lớn bắt nguồn từ sự thay đổi chính sách đối ngoại theo hướng quyết đoán của Thổ Nhĩ Kỳ cũng như các vấn đề nội bộ của chính quyền Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan.

Tranh chấp giữa Athens và Ankara về thăm dò năng lượng ở Aegean đã dẫn đến căng thẳng hiện nay, mặc dù sự bất đồng về lãnh thổ đã tồn tại trong nhiều thập niên.

Mặc dù khó xảy ra kịch bản một thành viên NATO công khai tấn công một thành viên NATO khác, nhưng các cuộc xung đột trong quá khứ đã đưa hai nước đến bờ vực xung đột, bất chấp các cam kết liên minh của hai bên.

Bất kỳ cuộc chiến nào giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp sẽ ngay lập tức kéo NATO vào cuộc và gần như chắc chắn sẽ dẫn đến sự can thiệp từ bên ngoài.

Thành Đạt

Theo FT, NYT, Bloomberg, Reuters, 19fortyfive