1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

4 chiến thuật nguy hiểm của Iran có thể khiến Mỹ “lạnh gáy"

Iran có một số chiến thuật nhằm gia tăng sức ép hoặc gây thiệt hại cho Mỹ và đồng minh trong trường hợp chiến tranh nổ ra.

Căng thẳng giữa Mỹ và Iran ngày càng leo thang, đặc biệt sau loạt vụ tấn công vào các cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia hôm 14/9. Mỹ tố Iran là thủ phạm dù phía Tehran khẳng định không liên quan. Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo rằng Washington sẵn sàng khai hỏa trừng phạt Iran nếu có thông tin xác nhận Tehran đứng đằng sau loạt vụ tấn công này. Trước tuyên bố của ông Trump, nhiều người lo ngại một cuộc chiến tranh sẽ nổ ra giữa hai nước.

4 chiến thuật nguy hiểm của Iran có thể khiến Mỹ “lạnh gáy - 1

Tổng thống Mỹ Trump (bên trái) và Tổng thống Iran Rouhani. Ảnh: Catch News.

Trong bài viết có tiêu đề: “Từ lực lượng thân cận đến tấn công mạng: Có nhiều cách Iran có thể chống lại Mỹ”, ông Zachary Keck, cựu tổng biên tập tờ National Interest đã phân tích một số phương thức Iran có thể sử dụng trong cuộc chiến tranh với Mỹ.

1. Chế tạo vũ khí hạt nhân

Sẽ rất hợp lý về mặt logic cho phía Iran để đáp trả Mỹ bằng cách đẩy mạnh chương trình hạt nhân của nước này, vượt xa cả ngưỡng mà Iran đã đạt được trước khi thỏa thuận hạt nhân 2015 có hiệu lực. Iran có thể chế tạo vũ khí hạt nhân thông qua những nguyên vật liệu sử dụng cho tàu ngầm hạt nhân.

Đây là hành động mà các quan chức Iran từng cảnh báo thực hiện vào năm 2012 và vào tháng 12/2018 sau khi Mỹ thông qua các biện pháp trừng phạt mới đối với Iran. Thời điểm đó, Tổng thống Hassan Rouhani đã yêu cầu các nhà khoa học nước này bắt đầu “kế hoạch thiết kế và sản xuất nhiên liệu hạt nhân cũng như các lò phản ứng hạt nhân cho vận tải hàng hải”.

Lợi ích của chính sách này là giúp Iran vượt qua rào cản lớn nhất trong việc chế tạo vũ khí hạt nhân: thu được vật liệu phân hạch. Các lò phản ứng hạt nhân cung cấp nhiên liệu cho tàu ngầm thường sử dụng urani được làm giàu tới mức 90%, giống như vật liệu dùng trong bom hạt nhân.  Do vậy, Iran có thể có được vật liệu cần thiết để chế tạo bom hạt nhân trong khi vẫn có lý do chính đáng để nói rằng họ không chế tạo loại vũ khí này.

Tuy nhiên, chiến lược này không phải là không có rủi ro. Bởi nó sẽ gây sức ép buộc Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Israel Netanyahu phải ra lệnh tiến hành các cuộc không kích vào các cơ sở hạt nhân của Iran. Hơn nữa, nó cũng dễ “chọc giận” Nga, Trung Quốc và các cường quốc châu Âu, vốn đứng về phía Iran và phản đối việc Mỹ vi phạm thỏa thuận hạt nhân.

Đáng chú ý là Iran đã theo đuổi chiến lược tương tự trong quá khứ. Khi cộng đồng quốc tế tăng cường các biện pháp trừng phạt Iran trước thời điểm nước này và nhóm P5+1 bước vào cuộc đàm phán, Tehran đã đẩy mạnh chương trình hạt nhân để buộc Mỹ từ bỏ cách tiếp cận cứng rắn.

2. Sử dụng lực lượng thân cận tiến hành tấn công

Nếu Iran không có ý định làm thất vọng các thành viên khác trong nhóm P5+1, nước này có thể tuân thủ những điều khoản trong thỏa thuận hạt nhân, song song với việc theo đuổi một cách tiếp cận phù hợp hơn để chống lại Mỹ. Đó là cách thức sử dụng các lực lượng thân cận để tấn công quân đội Mỹ hiện đang hoạt động ở Iraq, Syria và Afghanistan.

Chiến lược này không phải là không có tiền lệ: sau khi Mỹ can thiệp vào cuộc chiến tại Afghanistan năm 2001 và Iraq năm 2003, lực lượng đặc nhiệm Quds của Vệ binh cách mạng Iran đã tiến hành một cuộc chiến tranh bí mật chống lại quân đội Mỹ tại hai quốc gia này. Một số nguồn tin cáo buộc Iran chịu trách nhiệm gây ra cái chết của gần 500 binh sỹ Mỹ tại hai nước trên. Có lẽ chiến thuật nguy hiểm nhất mà Tehran sử dụng là cung cấp mìn nổ lõm (EFP) cho lực lượng thân cận tại Iraq. EFP là vũ khí ứng dụng nguyên lý nổ lõm, bao gồm ống kim loại nhồi đầy thuốc nổ với một đầu được hàn kín, trong khi đầu còn lại hướng về mục tiêu, được lắp một đĩa kim loại lõm.

