1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

3 triệu người Brazil xuống đường yêu cầu tổng thống từ chức

(Dân trí) - Hơn 3 triệu người Brazil ngày 13/3 đã xuống đường tuần hành, yêu cầu Tổng thống Dilma Rousseff từ chức, do tình hình kinh tế ảm đạm cùng những cáo buộc tham nhũng nhắm vào quan chức chính phủ.

Hãng tin AFP dẫn số liệu từ cảnh sát khẳng định có hơn 3 triệu người đã xuống đường tại khắp các địa phương trong ngày Chủ nhật, để phản đối chính phủ của bà Dilma Rousseff.

Người biểu tình tại Sao Paulo mang theo bóng bay khổng lồ hình cựu tổng thống Da Silva mặc áo tù nhân và bà Rousseff với dải băng in chữ luận tội. (Ảnh: AP)
Người biểu tình tại Sao Paulo mang theo bóng bay khổng lồ hình cựu tổng thống Da Silva mặc áo tù nhân và bà Rousseff với dải băng in chữ "luận tội". (Ảnh: AP)

Biểu tình diễn ra rầm rộ nhất tại thành phố Sao Paulo, đầu tàu về kinh tế của Brazil, và cũng là nơi sự không hài lòng với chính phủ, cũng như đảng Công nhân cầm quyền lên cao nhất.

Số liệu của hãng Datafolha ước tính có 500.000 người đã xuống đường tại Sao Paulo, trong khi con số được cảnh sát đưa ra cao gấp 3 lần.

Ban tổ chức cuộc tuần hành tại Rio de Janeiro thì khẳng định khoảng 1 triệu người đã xuống đường phản đối chính phủ. Các cuộc tuần hành diễn ra chỉ 2 ngày sau khi bà Rousseff bác bỏ khả năng từ chức.

Những diễn biến mới này khiến vị nữ tổng thống càng trong tình cảnh khó khăn hơn, khi đang có nỗ lực vận động quốc hội Brazil luận tội bà Rousseff, với cáo buộc sai phạm trong quản lý chính sách tài khóa.

Brazil đã rơi vào suy thoái tồi tệ nhất nhiều thập niên qua, trong khi các cơ quan công tố liên bang đang phanh phui các vụ tham nhũng tại tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobas. Nhiều nhân vật cao cấp trong nội các của bà Rousseff đã bị nhắm tới những tuần gần đây.

Các nhà phân tích tin rằng số lượng người biểu tình đông đảo sẽ càng khiến nỗ lực đấu tranh để trụ lại của bà Rousseff thêm khó khăn, đồng thời có nguy cơ làm liên minh cầm quyền rạn vỡ.

“Đang có tình trạng chính phủ mất quyền quản lý”, Francisco Fonseca, giáo sư khoa học chính trị, đại học Pontifical Catholic tại San Paulo cho biết. “Tổng thống còn lại ít lá bài trên tay”.

Người biểu tình chống chính phủ tại thủ đô Brasillia ngày 13/3. (Ảnh: AFP)
Người biểu tình chống chính phủ tại thủ đô Brasillia ngày 13/3. (Ảnh: AFP)

Chuyên gia này cũng chỉ ra rằng phần lớn người biểu tình là những người da trắng, thuộc tầng lớp khá giả hơn trong xã hội. “Những người nghèo bị tác động bởi khủng hoảng kinh tế không xuống đường”, ông Fonseca nói và nhận định cuộc biểu tình ngày Chủ nhật cho thấy “một sự bất mãn bao trùm đối với hệ thống chính trị nói chung”, dù không cần có sự hô hào cả bất kỳ đảng phái hay chính trị gia đối lập nào.

Hầu hết các cuộc biểu tình được phát động trên mạng xã hội, và diễn ra tại khoảng 200 thành phố, thị trấn khắp Brazil

“Đất nước này đang bế tắc và chúng tôi chiến đấu để giữ cho nền kinh tế khỏi bị đắm”, Monica Giana Micheletti, 49 tuổi, chủ một cơ sở kinh doanh nhỏ tại Sao Paulo nói. “Chúng tôi đã xuống tới đáy”.

Rất nhiều người đổ lỗi cho bà Rousseff khi kinh tế Brazil rơi vào tình trạng suy thoái tồi tệ nhất ít nhất 25 năm qua. Kết quả khảo sát cử tri cho thấy hơn một nửa người Brazil ủng hộ luận tội vị nữ tổng thống, người đắc cử nhiệm kỳ hai năm 2014.

Trước khi nổ ra biểu tình, căng thẳng tại bang Sao Paulo đã lên cao, khi các công tố viên bang này hôm 11/3 yêu cầu bắt giữ cựu tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva, người tiền nhiệm và cũng là người "đỡ đầu" về chính trị cho bà Rousseff. Ông da Silva bị cáo buộc rửa tiền, nhưng thẩm phán chưa ra quyết định bắt giữ.

“Chính phủ này đã giúp nhiều người mua nhà, ô tô và đồ điện tử, nhưng chúng tôi vẫn không được chăm sóc y tế, giáo dịch và những dịch vụ vệ sinh cơ bản”, Paulo Santos, một người bồi bàn tại Rio de Janeiro nói.

Thanh Tùng

Theo AP, AFP