1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

5 con số “giải mã” nguồn cơn bạo động rung chuyển nước Pháp

(Dân trí) - Những con số liên quan tới thu nhập trung bình, tốc độ tăng trưởng, tỷ lệ thất nghiệp hay chính sách thuế đã giải mã phần nào nguyên nhân dẫn tới các cuộc bạo động căng thẳng trên khắp nước Pháp thời gian qua.

“Giải mã” nguồn cơn bạo động rung chuyển nước Pháp


Người biểu tình viết dòng chữ ám chỉ Tổng thống Macron tương tự vị vua trị vì thời cách mạng Pháp lên bức tường tại nhà hát Palais Garnier ở Paris. (Ảnh: AP)

Người biểu tình viết dòng chữ ám chỉ Tổng thống Macron tương tự vị vua trị vì thời cách mạng Pháp lên bức tường tại nhà hát Palais Garnier ở Paris. (Ảnh: AP)

Tổng thống Emmanuel Macron đang đối mặt với cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong nhiệm kỳ lãnh đạo của ông sau 3 tuần nổ ra các vụ biểu tình bạo lực trên khắp nước Pháp. Những người biểu tình Áo vàng yêu cầu chính phủ phải có biện pháp hỗ trợ tài chính cho phần đông dân cư đang vật lộn với cuộc sống “thắt lưng buộc bụng”.

Thủ tướng Edouard Philippe ngày 4/12 đã tìm cách xoa dịu cơn giận dữ của dư luận bằng cách tuyên bố tạm dừng kế hoạch tăng thuế nhiên liệu trong vòng 6 tháng, đảo ngược chính sách từng khiến dư luận dậy sóng và xuống đường biểu tình trước đó. Tuy vậy, động thái nhượng bộ này của chính quyền Pháp dường như vẫn chưa đủ để hạ nhiệt căng thẳng.

Được đặt theo tên của những người biểu tình mặc áo bảo hộ màu vàng, phong trào Áo vàng đã bùng phát thành cơn giận dữ tập thể về những vấn đề nhức nhối tồn tại trong lòng nước Pháp từ nhiều năm nay: đó là sự giảm sút về tiêu chuẩn sống cũng như sức mua của người dân. Cả hai vấn đề này đều trở nên nghiêm trọng hơn sau cuộc khủng hoảng tài chính dai dẳng tại châu Âu.

New York Times đã liệt kê một số dữ liệu để giải thích cho phong trào bạo động đang bùng nổ tại Pháp.

Thu nhập bình quân

Cũng giống như nhiều nước phương Tây khác, khoảng cách giữa những người giàu nhất và những người nghèo nhất tại Pháp rất lớn và ngày càng nới rộng thêm. 20% những người giàu nhất có thể kiếm tiền nhiều gấp 5 lần so với 20% những người nghèo nhất.

1% những người giàu nhất tại Pháp chiếm hơn 20% tài sản của nền kinh tế. Mức thu nhập trung bình hàng tháng tại Pháp khoảng 1,700 euro, tương đương 1.930 USD. Điều này đồng nghĩa với việc khoảng một nửa số người lao động Pháp được trả lương thấp hơn mức này.

Nhiều người biểu tình Áo vàng cảm thấy bất bình về việc họ đã gặp khó khăn như thế nào khi phải thanh toán tiền thuê nhà, nuôi sống gia đình hoặc đơn giản là dành dụm tiền trong bối cảnh chi phí sinh hoạt, trong đó đáng kể nhất là giá xăng dầu, liên tục tăng còn thu nhập của họ gần như không thay đổi.

Tăng trưởng kinh tế


Lính cứu hỏa dập đám cháy do xe ô tô bị đốt ở Paris trong các cuộc biểu tình của phong trào Áo vàng. (Ảnh: Reuters)

Lính cứu hỏa dập đám cháy do xe ô tô bị đốt ở Paris trong các cuộc biểu tình của phong trào Áo vàng. (Ảnh: Reuters)

Pháp là nền kinh tế lớn thứ 3 châu Âu sau Anh, Đức và nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới trước khi điều chỉnh lạm phát. Khách du lịch tới tới Paris có thể cho rằng sự hào nhoáng của thủ đô đồng nghĩa với việc các vùng còn lại ở Pháp cũng giàu có như vậy.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế tại Pháp bị đình trệ gần 10 năm nay trong bối cảnh xảy ra cuộc khủng hoảng nợ kéo dài tại châu Âu. Con số này mới chỉ bắt đầu cải thiện gần đây. Tuy vậy chất lượng cải thiện không đồng đều. Phần lớn những công việc dài hạn đều bị “xóa sổ”, đặc biệt tại các khu công nghiệp trước đây và các vùng nông nghiệp. Trong khi đó, nhiều công việc mới được tạo ra chỉ là hợp đồng tạm thời và không ổn định.