Tờ New York Times đã mô tả (EFP) là “loại vũ khí nguy hiểm nhất mà các lực lượng Mỹ tại Iraq phải đối mặt”. Tờ báo này giải thích, điều khiến EFP trở thành nỗi kinh hoàng là khi được kích hoạt, khối thuốc nổ sẽ làm biến dạng đĩa kim loại phía trước thành hình một đầu đạn và bắn nó đi với tốc độ lên tới 1.600 m/s (5.760 km/h). Đầu đạn EFP có thể duy trì hiệu quả ở xa nơi kích nổ, đủ sức xuyên phá lớp giáp thép dày.  Với đặc tính như vậy, các lực lượng dân quân có thể đặt loại vũ khí này ở cách xa tuyến đường, dễ ngụy trang cho chúng và khiến chúng có khả năng sát thương cao hơn.

Khi Mỹ có hơn 100.000 binh sỹ tại Iraq, nước này đã phải nỗ lực hết sức để bảo vệ quân đội của họ khỏi các cuộc tấn công của lực lượng do Iran hậu thuẫn. Giờ đây nhiệm vụ càng trở nên khó khăn hơn khi họ có các lực lượng nhỏ phân tán tại Syria, Iraq và Afghanistan và những lực lượng này dễ trở thành mục tiêu tấn công đầu tiên trong trường hợp giao tranh nổ ra.

3. Bán vũ khí hiện đại cho đồng minh

Iran dù muốn tránh cuộc tấn công vào các đồng minh Châu Âu của Mỹ vốn ủng hộ thỏa thuận hạt nhân nhưng nước này sẽ không do dự tấn công các quốc gia như Israel và Saudi Arabia trong trường hợp cần thiết. Tehran có thể nhắm vào Israel và Saudi Arabia bằng cách cung cấp các loại vũ khí hiện đại cho phiến quân Houthi tại Yemen hay lực lượng Hezbollah ở Lebanon.

Tên lửa Emad là một ví dụ điển hình. Emad là tên lửa đầu tiên của Iran có khả năng hồi quyển một cách cơ động (MARV), cho phép nó tránh được hầu hết hệ thống phòng thủ tên lửa trong khi tấn công mục tiêu cực kỳ chính xác. Phiến quân Houthi có thể sử dụng tên lửa Marv để tấn công các cảng hoặc trạm năng lượng của Saudi Arabia. Còn Hezbollah có thể sử dụng chúng để tấn công các cơ sở hóa học và hạt nhân của Israel. Khi đó, nguy cơ bùng phát chiến tranh giữa Israel và Hezbollah là điều khó tránh khỏi và cuộc chiến này sẽ có lợi cho Iran vì hướng sự giận dữ của thế giới Arab vào Israel, buộc nước này tránh xa Syria.

4. Tấn công mạng

Khi Mỹ bắt đầu áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các tổ chức tài chính và dầu mỏ của Iran, Tehran được cho là đã đáp trả bằng biện pháp tấn công mạng. Từng có thông tin cho rằng tin tặc Iran đang bắt đầu tấn công các tổ chức tài chính của Mỹ cũng như các công ty dầu khí quốc tế như Saudi Aramco. Theo một báo cáo trên tờ Politico vào tháng 9, tin tặc Iran đã ngừng tấn công các mục tiêu của Mỹ khi cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân được khởi động vào năm 2013. Tuy nhiên có ý kiến cho rằng, sự kiềm chế này chắc chắn sẽ chấm dứt nếu Mỹ tiếp tục tăng cường trừng phạt Iran và Tehran có thể tiến hành nhiều vụ tấn công mạng phức tạp và tinh vi hơn so với trước kia.

Tác giả Zachary Keck cho rằng, Iran dù ngừng phát động cuộc tấn công mạng vào Mỹ nhưng nước này vẫn có khả năng thâm nhập vào hệ thống mạng máy tính của Washington vì mục đích do thám hoặc chuẩn bị cho tình hình chiến sự trong tương lai. Khi đã xâm nhập vào hệ thống mạng máy tính thì đó chỉ là vấn đề thời gian để quyết định xem liệu họ sẽ phát động cuộc tấn công hay tiếp tục nằm chờ. Tấn công vào các tổ chức tài chính và các mục tiêu năng lượng của Mỹ sẽ có lợi cho Iran vì các biện pháp trừng phạt mà Mỹ đưa ra đều nhằm vào những lĩnh vực tương tự ở Iran.

Nhà phân tích Zachary Keck lưu ý, sự trả đũa của Iran có thể không bị giới hạn ở bất cứ một hành động nào. Nước này có thể tăng cường chương trình hạt nhân, trong khi vẫn tiến hành các cuộc tấn công mạng và cung cấp vũ khí tối tân cho lực lượng thân cận khi chiến tranh với Mỹ xảy ra.

Theo Hồng Anh

VOV.VN