1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

260.000 người mắc Covid-19 trong ngày, thế giới bước vào cuộc chiến mới

(Dân trí) - Số người mắc Covid-19 toàn cầu liên tiếp lập kỷ lục làm dấy lên lo ngại rằng làn sóng bùng phát mới của đại dịch này nghiêm trọng hơn trước kia, khiến nhiều nước phải phong tỏa trở lại.

260.000 người mắc Covid-19 trong ngày, thế giới bước vào cuộc chiến mới - 1
Hơn 14 triệu người trên thế giới mắc Covid-19. (Ảnh: Reuters)

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận xấp xỉ 260.000 ca mắc Covid-19, mức tăng mạnh nhất từ trước đến nay và đánh dấu ngày thứ 2 liên tiếp thế giới lập kỷ lục số ca mắc mới sau khi ghi nhận gần 238.000 ca hôm 17/7. Trong đó, Mỹ, Brazil, Ấn Độ, Nam Phi ghi nhận thêm nhiều ca mắc mới nhất. Mỹ có thêm hơn 71.000 ca, Brazil hơn 45.000 ca, Ấn Độ gần 35.000 ca, Nam Phi hơn 13.000 ca.

Hiện tại, thế giới đã có hơn 14 triệu người mắc bệnh, trong đó gần 600.000 trường hợp đã tử vong chỉ trong vòng 7 tháng kể từ khi dịch khởi phát từ Trung Quốc.

Các nước phong tỏa trở lại

Trung tâm Kiểm soát và Phòng dịch châu Phi ngày 18/7 cho biết, khoảng 40 quốc gia ở khu vực này đã đóng cửa biên giới hoàn toàn do dịch Covid-19. Lệnh giới nghiêm vào ban đêm cũng được áp dụng tại 34 quốc gia, trong khi 54 nước quy định hạn chế tập trung đông người, 36 nước cho học sinh nghỉ học trên toàn quốc, 41 nước yêu cầu người dân đeo khẩu trang ở nơi công cộng.

Tính đến ngày 18/7, châu Phi có gần 700.000 ca mắc Covid-19, trong đó gần 15.000 trường hợp tử vong. Châu Phi hiện là một trong những điểm nóng bùng phát dịch Covid-19 trên thế giới.

260.000 người mắc Covid-19 trong ngày, thế giới bước vào cuộc chiến mới - 2

Người dân vẫn đổ xô tới bãi biển ở Anh bất chấp dịch Covid-19. (Ảnh: EPA)

Tại châu Âu, khoảng 4 triệu người dân ở thành phố Barcelona, Tây Ban Nha đã được yêu cầu ở nhà, tránh tụ tập đông người, đeo khẩu trang ở nơi công cộng sau khi số người mắc Covid-19 tăng mạnh trở lại. Các nhà hàng, quán bar ở đây chỉ được hoạt động 50% công suất. Quy định này sẽ được áp dụng trong 2 tuần.

"Đúng là một thảm kịch. Chúng tôi vừa mới rậm rịch trở lại cuộc sống bình thường", một người dân ở Barcelona chia sẻ.

Lệnh phong tỏa Barcelona được đưa ra chưa đầy 4 tuần sau khi Tây Ban Nha dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp, phong tỏa toàn quốc do Covid-19. Tây Ban Nha hiện ghi nhận hơn 307.000 ca mắc Covid-19, trong đó hơn 28.000 ca tử vong.

Tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ khác trên thế giới, nhiều địa phương cũng bắt đầu áp dụng trở lại các biện pháp hạn chế để đối phó với làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới. Ấn Độ quyết định phong tỏa trở lại hơn 100 triệu dân ở bang Bihar miền đông nước này trong vòng 2 tuần bắt đầu từ ngày 16/7.

Trong khi đó, tuy chưa phong tỏa trở lại, song giới chức Anh và Pháp đã ra quy định bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng để hạn chế đà lây lan của dịch.

Thủ tướng Anh Boris Johnson bác bỏ ý tưởng phong tỏa toàn quốc lần hai. Ông ví việc này không khác nào sử dụng đến bộ ba hạt nhân. "Tôi không từ bỏ bất cứ công cụ đối phó nào. Nhưng nó (phương án phong tỏa toàn quốc) giống như vũ khí hạt nhân, tôi không muốn sử dụng đến nó. Tôi cũng cho rằng chúng ta sẽ không phải làm lại điều đó", ông Johnson nói với Sunday Telegraph.

Tuy nhiên, quan điểm trên có thể sẽ khiến bất đồng giữa chính quyền của ông Johnson và giới khoa học càng sâu sắc hơn, khi nhiều chuyên gia cảnh báo Covid-19 có thể bùng phát mạnh vào mùa đông tới và số người chết vì Covid-19 tại Anh sẽ tăng vọt lên 120.000 người.

Minh Phương
Theo Straits Times