4 vạn lính bộ binh sơn cước Ấn Độ sẽ lấp kín biên giới Trung - Ấn
Tờ “Thời báo Ấn Độ” ngày 03/06 cho biết, Ủy ban an ninh của Chính phủ Ấn Độ sẽ nhanh chóng phê chuẩn kiến nghị của lục quân nước này, về việc thành lập lực lượng bộ binh chuyên đánh rừng núi (bộ binh sơn cước).
Mục đích của Lục quân Ấn Độ là xây dựng lực lượng bộ binh sơn cước đủ mạnh, với quân số 40.000 người để bịt kín dải biên giới phía đông bắc Ấn Độ, tức phía nam Tây Tạng (thường được gọi là nam Tạng).
Thời báo Ấn Độ cho biết, kế hoạch này sẽ được thực thi trong kế hoạch 5 năm lần thứ 12, tức giai đoạn 2012 - 2017 và sẽ tiêu tốn khoản tiền không nhỏ là 11 tỷ USD. Bộ Quốc phòng Ấn Độ hy vọng, kế hoạch đầy tham vọng này sẽ nhanh chóng được sự chấp thuận của Bộ Tài chính.
Theo tiết lộ của 1 quan chức quốc phòng Ấn Độ, lục quân nước này dự định thành lập 1 lữ đoàn bộ binh sơn cước, 2 lữ bộ binh độc lập và 2 lữ tăng - thiết giáp độc lập có năng lực tấn công rất mạnh để bịt kín những lỗ hổng dọc tuyến kiểm soát thực tế trên biên giới Trung - Ấn.
Ấn Độ sẽ thành lập thêm 2 lữ tăng - thiết giáp (Ảnh: Xe tăng T-90S của lữ tăng - thiết giáp, quân đoàn 14 Ấn Độ đóng quân ở Ladakh đang hành quân)
Lực lượng bộ binh chuyên đánh rừng núi này sẽ có quân số trên 4 vạn người, Bộ tư lệnh của nó dự kiến sẽ được đặt ở khu vực Panagarh, bang Tây Bengal. Việc thành lập lực lượng này sẽ giúp cho Ấn Độ lần đầu tiên có đủ năng lực phát động phản kích hoặc tấn công mạnh mẽ vào Khu tự trị Tây Tạng ở bên kia biên giới Trung - Ấn. Lực lượng này dự kiến còn tổ chức 2 sư đoàn đóng quân trên các khu vực cao nguyên để nâng cao khả năng phản ứng nhanh.
Trong 10 năm qua, Ấn Độ không ngừng xây dựng thực lực quân sự và các công trình phòng thủ kiên cố để bắt kịp Trung Quốc, hiện họ đang cố gắng giữ thế quân bình trong tương quan lực lượng. Ngoài ra, quân đội Ấn Độ còn mở rộng việc triển khai các loại tên lửa và máy bay chiến đấu, tại các khu vực tiếp giáp với Trung Quốc.
Arunachal Pradesh nằm trên độ cao hơn 4000m so với mực nước biển, dân số hơn 1 triệu người, phân bố trên một khu vực toàn núi rừng và thung lũng diện tích khoảng 84 nghìn km2. Cả Trung Quốc và Ấn Độ đều không có ý định phát động một cuộc chiến tranh hạt nhân vì Arunachal Pradesh, nên chiến lược “tiên chiếm, hậu đàm” là phương án dễ được Trung Quốc sử dụng nhất, đồng thời Bắc Kinh cũng sẽ tìm đủ mọi biện pháp để khích nộ New Dehli về vấn đề này.
Người Ấn Độ cho rằng, rất có thể Trung Quốc sẽ tiến hành một cuộc chiến tranh chớp nhoáng (vài ngày cho đến một tuần) rồi sau đó đưa ra các điều kiện ngừng bắn (có thể là Trung Quốc được sở hữu toàn bộ hoặc một phần Arunachal Pradesh). Đây là "chiêu" rất ưa chuộng của Bắc Kinh nhằm đặt đối thủ vào thế yếu trong đàm phán và phải nhân nhượng khi sự đã rồi.
Một quan chức quân sự cao cấp Ấn Độ cho biết, việc thành lập lực lượng này sẽ giúp Ấn Độ bịt kín tuyến biên giới và có đủ năng lực truy cản Trung Quốc. Nếu họ không nhanh chóng xây dựng lực lượng bộ binh sơn cước thiện chiến và bộ binh cơ giới có khả năng phản ứng nhanh, thì sẽ thất thế trong cuộc đấu với Trung Quốc, lúc đó có hối hận cũng đã muộn.