1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

30 kẻ tình nghi đánh bom London là thành viên Al Qaeda?

Theo tờ Independent, lực lượng chống khủng bố Anh quốc đã xác định danh tính của khoảng 30 kẻ tình nghi là chiến binh của tổ chức Al Qaeda đã tham gia vụ khủng bố London.

Những kẻ tình nghi bao gồm cả người nước ngoài và công dân Anh.

 

Kết quả này có được dựa trên hàng trăm thông tin tình báo do cơ quan tình báo MI5, MI6, cảnh sát Scotland Yard và Trung tâm thông tin Chính phủ cung cấp.

 

Vì đang trong quá trình điều tra, lực lượng chống khủng bố chỉ tiết lộ danh tính của 2 nhân vật bị nghi là đã tổ chức vụ khủng bố London. Đó là Mustafa Naser, 47 tuổi, người Syria hiện đang trốn ở Iraq hoặc vùng biên giới Afghanistan – Pakistan và M. al Gerbouri, người Ma rốc, đã trở thành công dân Anh và có thể đang lẩn trốn ở London.

 

Tình báo Anh tập trung hướng điều tra vào những phần tử đáng ngờ này vì chúng tỏ ra rất chuyên nghiệp trong việc tổ chức khủng bố và tránh được sự phát hiện của lực lượng phản gián bằng cách như tránh sử dụng điện thoại di động hoặc các phương tiện thông tin có thể bị bí mật theo dõi.

 

Trước vụ khủng bố London, cơ quan tình báo MI5 và cảnh sát chống khủng bố đã bắt giữ ít nhất một kẻ tình nghi là người Hồi giáo sinh ra tại Anh. Điều đáng nói kẻ bị bắt giữ này được huấn luyện để chế tạo loại bom gần giống với loại được sử dụng trong vụ khủng bố London ngày 7/7. Từ những thông tin ban đầu, hầu hết chuyên gia chống khủng bố của Anh đều cho rằng thủ phạm là những kẻ có nhiều kinh nghiệm và có thể được huấn luyện trong các lò của Al Qaeda.

 

Theo tờ Telegraph, Sở Cảnh sát Scotland Yard đang tiến hành một chiến dịch lớn nhất thế giới, xem lại hàng ngàn thước phim được hệ thống camera ở London ghi lại trước khi xảy ra khủng bố. Cảnh sát hy vọng sẽ phát hiện hình ảnh của những kẻ mang túi xách đáng ngờ ra vào các nhà ga tàu điện ngầm.

 

Theo các nhà điều tra, những kẻ mang túi xách này có thể đã tập trung ở một nhà ga sau đó mới tỏa đi các tuyến tàu điện ngầm. Người dân được yêu cầu cung cấp bất kỳ bức ảnh hoặc thước phim nào mà họ ghi được bằng máy điện thoại di động ngay sau khi vụ khủng bố xảy ra. Cảnh sát London cũng khẩn trương tìm kiếm trên các đường phố, bãi đậu xe với hy vọng sẽ phát hiện chiếc xe do bọn khủng bố để lại.

 

Phát ngôn viên Scotland Yard cũng cho biết, công việc điều tra thủ phạm nhận được sự trợ giúp của các đồng nghiệp đến từ Mỹ, Tây Ban Nha và nhiều nước khác. Các nhân viên của Interpol cũng có mặt tại London để hợp tác điều tra thủ phạm.

 

Trong khi huy động mọi lực lượng tiến hành điều tra thủ phạm, Chính phủ Anh lại phải đối mặt với nguy cơ của những vụ tấn công khủng bố mới. Ngày 11/7, mọi hoạt động ở London đã trở lại bình thường, đặc biệt những người đi làm bằng vé tháng đã bắt đầu lên các phương tiện giao thông công cộng như tàu điện ngầm, xe bus...

 

Tuy nhiên, theo tiết lộ của tờ The Times, báo động ở thủ đô London ngày 11/7 đã được nâng lên mức cao nhất. Điều này không được công bố rộng rãi nhằm tránh gây hoảng loạn cho người dân. Lực lượng an ninh, quân đội và cảnh sát ở trong tình trạng cảnh giác cao độ.

 

Theo Tiền phong

Dòng sự kiện: Nổ bom ở London