1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

4 câu hỏi quanh căng thẳng bùng phát ở Ai Cập

(Dân trí) - Sự thất vọng với tình hình kinh tế là nguyên nhân chung dẫn tới các cuộc biểu tình đang lan rộng khắp khu vực Bắc Phi sau cuộc nổi dậy ở Tunisia. Nhưng ở Ai Cập, cuộc cách mạng "Hoa nhài" có những điểm khác.

 
4 câu hỏi quanh căng thẳng bùng phát ở Ai Cập - 1
Trong khi các chiến đấu cơ lượn trên không, hàng nghìn người đã tụ tập tại Quảng trường Tahrir hôm qua để cầu nguyện cho những người đã bị giết chết trong các cuộc bạo động.
 
 Trường hợp “đặc biệt” ở Bắc Phi?

Người biểu tình đã chiếm trung tâm thủ đô Cairo của Ai Cập trong ngày biểu tình thứ sáu, tính đến 30/1. Tại Ai Cập, người dân vẫn thường biểu tình trên đường phố, nhất là các cuộc biểu tình để phản đối giá lương thực tăng và mức lương thấp. Nhưng những người đang tham gia cuộc biểu tình ở quảng trường Tahrir nói rằng mục tiêu của cuộc tranh đấu là lật đổ chính phủ của ông Mubarak, chứ không phải chỉ đòi hỏi chính phủ này đổi mới kinh tế và chính trị.

Theo giới phân tích phương Tây, ông Hosni Mubarak lãnh đạo Ai Cập trong thời gian 30 năm qua, áp dụng những biện pháp thật nghiêm nhặt đối với dân chúng, trong khi tình trạng kinh tế yếu kém, giá cả gia tăng và tỷ lệ thất nghiệp cao khiến người dân bất mãn. Các cuộc biểu tình đang nổ ra trên khắp các thành phố lớn ở Ai Cập dường như không phải do việc cầm quyền 29 năm qua của Tổng thống Hosni Mubarak mà chủ yếu do vấn đề ông Mubarak trao quyền kế vị cho người con trai 47 tuổi là Gamal Mubarak, hiện có tin đã cùng gia đình rời đến Luân Đôn, Anh.

Gamal được giáo dục ở phương Tây, một nhà kỹ trị thân giới kinh doanh đã từng hoạt động như một ông chủ ngân hàng ở Luân Đôn. Nhưng Gamal chưa được nhiều người ủng hộ và còn ít kinh nghiệm về quân sự, nguồn sức mạnh của các đời tổng thống Ai Cập kể từ khi chấm dứt chế độ quân chủ gần 60 năm trước. Dù có “tấm thẻ” kinh tế mà dường như Mubarak hy vọng con sẽ thay cha lên cầm quyền, nhưng những tham vọng cải cách kinh tế do Gamal khởi xướng trong 10 năm qua không cải thiện được cuộc sống của số đông dân nghèo Ai Cập. Các căn bệnh kinh tế ở Ai Cập - như thất nghiệp, giá cả lương thực và các mặt hàng cơ bản tăng – đã bùng phát như nguy cơ của các quốc gia Arập.

“Thế khó” của chính quyền Mubarak?

Nguồn tin an ninh và y tế mới nhất cho biết các cuộc biểu tình 6 ngày qua đã làm ít nhất 150 người chết và hơn 2000 người bị thương. Tổng thống Ai Cập Mubarak được cho là đang đứng trước sự lựa chọn giữa các hành động đàn áp mạnh tay hơn hoặc phải có những nhượng bộ lớn trước hàng loạt yêu sách của lực lượng biểu tình. Lực lượng biểu tình tiếp tục đòi cả ông Mubarak lẫn con trai không được tham gia cuộc bầu cử tổng thống sắp tới; đòi giải tán Quốc hội để tổ chức tổng tuyển cử; đòi bãi bỏ các luật về tình trạng khẩn cấp kéo dài nhiều thập kỷ qua; đòi phóng thích toàn bộ tù chính trị kể cả những người biểu tình vừa bị bắt giữ và phải ngay lập tức sa thải Bộ trưởng Nội vụ.

Thế giới e ngại sẽ có va chạm dữ dội hơn giữa người biểu tình và quân đội. Nhiều lãnh đạo phương Tây đang gia tăng sức ép với ông Mubarak khi ngày càng có nhiều thương vong do biểu tình. Lãnh đạo Anh, Pháp, Đức kêu gọi nhà lãnh đạo Ai Cập tránh bạo lực và lắng nghe nỗi bất bình của người dân, trong khi Mỹ cảnh báo nếu không có cải cách thực sự, nỗ lực của ông Mubarak cải tổ nội các để cứu vãn tình hình sẽ không phát huy tác dụng.

Giới phân tích quốc tế không loại trừ nguy cơ các cuộc biểu tình tại Ai Cập có thể trở thành một cuộc chiến đẫm máu vì tại nước này quân đội đóng vai trò chủ chốt. Người biểu tình trên đường phố có lẽ cảm thấy bực mình khi bị coi gây ra tình trạng bất ổn. Cạnh đó họ cảm thấy phấn khích rằng ông Mubarak đã nhượng bộ, rất có thể họ sẽ tìm cách gây sức ép lật đổ ông. Quân đội sẽ trung thành và hành động theo chỉ thị của Tổng thống Mubarak – vốn là một quân nhân.

Chưa hết, nếu Tổ chức Anh em Hồi giáo - tổ chức Hồi giáo lớn nhất trong khu vực các quốc gia Trung Đông - trở thành lực lượng đối đầu lớn nhất với chế độ chính quyền đương nhiệm, thì nguy cơ về một cuộc đụng độ còn lớn và khủng khiếp hơn nhiều. Trong khi đó, cũng có nhiều phân tích cho rằng chế độ của Tổng thống Mubarak không dễ sụp đổ như chế độ ở Tunisia.
 
4 câu hỏi quanh căng thẳng bùng phát ở Ai Cập - 2


Tình trạng cướp bóc cửa hàng, đốt ô tô diễn ra thường xuyên hơn, dù quân đội được triển khai trên các đường phố, với nhiều xe tăng để bảo vệ các ngân hàng, các công ốc chính phủ và trụ sở của Bộ Nội vụ Ai Cập
 
Có kịch bản khác?

Biểu tình rầm rộ chưa từng thấy, Tổng thống Mubarak đã phải cách chức chính phủ và thông báo một số biện pháp dân chủ. Động thái được đặc biệt chú ý là việc quân đội hôm qua được triển khai khắp nơi trên các đường phố, với nhiều xe tăng để bảo vệ các ngân hàng, các công ốc chính phủ và trụ sở của Bộ Nội vụ Ai Cập. Họ thay thế lực lượng cảnh sát đã đàn áp biểu tình trong mấy ngày qua.

Đây là lần đầu tiên người dân Cairo thấy xe học thép trên đường phố từ cuộc biểu tình của học viên cảnh sát năm 1986. Quân đội có tiếng là định chế ít tham nhũng nhất Ai Cập, vừa bị người dân e ngại, nhưng cũng vừa được kính trọng. Ngày 28/1, khi chiến xa tiến vào Cairo, họ đã được người biểu tình hoan nghênh như là đã đạt được một thắng lợi.

Quân đội Ai Cập vốn thường đứng bên ngoài các vấn đề nội bộ, nhưng bây giờ đã phải xuất hiện để chấm dứt tình trạng nổi dậy, và nhắc nhở rằng chính họ là định chế nắm chìa khoá vận mệnh đất nước. Đã có nhiều tin đồn là quân đội sẽ trở lại nắm quyền. Tổng tham mưu trưởng quân đội Ai Cập, tướng Sami Anan, đã rút ngắn chuyến viếng thăm Washington để trở về Cairo trong đêm. Có tờ báo Pháp bình luận Tướng Sami Anan, một người thân cận với Washington, có thể đóng một vai trò quan trọng trong những “giờ phút sắp tới”.

Dù vậy, trước mắt chưa biết vai trò của quân đội sẽ là gì trong giai đoạn tới đây. Trong khi đó, ông El Baradei, cựu Giám đốc cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và là giải Nobel Hoà Bình, một gương mặt tiêu biểu cho phe đối lập Ai Cập thì lại không lôi cuốn được quần chúng, vì bị đánh giá quá xa rời người dân trong nước do sống ở ngoại quốc nhiều hơn là ở Ai Cập. El Baradei là một người ít được biết đến ở Ai Cập. Việc ông quay trở lại Cairo, theo tờ báo đã làm dấy lên nhiều tin đồn: một số người cho là ông là người mà Washington sử dụng để thúc đẩy dân chủ ở Ai Cập, một số người khác thì nhìn ông như một con tốt của Iran.
 
4 câu hỏi quanh căng thẳng bùng phát ở Ai Cập - 3
Nhiều nơi, kể cả ở Mỹ, đã diễn ra biểu tình ủng hộ phong trào ở Ai Cập

“Thế bí” của Mỹ?

Cả thế giới vẫn tiếp tục theo dõi sát những diễn biến chính trị đang xảy ra tại Ai Cập, và mọi người cũng chú ý đến phản ứng từ Nhà Trắng, vì Ai Cập là một trong những đồng minh thân tín nhất của Mỹ ở Trung Đông.

Hôm 30/1, Nhà Trắng cho biết trong hai ngày vừa qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nói với lãnh đạo các nước Anh, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, và Ảrập Xêút. Ông mong được biết ý kiến của họ về vấn đề này và đồng ý tiếp xúc chặt chẽ hơn trong suốt cuộc khủng hoảng tại Ai Cập. Hôm 28/1, ông đã phát biểu lần đầu tiên về các cuộc bạo động tại Ai Cập. Tổng thống Barack Obama đã nói chuyện qua điện thoại với Tổng thống Mubarak, nhấn mạnh rằng quyền tự do phát biểu ý kiến là quan trọng và cảnh báo rằng bạo động không phải là câu trả lời. Ông Obama cũng đề cập đến mối quan hệ lâu dài của Mỹ với Ai Cập. Hiện giờ, mỗi năm trung bình Ai Cập nhận khoảng 2 tỷ USD viện trợ của Mỹ, trong đó khoảng 1,3 tỷ là viện trợ quân sự.

Phát ngôn viên Robert Gibbs của Nhà Trắng cho hay Washington sẽ đánh giá cách ứng xử của chính phủ Cairo với đoàn biểu tình để quyết định số tiền viện trợ cho Ai Cập trong tương lai.

Báo chí Mỹ cho rằng quyết định xem xét lại khoản viện trợ trị giá 1,5 tỷ USD cho Ai Cập là một bước đi quan trọng khi Mỹ đang tìm cách cân bằng giữa mong muốn duy trì ổn định trong khu vực với sự thừa nhận về một kết quả không chắc chắn của các cuộc biểu tình nhằm lật đổ chính phủ của Tổng thống Hosni Mubarak. Mỹ cũng ý thức là trong bối cảnh những người Hồi giáo cực đoan đang lợi dụng các cuộc đụng độ, nếu các cuộc biểu tình tại thế giới Arập kéo dài, phương Tây cũng có thể phải đối mặt với một cuộc cách mạng trên toàn thế giới của các lực lượng Hồi giáo cực đoan.

Trước mắt, nhiều cuộc xuống đường tại thủ đô Mỹ và các thành phố khác trên thế giới để tỏ lòng ủng hộ các cuộc tụ tập đòi dân chủ tại Ai Cập. Tại Washington, hai ngày qua, nhiều người đã tụ tập trước đại sứ quán Ai Cập, sau đó họ tiến về Nhà Trắng. Các vụ tụ tập tương tự cũng diễn ra trước đại sứ quán Ai Cập ở thủ đô Amman của Jordan. Sinh viên Iran cũng biểu tình trước đại sứ quán Ai Cập ở Tehran. Những người tham gia đòi Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak từ chức và đòi cải tổ trên khắp các nước Arập.

Hà Khoa
Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm