1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

23 triệu trẻ em bị “bỏ rơi” sau phép màu kinh tế Trung Quốc

(Dân trí) - Các số liệu thống kê vừa được công bố đã phơi bày một khía cạnh tiêu cực của phép màu kinh tế Trung Quốc: 23 triệu trẻ em dưới 5 tuổi hiện đang phải sống xa bố mẹ, những người phải rời bỏ quê nhà để đi tìm việc làm tại các thành phố lớn.

 
23 triệu trẻ em bị “bỏ rơi” sau phép màu kinh tế Trung Quốc - 1
1/3 trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo tại Trung Quốc bị bố mẹ bỏ lại quê nhà để đi làm ăn xa.

Nhiều ngôi làng trên khắp các vùng nông thôn của Trung Quốc đã vắng bóng tất cả cư dân trong độ tuổi lao động và chỉ còn lại toàn người già và trẻ em.

Trong 3 thập niên qua, các lao động Trung Quốc đã bắt đầu di cư từ nông thôn tới các thành phố lớn để tìm kiếm việc làm. Thời gian đầu, chỉ có nam giới đi tìm cơ hội mới và những người vợ ở lại quê nhà chăm sóc con cái.

Nhưng khi thế giới cần nhiều hơn các sản phẩm “Made in China”, phụ nữ trong độ tuổi lao động cũng lên đường ra thành phố, để lại con cái cho ông bà và người thân chăm sóc.

Giờ đây, 1/3 trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo tại Trung Quốc phải sống xa cả bố và mẹ, Deng Li, một quan chức tại Hội phụ nữ Trung Quốc (AWCF), cho hay.

Các em nhỏ thường chỉ gặp bố mẹ khoảng 1-2 lần mỗi năm, thường là trong kỳ nghỉ lễ. Bố mẹ chúng thường đi làm tại một tỉnh khác cách xa nhà trong vài năm, theo AWCF.

“Sự thiếu vắng bố mẹ vấn đề lớn cho những đứa trẻ còn nhỏ tuổi này. Chúng không nhận được sự quan tâm và chăm sóc đầy đủ từ ông bà”, Liu Chongshun, cựu trưởng ban xã hội học tại Viện khoa học xã hội ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, nói.

“Một số ông bà có quan điểm cổ hủ và có thể không có đủ sức khoẻ để trông nom bọn trẻ. Một số thì quá nuông chiều cháu chắt và điều đó là không phù hợp với trẻ nhỏ”, ông Liu nói thêm.

Tại một ngôi làng nhỏ tên gọi Shiping ở tỉnh Vũ Hán, 18 em nhỏ đã bị bố mẹ bỏ lại để sống với người thân.

Wei Yankui, bà mẹ của một bé trai 4 tuổi, cho hay cô chỉ có thể gặp con 2 ngày vào những ngày nghỉ lễ tháng 10. “Tôi thường bật khóc khi chia tay con và tôi rất lo lắng về chuyện học hành của bé. Ông bà thực sự không biết cách kèm cặp cháu”, cô nói.

Mặc dù trẻ em Trung Quốc được hưởng nền giáo dục bắt buộc (và miễn phí) từ lớp 1 tới lớp 9 nhưng bố mẹ của những đứa trẻ di cư thường bị nộp phạt khi đăng ký học cho con không đúng tuyến. Nhiều chính quyền địa phương còn đưa ra những quy định khiến việc xin học trái tuyến là không thể.

Zhou Xiaozheng, giáo sư ngành xã hội học tại Đại học Renmin tại Bắc Kinh, cho rằng chính sách phân biệt đối xử với các công nhân di cư đã tạo ra “một xã hội 2 tầng”.

“Đó là sự phân biệt về mặt địa lý. Họ nói một người thành phố bằng 4 người nông thôn. Các ông bố bà mẹ này không có sự lựa chọn nào khác. Họ phải kiếm tiền. Hơn nửa nền kinh tế tại các vùng nông thôn là từ những người di cư đi làm tại các nơi khác.

Không có tiền, gia đình họ sẽ đổ vỡ. Nhưng với những đứa trẻ, có rất ít hi vọng và tương lai của chúng rất ảm đạm. Chắc chắn chúng sẽ lớn lên với những khiếm khuyết về tính cách”, giáo sư Zhou nói.

Các nhà nghiên cứu khác cho biết không có một giải pháp ngắn hạn cho vấn đề trên.

“Một số tỉnh như Quảng Đông, Chiết Giang hay Giang Tô đã bắt đầu đầu tư vào các trường học và trường mầm non để khuyến khích những người di cư mang con cái họ đi cùng”, nhà nghiên cứu Liu Zhengqui từ Viện khoa học Trung Quốc nói.

“Thật khó cho cả bố mẹ và con cái. Một số đứa trẻ thậm chí bị “bỏ rơi” 2 lần. Đầu tiên, chúng bị để ở nhà cho tới khi đến tuổi niên thiếu. Sau đó, chúng có thể đoàn tụ với bố mẹ tại thành phố. Nhưng khi đủ tuổi để thi vào các trường trung học, chúng lại phải trở lại quê nhà vì đó là quy định. Chúng như những con cá bị ném ra khỏi môi trường nước bất cứ nơi nào”, nhà nghiên cứu Liu cho hay.

An Bình
Theo Telegraph