32 tàu cá Trung Quốc bắt đầu đánh bắt trái phép tại quần đảo Trường Sa
Tờ China News cho hay, lúc 16 giờ 45 phút (giờ địa phương) ngày 13/5, 32 tàu cá của tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) đã tới vùng biển phía Tây nam quần đảo Trường Sa của Việt Nam và bắt đầu thả neo, chuẩn bị đánh bắt trái phép.
Như vậy, theo China News, sau gần 173 giờ di chuyển với hơn 850 hải lý, các tàu cá Trung Quốc đã đến được vị trí mục tiêu, có tọa độ 6,01 độ vĩ Bắc, 108,48 độ kinh Đông, cực Tây Nam quần đảo Trường Sa. Đáng chú ý, đây là vị trí sát với cái gọi là "đường lưỡi bò" phi pháp do Trung Quốc tự vẽ ra nhằm âm mưu "nuốt trọn" Biển Đông.
Thuyền trưởng tàu tiếp tế hậu cần F8138 Trần Nhật Hải giới thiệu, tàu tiếp tế hậu cần tự mang theo 12 tàu đánh cá nhỏ, trong đó tối 13/5 đưa 4 tàu vào đánh bắt ngay; sáng sớm hôm sau sẽ tiếp tục đưa vào sử dụng thêm 3 tàu nữa. Các tàu sẽ hoạt động quanh tàu tiếp tế hậu cần (sẽ thả neo trong vùng biển sâu 100m) trong bán kính khoảng 5 dặm hải lý.
Ngư dân Trung Quốc và "thành quả" đánh bắt trộm trên vùng biển của Việt Nam
Trong một động thái liên quan, cũng trong ngày hôm qua (13/5), sau khi 32 tàu cá Trung Quốc đến khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam, truyền thông Trung Quốc lại tiếp tục đưa tin nước này đã cử một biên đội tàu hộ vệ mang tên lửa thuộc Hạm đội Nam Hải tới đây để thực hiện cái gọi là "tuần tra sẵn sàng chiến đấu" và tập trận thường niên trái phép vào ngày 12/5.
Theo đó, các tàu này đã triển khai bắn đạn thật, diễn tập tấn công tên lửa hạm đối ngầm cũng như phối hợp với các tàu Hải giám, Ngư chính đang neo đậu trái phép trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Tàu hộ vệ Giang Môn mang tên lửa sau khi tham gia cuộc tập trận đã tiến hành cái gọi là “tuần tra” trên khu vực này.
Hoạt động xâm phạm chủ quyền Việt Nam nghiêm trọng này diễn ra trong thời điểm các tàu cá Trung Quốc vẫn đang lưu lại trên ngư trường Việt Nam để đánh bắt thủy sản trái phép trong 40 ngày.
Ngày 9/5, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc ngày 6/5, Trung Quốc cử đoàn 32 tàu cá đi đánh bắt ở khu vực quần đảo Trường Sa, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị nêu rõ: "Mọi hoạt động của các bên ở khu vực Biển Đông cần phải tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các nước liên quan.
"Việt Nam khẳng định đối với quần đảo Trường Sa. Mọi hoạt động của các bên ở khu vực này mà không được sự chấp thuận của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam", Người phát ngôn Lương Thanh Nghị nhấn mạnh.