3 máy bay quân sự Mỹ bị tấn công ở Nam Sudan
(Dân trí) - Máy bay Mỹ tới quốc gia châu Phi Nam Sudan trợ giúp hoạt động sơ tán vào ngày 21/12 đã bị tấn công, làm 4 quân nhân Mỹ bị thương. Trong khi đó giao chiến tại nước này vẫn tiếp tục leo thang.
3 máy bay quân sự Mỹ Osprey đã bị tấn công khi đang hướng tới Bor, thành phố do phe nổi dậy chiếm giữ ở bang Jonglei. “Những máy bay bị hư hại đã chuyển hướng tới Entebbe, Uganda. Tại đây những người bị thương được chuyển lên một chiếc C-17 của không quân Mỹ và bay tới Nairobi, Kenya để điều trị”, tuyên bố của Lầu Năm Góc cho hay.
“Tất cả 4 quân nhân đã được chữa trị và hiện trong tình trạng ổn định.”
Các máy bay Boeing V-22 Osprey bị tấn công là máy bay hybrid, với động cơ cánh quạt lớn gắn trên cánh có thể nghiêng, cho phép máy bay cất cánh thẳng đứng như trực thăng, nhưng máy bay hoàn toàn giống máy bay tham chiến bình thường.
Giới chức Mỹ cho hay, Mỹ triển khai 3 máy bay trên là nhằm trợ giúp sơ tán các công dân nước ngoài khỏi Nam Sudan.
Hôm thứ tư vừa qua, Mỹ đã triển khai 45 binh sỹ tới Nam Sudan để bảo vệ sứ quán và các nhân viên người Mỹ.
Kenya và Uganda cũng phái quân tới để giúp sơ tán công dân bị mắc kẹt ở Nam Sudan.
Trong khi đó, chính phủ Nam Sudan cho biết một chỉ huy quân sự cấp cao ở khu vực sản xuất dầu lửa chủ chốt của nước này đã đào tẩu sang phe nổi dậy, phe chống Tổng thống Salva Kiir. Quân số của lực lượng này ngày càng gia tăng.
Thủ đô bị quân nổi dậy chiếm, xung đột leo thang
Đất nước Nam Sudan non trẻ, mới giành được độc lập vào năm 2011, hiện đang phải trải qua cuộc nổi dậy, bất chấp Tổng thống đề nghị đàm phán với cựu Phó tổng thống Riek Machar, người mà ông Kiir cáo buộc đã “khơi chiến” vào tuần trước, khi tiến hành một cuộc đảo chính.
Ông Machar phủ nhận cáo buộc âm mưu đảo chính và cáo buộc lại ông Kiir tiến hành một cuộc thanh trừng bạo lực suốt một tuần qua. Những người trung thành với ông Machar hiện đang chiến đấu với chính phủ trung ương trên nhiều mặt trận.
Ít nhất 500 người đã thiệt mạng ở riêng thủ đô Juba trong 6 ngày giao chiến. Hàng chục ngàn người bị mất nhà cửa, nhiều người phải tị nạn ở các căn cứ của Liên hợp quốc. Nhiều người cảnh báo quốc gia nghèo này đang ở trên bờ vực một cuộc nội chiến.
Hai nhân viên gìn giữ hòa bình Ấn Độ đã bị giết vào ngày thứ năm khi những người tấn công xông vào một căn cứ Liên hợp quốc ở bang Jonglei. Có lo ngại 36 dân thường trú ở căn cứ cũng bị giết.
Chiến sự đã lan rộng tới Bor, nằm cách bắc Juba khoảng 200km. Juba đã bị quân nổi dậy chiếm trong tuần qua. Người phát ngôn quân đội Nam Sudan cho hay họ đang tiến hành hoạt động tái chiếm thành phố thủ đô.
Một trung tướng quân đội ở bang sản xuất dầu lửa chủ chốt của nước này, bang Unity, đã đào tẩu sang hàng ngũ của ông Machar. Ông Machar tuyên bố cũng đã chiếm được bang này.
Sản xuất dầu mỏ chiếm hơn 95% nền kinh tế Nam Sudan.
Mặc dù xung đột hiện nay có vẻ như xuất phát từ chia rẽ chính trị, nhưng giao tranh lại diễn ra giữa những người dân tộc của Tổng thống Kiir, người Dinka, và cựu Phó Tổng thống Machar, người Nuer.
Nam Sudan giành được độc lập từ Sudan trong tiến trình hòa bình 2 năm sau cuộc nội chiến kéo dài 2 thập niên, làm 2 triệu người chết. Nhưng xung đột giữa hai tộc người trên chưa bao giờ có thể hàn gắn.
Ngoại trưởng Mỹ Kerry hôm thứ sáu vừa qua cho biết sẽ cử đặc phái viên phụ trách Sudan và Nam Sudan tới khu vực để thúc đẩy đàm phán giữa các phe phái. Các bộ trưởng châu Phi cũng gia tăng áp lực đối với ông Kiir để đàm phán với ông Machar.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon hôm thứ sáu vừa qua kêu gọi chấm dứt đối đầu và kêu gọi lãnh đạo các đảng phái giải quyết khác biệt qua đàm phán.
Vũ Quý
Theo AFP