Tăng trưởng là chìa khóa để cải thiện điều kiện làm việc của những người dân tham gia phong trào biểu tình Áo vàng. Mặc dù tín hiệu hồi phục kinh tế, vốn xuất hiện từ trước khi Tổng thống Macron lên nắm quyền, đã giúp tạo thêm nhiều việc làm, song tốc độ tăng trưởng của Pháp vẫn giảm xuống còn 1,8%, cùng “chung cảnh ngộ” với các nước còn lại trong khu vực đồng euro.

Tỷ lệ thất nghiệp

Tốc độ tăng trưởng chậm chạp cũng khiến Pháp khó giải quyết một vấn đề hóc búa hơn, đó là lực lượng thất nghiệp đông đảo.

Tỷ lệ thất nghiệp tại Pháp dao động từ 9-11% kể từ năm 2009 khi khủng hoảng nợ càn quét châu Âu. Hiện tỷ lệ thất nghiệp tại Pháp đã giảm xuống còn 9,1%, so với mức 10,1% khi Tổng thống Macron đắc cử. Tuy vậy, con số này vẫn cao gấp đôi so với Đức.

Tổng thống Macron đã hứa sẽ giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống còn 7% trước cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2022. Ông cũng thừa nhận nếu không thể giảm được tỷ lệ này thì có thể thổi bùng cơn giận dữ của chủ nghĩa dân túy.

Để đạt được mục tiêu của Tổng thống Macron, nền kinh tế Pháp sẽ phải tăng trưởng ít nhất 1,7% mỗi năm trong 4 năm tiếp theo. Theo nhóm nghiên cứu độc lập Giám sát Nền kinh tế Pháp, viễn cảnh này có vẻ không chắc chắn.

Giảm thuế cho người giàu


Người biểu tình Áo vàng đụng độ với cảnh sát tại Paris. (Ảnh: Time)

Người biểu tình Áo vàng đụng độ với cảnh sát tại Paris. (Ảnh: Time)

Trong năm đầu tiên tại nhiệm, Tổng thống Macron đã quyết định cắt giảm thuế cho những người giàu nhất và đây là một phần trong kế hoạch của ông nhằm kích thích nền kinh tế Pháp.

Tuy nhiên trọng tâm trong chính sách thuế mới của ông Macron, cũng là một trong những lý do khiến người biểu tình giận dữ nhất, là việc chính phủ Pháp không còn đánh thuế vào những tài sản có giá trị cao của những người giàu có nhất. Thay vào đó, ông Macron chỉ đánh thuế với bất động sản. Chính sách này đã làm giảm 3,2 tỷ euro, tương đương 3,6 tỷ USD, nguồn thu từ thuế của nhà nước năm nay.

Hiệu quả kích thích nền kinh tế tới đâu hiện vẫn chưa rõ, nhưng với chính sách thuế mới, ông Macron đã bị chỉ trích là tổng thống ủng hộ người giàu. Đây cũng là một trong những lý do lớn nhất khiến người biểu tình Áo vàng phản đối chính quyền Macron.

An sinh xã hội

Pháp bảo vệ người dân bằng một trong những mạng lưới an sinh xã hội hào phóng nhất thế giới với chi phí dành cho phúc lợi xã hội chiếm hơn 1/3 tổng sản phẩm quốc nội. Đây là con số cao nhất trong số các quốc gia châu Âu.

Năm 2016, Pháp chi khoảng 715 tỷ euro cho các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, lợi ích gia đình và thất nghiệp. Tuy vậy, để được hưởng thành quả này, người lao động Pháp phải đóng một số khoản thuế cao nhất tại châu Âu.

Mặc dù thuế thường được đánh nhiều nhất vào những người có thu nhập cao, song Pháp cũng đánh thuế giá trị gia tăng 20% đối với hầu hết hàng hóa và dịch vụ. Cùng với thuế nhiên liệu, các chính sách đánh thuế này có xu hướng gây khó khăn cho người dân nghèo, trong khi giới nhà giàu gần như không mấy quan tâm.

Tổng thống Pháp thị sát Paris sau bạo động

Thành Đạt

Theo New York Times

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm