1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

3 năm Nga, Ukraine chìm trong vòng xoáy xung đột

Thành Đạt

(Dân trí) - Cuộc xung đột Nga - Ukraine cho đến nay vẫn chưa đến hồi kết, nhưng những tín hiệu tích cực đã dần xuất hiện với sự trở lại của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

3 năm Nga, Ukraine chìm trong vòng xoáy xung đột - 1

Nga phóng hỏa lực về phía Ukraine (Ảnh: Sputnik).

Khi Tổng thống Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Nga từng kỳ vọng sẽ giành chiến thắng nhanh chóng. Tuy nhiên, chiến dịch này rốt cuộc đã trở thành cuộc xung đột lớn nhất châu Âu kể từ Thế chiến II.

Hàng chục nghìn người đã thiệt mạng, toàn bộ thành phố đã bị biến thành đống đổ nát âm ỉ, hàng triệu người Ukraine trở thành người tị nạn và Nga bị phương Tây cô lập.

Ở thời điểm hiện tại, sau 3 năm xung đột, khi các quan chức cấp cao của Nga và Mỹ đang nối lại đàm phán và chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo, Tổng thống Putin dường như đang tiến gần hơn bao giờ hết đến việc củng cố bước tiến của Nga đối với khoảng 1/5 lãnh thổ của Ukraine và ngăn Kiev không gia nhập NATO.

Tổng thống Donald Trump đã đảo ngược mạnh mẽ chính sách cô lập Nga kéo dài 3 năm của Mỹ khi ông gọi điện cho Tổng thống Putin và tuyên bố hai bên đã đồng ý "hợp tác rất chặt chẽ" để chấm dứt chiến tranh. Ông Trump cho biết Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky "sẽ tham gia" vào các cuộc đàm phán, nhưng không tiết lộ thêm thông tin chi tiết.

Ông Trump cũng bày tỏ sự đồng cảm đối với yêu cầu chính của ông Putin về vấn đề then chốt, liên quan đến tư cách thành viên NATO của Ukraine mà Mỹ và các thành viên khác trong liên minh khác từng mô tả là không thể đảo ngược. Ông Trump nói về Nga rằng: "Họ đã nói trong một thời gian dài rằng Ukraine không thể gia nhập NATO. Và tôi đồng ý với điều đó".

Cuộc chiến kéo dài 3 năm

3 năm Nga, Ukraine chìm trong vòng xoáy xung đột - 2

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vẫn theo đuổi mục tiêu đưa Kiev gia nhập NATO (Ảnh: Getty).

Tổng thống Putin đã phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine vào ngày 24/2/2022, sau khi yêu cầu NATO khước từ tư cách thành viên của Ukraine và rút quân đội liên minh khỏi sườn phía đông của NATO nhưng không được chấp thuận.

Ông Putin tuyên bố động thái của Nga là cần thiết để bảo vệ lợi ích an ninh của Nga và bảo vệ những người nói tiếng Nga ở Ukraine. Kiev và các đồng minh lên án động thái của Nga là hành động tấn công vô cớ.

Quân đội Nga đã đến ngoại ô Kiev vào giai đoạn đầu của cuộc xung đột, nhưng đã rút lui một tháng sau đó trong bối cảnh tổn thất lớn và các cuộc tấn công của Ukraine vào các tuyến tiếp viện. Những bước lùi tiếp theo của Nga diễn ra vào tháng 9 và tháng 10/2022, khi một cuộc phản công của Ukraine buộc Nga phải rút lui khỏi phần lớn khu vực Kharkov ở phía đông bắc và khu vực Kherson ở phía nam.

Tình hình thay đổi theo hướng có lợi cho Nga vào năm 2023 khi một cuộc phản công của Ukraine ở phía nam không cắt được tuyến đường bộ của Nga đến bán đảo Crimea, nơi Moscow tuyên bố sáp nhập vào năm 2014.

Nga đã tiếp đà tiến công vào năm 2024 với các cuộc tấn công dọc theo mặt trận dài 1.000km, đạt được những bước tiến chậm nhưng bền bỉ. Vào mùa thu, lực lượng Nga đã giành được nhiều vùng lãnh thổ nhất kể từ khi xung đột nổ ra.

Moscow cũng tấn công cơ sở hạ tầng của Ukraine bằng nhiều đợt tên lửa và máy bay không người lái, phá hủy phần lớn công suất điện của nước này.

Ukraine đã phản công vào tháng 8/2024 bằng một cuộc đột kích vào tỉnh Kursk của Nga nhằm tìm cách chuyển hướng lực lượng của Moscow ở phía đông Ukraine và giành thêm đòn bẩy trong các cuộc đàm phán hòa bình tiềm năng. Ukraine cho đến nay vẫn kiểm soát một số khu vực ở Kursk, nhưng nguồn lực hạn chế của Kiev đang bị kéo căng, khiến việc bảo vệ các thành trì ở phía đông trở nên khó khăn.

Mặc dù Tổng thống Zelensky trước đó yêu cầu Nga rút quân hoàn toàn khỏi tất cả khu vực mà Moscow kiểm soát như một điều kiện tiên quyết cho các cuộc đàm phán, sau đó ông thừa nhận Kiev không thể ngay lập tức giành lại toàn bộ lãnh thổ của mình.

Ông Zelensky cho biết Ukraine sẽ không từ bỏ mục tiêu gia nhập NATO, mặc dù Tổng thống Trump đã bác bỏ điều này là "không thực tế". Ông Zelensky cũng nhấn mạnh rằng cần có sự đảm bảo an ninh đáng tin cậy của phương Tây và lực lượng gìn giữ hòa bình mạnh mẽ của châu Âu để ngăn chặn các hành động quân sự của Nga trong tương lai.

