1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

3 lý do khiến Philippines chào đón Mỹ gia tăng hiện diện quân sự

(Dân trí) - Tờ Al Jazeera ngày 20/1 đăng tải bài phân tích của chuyên gia địa chính trị châu Á Richard Javad Heydarian chỉ rõ 3 lý do khiến Philippines chào đón sự gia tăng hiện diện quân sự của Mỹ tại khu vực.

 

Người dân Philippines phản đối sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông (Ảnh: AFP)
Người dân Philippines phản đối sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông (Ảnh: AFP)

Cũng giống các quốc gia trong khu vực vốn ngày càng quan ngại về sự gia tăng bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông, Philippines rất hoan nghênh sự hiện diện trở lại của quân đội Mỹ bằng việc mở căn cứ quân sự cho phía Mỹ như một giải pháp chặn đứng chủ nghĩa bá quyền của Bắc Kinh.

Ngoài ra, 2 yếu tố khác lý giải cho Manila hoan nghênh sự hiện diện quân sự Mỹ là yếu tố lịch sử và nguyện vọng của đại đa số người dân Philippines, theo học giả Heydarian.

Yếu tố lịch sử

Philippines từng là thuộc địa của Mỹ và trong phần lớn lịch sử hiện đại, quốc gia Đông Nam Á có mối quan hệ đồng minh gần gũi với Washington. Sau khi Philippines giành độc lập vào giữa thế kỷ 20, nước này lại ủng hộ chính sách an ninh quốc gia của Mỹ trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Philippines và Mỹ đã ký một loạt các hiệp định quan trọng, đặc biệt phải kể đến là Hiệp định hỗ trợ quân sự và Hiệp định căn cứ quân sự vào năm 1947 và Hiệp ước quốc phòng tương hỗ vào năm 1951. Với những hiệp định trên, Philippines là nơi đồn trú của một trong những căn cứ quân sự lớn nhất ở nước ngoài của Mỹ thời gian đó.

Bắc Kinh gia tăng bành trướng

Chỉ một thời gian ngắn sau khi Mỹ rút quân đội khỏi Philippines vào năm 1992, Trung Quốc đã đánh chiếm bãi Vành Khăn (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) và gây ra xung đột ngoại giao với Manila sau đó. Để đối phó với Trung Quốc, Philippines đã mời quân đội Mỹ hiện diện trở lại tại nước này thông qua một hiệp định cho phép tổ chức các cuộc tập trận chung giữa Washington và Manila. Tuy nhiên, Mỹ vẫn bị vướng vào 2 rào cản: Mỹ (i) không được tham gia các hoạt động tác chiến trực tiếp và (ii) không được thành lập căn cứ quân sự lâu dài tại Philippines.

Thực ra tranh chấp trên Biển Đông không mới và bắt đầu từ những năm từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh khi Trung Quốc lấn át các nước Đông Nam Á để chiếm giữ các quần đảo tranh chấp.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã gia tăng bành trướng trên Biển Đông và gần đây nhất là vào năm 2012 Trung Quốc đã lấn lướt trước Philippines để chiếm giữ bãi cạn Scarborough. Trong 2 năm qua, Bắc Kinh cũng gia tăng bồi đắp và xây dựng nhiều đảo nhân tạo phi pháp trên các bãi đá ngầm và rặng san hộ thuộc quần đảo Trường Sa.

Trước tình hình trên, Philippines đã kêu gọi sự hỗ trợ quân sự từ phía Mỹ thông qua Hiệp định hợp tác quốc phòng tăng cường (EDCA). EDCA đã được ký chỉ vài giờ trước chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama tới Manila vào năm 2014.

Đa số người dân Philippines ủng hộ Mỹ

Có tới 92% người dân Philippines ủng hộ sự gia tăng hiện diện của quân đội Mỹ tại quốc gia Đông Nam Á. Con số này cao hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới về ủng hộ sự hiện diện của quân đội Mỹ. Cả giới lãnh đạo và người dân Philippines đều quan ngại về sự gia tăng bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông.

Với EDCA trong tay, Philippines kỳ vọng Mỹ sẽ gia tăng sự hiện diện của quân đội Mỹ tới 8 trong số căn cứ quân sự quan trọng nhất của Philippines, trong đó có các căn cứ quân sự tại Biển Đông.

Vũ Duy

Theo Al Jazeera