Lời nói trên bờ khác xa với hành động dưới biển
(Dân trí) - Trong dịp sang dự Phiên họp lần thứ 6 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc, ngày 10/5, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã có cuộc hội kiến Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Khắc Cường.
Cũng như ở nhiều cuộc gặp khác, phía lãnh đạo Trung Quốc – lần này là ông Lý Khắc Cường - khẳng định, Đảng, Chính phủ Trung Quốc luôn coi trọng quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện Việt Nam - Trung Quốc. Điều mà lãnh đạo Trung Quốc khẳng định trên bàn ngoại giao trái ngược với những gì diễn ra trên thực tế, cụ thể nhất là tình hình biển Đông. Bởi vì, trước đó mấy ngày, Trung Quốc xua đội tàu đánh cá 32 chiếc ra quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Ông Trần Cao Mưu – Tổng thư ký Hội nghề cá Việt Nam phát biểu, những hành động như phía lãnh đạo Trung Quốc dự lễ cắt băng khánh thành nhà sách Tân Hoa trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam hay tổ chức đưa khách du lịch tới quần đảo Hoàng Sa và bây giờ là tiếp tục đưa 32 tàu cá lớn ra ngư trường tại Trường sa của chúng ta để đánh bắt thủy sản là chuỗi hành động mang tính hệ thống, có tính chất leo thang với ý đồ toan tính rất rõ nhằm chiếm lĩnh và xâm chiếm vùng biển chủ quyền của Việt Nam.
Từ trước đến nay, rất nhiều sự kiện ngoại giao cấp cao diễn ra với những cái bắt tay hữu nghị thắm thiết, nhưng trên biển Đông, phía Trung Quốc thực hiện những cuộc gây hấn và xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam. Những thông tin cho rằng, các cuộc gây hấn đó là do chính quyền các địa phương của Trung Quốc thực hiện. Thực ra, đó chỉ là cách nói né tránh, bởi vì ai cũng biết đó không phải là hành động đột xuất của một lực lượng địa phương mà thuộc chiến lược xâm lấn biển Đông đã được định hình từ cấp trên.
Cho nên, hoạt động ngoại giao là việc phải làm, đối thoại, đàm phán để đạt đến hiệu quả bảo vệ chủ quyền quốc gia, trên cơ sở tôn trọng hòa bình và hữu nghị, nhưng liệu có thể tin vào những cái bắt tay hữu nghị nếu như điều đó không được thể hiện một cách thiện chí và đầy đủ trên thực tế. Không ai có thể tin tưởng được một đối tác đã hơn một nói một đằng, làm một đằng làm một nẻo như thực tế đã và đang diễn ra trên biển Đông.
Trước sự kiện Trung Quốc đưa đội tàu cá ra Trường Sa, Philippines đã tung lực lượng hải quân giám sát. Nếu như tàu cá Trung Quốc xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền của Philippines, họ sẽ có hành động cứng rắn. Người phát ngôn Hải quân Philippines, đại tá Edgardo Arevalo thừa nhận “những hạn chế” về khả năng của hải quân Philippines, nhưng ông Arevalo khẳng định họ sẽ “kiên quyết bảo vệ vùng biển và lãnh hải” của Philippines. Còn người phát ngôn Các lực lượng vũ trang Philippines, Thiếu tướng Domingo Tutaan, cho biết họ sẽ “thực thi” chủ quyền nếu các đội tàu cá tiến vào lãnh hải Philippines hoặc trong vùng đặc quyền kinh tế.
Đối với vụ xua tàu cá ra Trường Sa lần này của Trung Quốc, nếu Việt Nam tiếp tục nhân nhượng thì có thể họ sẽ đưa đoàn tàu khác quy mô lớn hơn. Chiến thuật gặm nhấm biển Đông của họ đã và đang từng bước được thực hiện. Mối nguy mất biển Đông không phải là trong tương lai mà diễn ra từng ngày, từng giờ, từ trên bàn ngoại giao đến con tàu cá trên biển.
Cái bắt tay trên bờ chưa thể coi là biểu hiện trung thực về tình hữu nghị cần có trên biển Đông.
Lê Chân Nhân