4 điều khiến ông Trump đau đầu sau 100 ngày làm tổng thống
(Dân trí) - Chật vật tìm kiếm nhân sự, những nghi vấn liên quan đến mối quan hệ với Nga, xung đột lợi ích và cuộc sống gia đình là những thách thức lớn nhất mà Tổng thống Mỹ Donald Trump phải đối mặt trong 100 ngày đầu tiên nhậm chức.
Ông Trump được coi là “kẻ ngoại đạo” khi từ một tỷ phú bất động sản gần như không có kinh nghiệm chính trường bất ngờ trở thành chủ nhân của Nhà Trắng, một trong những nhân vật quyền lực nhất thế giới. Đó cũng chính là lý do khiến khởi đầu của ông chủ Nhà Trắng khá gập ghềnh với nhiều thách thức.
Bản thân ông Trump cũng từng thừa nhận rằng, làm tổng thống không đơn giản như ông nghĩ. Báo Telegraph đã chỉ ra 4 thách thức lớn nhất mà ông Trump phải đối mặt trong 3 tháng đầu nhậm chức
Khủng hoảng nhân sự
Cựu cố vấn an ninh Michael Flynn, nhân sự đầu tiên trong chính quyền của Tổng thống Trump bị sa thải. (Ảnh: AFP)
Theo New York Times, từ khi nhậm chức, Tổng thống Donald Trump đã phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân sự thực sự khi không thể lấp đầy các khoảng trống trong các cơ quan quyền lực như nội các, Bộ Ngoại giao hay Lầu Năm Góc dù đã nhậm chức 3 tháng.
Ngay sau khi nhậm chức, ông Trump tự hào nói rằng, ông sẽ lập ra một đội ngũ trợ lý mạnh để điều hành đất nước. Nhưng ông nhanh chóng nhận ra rằng, lập đội ngũ ở Nhà Trắng không dễ dàng như ở Tháp Trump - “đại bản doanh” trước kia của ông.
Một số đề cử của ông như Bộ trưởng Giáo dục Betsy DeVos hay Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions đã phải khá chật vật vượt qua các vòng điều trần trước Quốc hội để được phê chuẩn. Trong khi đó, một số ứng viên đã rút khỏi đề cử của ông Trump.
Đáng chú ý nhất, tướng Michael Flynn, người được ông Trump bổ nhiệm làm cố vấn an ninh quốc gia, bị sa thải chỉ sau 23 ngày nhậm chức. Ông Flynn trở thành cố vấn an ninh quốc gia có nhiệm kỳ ngắn nhất trong lịch sử Mỹ.
Steve Bannon, cố vấn cấp cao và từng được coi là “cánh tay phải” của Tổng thống Trump, sau những “đấu đá” nội bộ đã nhanh chóng bị loại khỏi Hội đồng an ninh quốc gia.
Nghi vấn về quan hệ với Nga
Chiến dịch tranh cử của ông Trump bị nghi có liên hệ với Nga. (Ảnh: EPA)
Chính quyền của ông Trump phải chật vật với những cáo buộc “đi đêm” với Nga trong bối cảnh Mỹ “tố” Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Các thành viên trong đội ngũ trợ lý của ông, trong đó có ông Michael Flynn, Paul Manafort, Carter Page, Roger Stone, đều bị cuốn vào đồn đoán có liên hệ với Nga.
Các cơ quan tình báo Mỹ, Bộ Tư pháp và 4 Ủy ban Quốc hội đang điều tra cáo buộc chiến dịch tranh cử của ông Trump có liên hệ với Nga.
Giới quan sát cho rằng, sẽ là tự sát chính trị nếu đảng Cộng hòa, hiện nắm quyền kiểm soát quốc hội Mỹ, không tiến hành điều tra sâu rộng hơn về những cáo buộc này. Và nếu Nhà Trắng cố tình che giấu, ông Trump có thể sẽ phải hứng chịu một đòn “Watergate”.
Xung đột lợi ích
Con gái Tổng thống Mỹ Donald Trump và con rể. (Ảnh: EPA)
Vấn đề xung đột lợi ích trở thành chủ đề được nhiều nghị sĩ Dân chủ quan tâm khi tỷ phú bất động sản Donald Trump trở thành tổng thống. Họ đặt ra câu hỏi, liệu ông Trump có thể điều hành đất nước như thế nào khi vẫn còn quá nhiều mối quan hệ với các chính phủ khác.
Ông Trump chính thức ký bàn giao quyền điều hành tập đoàn kinh doanh của gia đình cho hai con trai là Donald Jr và Eric, đồng thời tuyên bố không thảo luận bất cứ thương vụ nào với họ. Tuy nhiên điều này cũng không giúp ông tránh được những cáo buộc xung đột lợi ích.
Trước khi nhậm chức, ông Trump điện đàm với Tổng thống Argentina Mauricio Macri. Chính phủ Argentina sau đó phải bác bỏ thông tin nói rằng ông Trump đang tìm kiếm sự hỗ trợ từ ông Macri để thúc đẩy dự án xây dựng của nhà Trump tại Buenos Aires vốn bị trì trệ.
Ivanka, con gái lớn của ông Trump, cũng đối mặt với những chỉ trích gay gắt khi bị cho rằng vẫn điều hành hoạt động kinh doanh thương hiệu thời trang và phụ kiện mặc dù đã trở thành nhân viên Nhà Trắng và có ảnh hưởng lớn đến các quyết sách của cha. Chỉ một ngày sau khi Ivanka cùng cha ăn tối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Trung Quốc đã công nhận hàng loạt thương hiệu mới của Ivanka mặc dù Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng đó chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên.
Đời sống gia đình
Gia đình Tổng thống Trump. (Ảnh: Getty)
Một thách thức nữa với ông Trump trong 100 ngày làm tổng thống đó là giữ ấm gia đình.
Trong khi ông Trump đã chuyển vào Nhà Trắng, Đệ nhất phu nhân Melania Trump và con trai vẫn sống trong Tháp Trump ở New York và hiếm khi xuất hiện ở bên ngoài. Gia đình họ chỉ đoàn tụ tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago vào mỗi dịp cuối tuần.
Điều này cũng khiến gia đình đệ nhất nước Mỹ đối mặt những chỉ trích gay gắt do làm tăng gánh nặng chi phí an ninh. Telegraph dẫn nguồn thạo tin nói rằng, chi phí đảm bảo an ninh, đi lại cho gia đình Tổng thống Trump mỗi lần tới nghỉ tại Florida có thể lên tới 3,6 triệu USD.
Đó là lý do tại sao hàng trăm nghìn người đã ký vào đơn thỉnh nguyện trực tuyến đề nghị Đệ nhất phu nhân Melania và con trai chuyển vào Nhà Trắng.
Minh Phương
Theo Telegraph