Tín hiệu giải quyết xung đột

3 năm Nga, Ukraine chìm trong vòng xoáy xung đột - 3

Phái đoàn Nga, Ukraine đàm phán ở Ả rập Xê út (Ảnh: Getty).

Cuộc điện đàm gần đây giữa Tổng thống Trump - Putin và cuộc đàm phán Nga - Mỹ sau đó tại Ả rập Xê út đã phá vỡ chính sách "không có gì bàn về Ukraine mà không có mặt Ukraine" của chính quyền Tổng thống Joe Biden.

Ông Trump đổ lỗi cho Kiev vì đã không đạt được thỏa thuận với Moscow để ngăn chặn chiến tranh, ca ngợi sức mạnh quân sự của Nga, thậm chí còn gợi ý rằng Ukraine "có thể thuộc về Nga một ngày nào đó".

Ông Zelensky cho biết Ukraine sẽ không chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào được đàm phán mà không có sự tham gia của Kiev, đồng thời nhấn mạnh các đồng minh châu Âu phải tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình.

Nhà lãnh đạo Ukraine cũng bác bỏ dự thảo thỏa thuận do Mỹ đề xuất, trong đó trao cho Washington một phần lớn khoáng sản đất hiếm của Ukraine. Ông Zelensky cho rằng thỏa thuận này quá tập trung vào lợi ích của Mỹ và không bảo đảm an ninh cho Kiev.

Cách tiếp cận của Tổng thống Trump khiến các đồng minh châu Âu choáng váng. Họ càng sốc hơn khi bị Phó Tổng thống Mỹ JD Vance chỉ trích gay gắt tại hội nghị an ninh Munich về quyền tự do ngôn luận và di cư.

Mặc dù chính quyền Trump cho biết các đồng minh châu Âu không được chào đón tại các cuộc đàm phán hòa bình, nhưng vẫn khuyến khích họ cung cấp bảo đảm an ninh cho Kiev.

"Washington đã ra hiệu rằng chỉ riêng Mỹ sẽ đàm phán chấm dứt chiến tranh, nhưng cũng chỉ riêng châu Âu phải trả giá và thực thi một kết quả mà họ không đóng vai trò quyết định", cựu đại sứ Anh Nigel Gould-Davies, thành viên cấp cao về Nga và Âu - Á tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, cho biết.

Các mục tiêu chính của Tổng thống Putin gần như không thay đổi, trong đó có yêu cầu Ukraine từ bỏ việc gia nhập NATO và thực thi việc sử dụng tiếng Nga, nhưng giờ đây Moscow muốn Kiev rút quân khỏi 4 khu vực mà Nga đã sáp nhập.

Ông Putin cho biết một thỏa thuận hòa bình có thể dựa trên bản dự thảo được đàm phán vào giai đoạn đầu của cuộc xung đột, trong đó buộc Ukraine phải tuyên bố trung lập, thu hẹp quy mô quân đội và bảo vệ ngôn ngữ và văn hóa Nga. Các cuộc đàm phán đó đã sụp đổ vào tháng 4/2022 mà không đạt được thỏa thuận nào.

Ông Putin đã loại trừ một lệnh ngừng bắn, lập luận rằng điều đó sẽ có lợi cho Ukraine. Nhưng một số nguồn tin theo dõi Điện Kremlin tin rằng ông có thể chấp nhận nếu Kiev đồng ý tổ chức bầu cử sau khi ngừng bắn.

Ông Trump đồng tình với quan điểm của ông Putin rằng Tổng thống Zelensky, người đã hết nhiệm kỳ vào năm ngoái, cần phải đối mặt với các cử tri, trong khi Kiev vẫn khẳng định không thể tổ chức bầu cử trong bối cảnh chiến tranh.

Ông Trump đã leo thang căng thẳng khi tuyên bố trên mạng xã hội rằng, ông Zelensky là "một nhà độc tài không bầu cử".

Hiện không rõ ai sẽ giám sát lệnh ngừng bắn ở Ukraine nếu các bên đi đến kịch bản này.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth cho biết NATO không nên đóng vai trò và bất kỳ quân đội châu Âu nào tham gia giám sát lệnh ngừng bắn đều không được bảo vệ theo điều lệ của NATO. Điều này có thể làm giảm sự nhiệt tình của châu Âu đối với nhiệm vụ này.

Trong khi Anh và các nước khác ra tín hiệu sẵn sàng triển khai quân đội cho nhiệm vụ gìn giữ hòa bình ở Ukraine, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết sau cuộc đàm phán giữa Mỹ và Nga tại Ả rập Xê út rằng, Moscow sẽ không chấp nhận quân đội từ bất kỳ thành viên NATO nào trong lực lượng gìn giữ hòa bình.

Một số báo cáo cho rằng quân đội Trung Quốc hoặc Brazil là một phần của lực lượng giám sát, nhưng những quốc gia này chưa phát tín hiệu tham gia.

Nhiều ý kiến cho rằng Tổng thống Putin không vội vàng thực hiện một thỏa thuận hòa bình.

"Các cuộc đàm phán có vẻ là điều đang được chờ đợi, nhưng không có nghĩa là cần thiết để Nga đạt được mục tiêu của mình trong cuộc chiến ở Ukraine. Hầu như bất kỳ kết quả nào cũng đều tốt cho Moscow", Tatiana Stanovaya, thành viên cấp cao tại Trung tâm Carnegie Russia Eurasia, cho biết, đồng thời chỉ ra sự không thống nhất của phương Tây và sự giảm sút trong việc ủng hộ Ukraine của phương Tây trong bối cảnh Nga giành được lợi thế.

Theo ABC News, Newsweek