2021 có thể là năm khó khăn với quân đội Trung Quốc
(Dân trí) - Các chuyên gia dự đoán ngân sách quốc phòng của Trung Quốc sẽ bị siết chặt trong năm nay do Bắc Kinh phải cân đối mục tiêu phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Giới "tinh hoa chính trị" Trung Quốc sẽ đối mặt với nhiều thách thức khi họ quy tụ tại thủ đô Bắc Kinh vào tháng tới để dự các cuộc họp của Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc (Quốc hội Trung Quốc) và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc. Đối với giới quan sát Trung Quốc, cuộc họp thường niên này là cơ hội để phán đoán các định hướng chính sách chung của Trung Quốc và những thông tin về ngân sách có thể hé lộ những thay đổi trong tương lai tại Trung Quốc.
Trong số các chỉ số quan trọng được chú ý, chẳng hạn tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, giới quan sát sẽ theo dõi chặt chẽ phiên họp của Quốc hội Trung Quốc trong năm nay, dự kiến khai mạc vào ngày 5/3, để nắm được thông tin về ngân sách quốc phòng của nước này.
Theo SCMP, các chuyên gia quốc phòng tin rằng ngân sách quốc phòng của Trung Quốc trong năm nay sẽ bị siết chặt. Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc thường không chính thức công bố ngân sách dành cho lực lượng này.
Ngân sách quốc phòng hàng năm của quân đội Trung Quốc tăng 2 con số từ năm 1989 đến năm 2015. Đây là một phần trong kế hoạch hiện đại hóa quân đội đầy tham vọng của Trung Quốc. Đến năm 2016, mức ngân sách đạt gần 154 tỷ USD, khi Chủ tịch Tập Cận Bình thông báo các kế hoạch giới hạn mức tăng ngân sách quốc phòng xuống một con số.
Năm ngoái, chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc tăng 6,6%, thấp hơn so với mức tăng 7,5% năm 2019.
"Năm nay sẽ là một năm khó khăn với quân đội Trung Quốc. Trung Quốc cần cân đối chi tiêu giữa việc hồi phục sau đại dịch Covid-19 và đạt được mục tiêu hiện đại hóa quân đội", nhà quan sát quân sự Hong Kong Liang Guoliang cho biết, đồng thời dự đoán ngân sách quốc phòng Trung Quốc năm 2021 sẽ tăng 8%.
Zhou Chenming, nhà phân tích quân sự ở Bắc Kinh, cũng đồng tình rằng ngân sách quốc phòng Trung Quốc khó tăng mạnh trong năm nay.
"Hồi phục sau đại dịch Covid-19 vẫn là vấn đề then chốt (của Trung Quốc) trong năm nay. Lãnh đạo trung ương sẽ không tăng mạnh ngân sách dành cho quân đội vì còn nhiều vấn đề chưa chắc chắn ở cả trong và ngoài nước", ông Zhou nhận định.
Li Jie, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Quân sự Hải quân Trung Quốc, dự đoán ngân sách quốc phòng của Trung Quốc sẽ tăng 6-7% trong năm 2021.
"Hải quân, Không quân và lực lượng tên lửa cần thêm ngân sách để nâng cấp và thay thế những vũ khí và thiết bị đã lỗi thời theo chương trình hiện đại hóa của quân đội Trung Quốc", ông Li cho biết.
Khác với các cường quốc phương Tây, Trung Quốc đầu tư "mạnh tay" vào việc mở rộng lực lượng hải quân cũng như tầm ảnh hưởng của nước này tại Biển Đông và khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Năm 2019, Trung Quốc hạ thủy hơn 20 tàu chiến mới, bao gồm các tàu khu trục, tàu hộ vệ và đổ bộ. Năm nay, quân đội Trung Quốc đặt mục tiêu hạ thủy tàu sân bay thứ ba và bắt đầu đóng tàu sân bay thứ tư. Cả hai tàu sân bay này sẽ được trang bị hệ thống phóng điện từ tiên tiến nhất thế giới, hiện chỉ được Mỹ sử dụng trên các tàu sân bay nước này.
Hội nghị của Ủy ban Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 10 năm ngoái đặt mục tiêu đưa quân đội Trung Quốc trở thành lực lượng hiện đại đầy đủ vào năm 2027. Các chuyên gia quân sự cho rằng Trung Quốc dường như đặt mục tiêu xây dựng lực lượng quân đội hiện đại ngang hàng với Mỹ vào thời điểm đó.
Jonathan Holslag, giáo sư về chính trị quốc tế tại Bỉ, dự đoán ngân sách quốc phòng của Trung Quốc sẽ tăng trong những năm tới, khi Bắc Kinh đặt mục tiêu trở thành siêu cường thế giới đối trọng với Mỹ.
"Là một cường quốc khu vực, Trung Quốc đã chi nhiều hơn so với các nước láng giềng, thậm chí thách thức Mỹ - quốc gia đang trải rộng lực lượng ra toàn cầu. Nhưng để trở thành một siêu cường quốc tế và bảo vệ các lợi ích cả trong và ngoài nước, Trung Quốc vẫn cần ngân sách lớn hơn để chi trả cho các hoạt động quân sự ở nước ngoài, các căn cứ, tàu, máy bay… Mức ngân sách như hiện tại chỉ mới cho phép Trung Quốc trở thành cường quốc khu vực, chứ chưa trở thành siêu cường thế giới", chuyên gia Holslag nhận định thêm.