1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

2 tháng cân não "nghẹt thở" của đặc nhiệm Mỹ trước khi tiêu diệt trùm IS

Thành Đạt

(Dân trí) - Tổng thống Joe Biden và giới chức Mỹ đã chuẩn bị kỹ lưỡng kế hoạch tấn công trước khi quyết định "bật đèn xanh" cho chiến dịch tiêu diệt thủ lĩnh IS tại Syria.

2 tháng cân não nghẹt thở của đặc nhiệm Mỹ trước khi tiêu diệt trùm IS - 1

Tổng thống Joe Biden, Phó Tổng thống Kamala Harris và các thành viên trong đội ngũ an ninh quốc gia Mỹ theo dõi vụ đột kích từ Phòng Tình huống ở Nhà Trắng (Ảnh: AP).

Tháng 12/2021, khi giới chức Mỹ đã nắm được thông tin rõ ràng về nơi ở của thủ lĩnh tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) Abu Ibrahim al-Hashimi al-Qurayshi, một nhóm chỉ huy quân sự đã đến Phòng Tình huống Nhà Trắng để trình lên Tổng thống Joe Biden bản kế hoạch tiêu diệt trùm khủng bố ở tây bắc Syria. Tuy nhiên, giới chức Mỹ cũng nhận thức được mức độ phức tạp của kế hoạch này, với nguy cơ thiệt hại về dân sự, thương vong của binh lính Mỹ và những rủi ro nghiêm trọng khác.

Các cuộc trao đổi liên tục giữa Tổng thống Biden và các chỉ huy quân sự của ông về việc tiêu diệt thủ lĩnh IS ở Syria đã kéo dài trong nhiều tuần. Tới ngày 1/2, quyết định cuối cùng đã được đưa ra.

Sau cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và Tướng Mark A. Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Tổng thống Biden đã cho phép triển khai chiến dịch chống khủng bố quy mô lớn đầu tiên trong nhiệm kỳ của ông. Vào tối 2/2, sau cuộc điện đàm vào cuối buổi chiều với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, ông Biden đã đến Phòng Tình huống để theo dõi chiến dịch tiêu diệt thủ lĩnh IS qua màn hình.

Các quan chức Mỹ cho biết chiến dịch tiêu diệt al-Qurayshi rất phức tạp vì sau nhiều tháng theo dõi, họ phát hiện khu vực này có rất nhiều trẻ em. Các gia đình sống ở tầng một dường như không biết rằng họ đang ở chung nhà với một tên khủng bố khét tiếng hàng đầu thế giới. Al-Qurayshi hiếm khi ra khỏi nhà, ngoài việc đi lên sân thượng để cầu nguyện. Hắn dựa vào những người đưa tin để truyền đạt mệnh lệnh cho các chiến binh IS cấp dưới.

2 tháng cân não nghẹt thở của đặc nhiệm Mỹ trước khi tiêu diệt trùm IS - 2

Ảnh do Bộ Quốc phòng Mỹ công bố cho thấy ngôi nhà nơi al-Qurayshi sinh sống tại Syria (Ảnh: AFP).

Các chỉ huy đã thông báo chính xác cho ông Biden cách thức triển khai chiến dịch, thậm chí xây dựng mô hình mặt phẳng của ngôi nhà nơi al-Qurayshi sinh sống để nhấn mạnh sự phức tạp của chiến dịch.

Ông Biden cho rằng việc sống trong một ngôi nhà có dân thường là sự lựa chọn có chủ ý của al-Qurayshi. Thủ lĩnh IS luôn có phụ nữ và trẻ em vây quanh, do vậy việc tiêu diệt tên này mà không gây ra thương vong về dân sự là vấn đề khó khăn với Mỹ.

Do sự phức tạp của tình hình, Tổng thống Biden quyết định thay đổi kế hoạch, chỉ đạo đặc nhiệm Mỹ tiến hành đột kích trực diện, thay vì không kích từ trên cao.

"Chúng tôi đã lựa chọn đột kích bằng lực lượng đặc nhiệm, chấp nhận rủi ro lớn hơn nhiều đối với người của chúng tôi. Thay vì tiêu diệt mục tiêu bằng một cuộc không kích, chúng tôi đã lựa chọn cách này để giảm thiểu thương vong cho dân thường", ông Biden cho biết hôm 3/2.

Một khó khăn khác phải tính đến là khu vực tác chiến phần lớn do Hayat Tahrir al-Sham, một nhóm phiến quân có liên kết với al-Qaeda, kiểm soát. Các lực lượng Nga cũng kiểm soát một phần không phận mà lực lượng Mỹ cần sử dụng để di chuyển qua. Mặc dù không báo trước cho phía Nga, song Mỹ đã sử dụng kênh liên lạc mã hóa để tránh các vấn đề phát sinh.

Tổng thống Biden đã ra quyết định cuối cùng, cho phép tiến hành cuộc đột kích trong một cuộc họp tại Phòng Bầu dục. Các chỉ huy quân đội cũng kết luận rằng, các điều kiện để tiến hành đột kích đã chín muồi. Họ chọn thời điểm xuất kích vào một đêm trăng mờ.

2 tháng cân não nghẹt thở của đặc nhiệm Mỹ trước khi tiêu diệt trùm IS - 3

Ngôi nhà nơi thủ lĩnh IS ẩn náu tại Syria tan hoang sau cuộc đột kích (Ảnh: Washington Post).

Tổng thống Biden và các cố vấn hàng đầu của ông tập trung tại Phòng Tình huống vào khoảng 5 giờ chiều ngày 2/2 để theo dõi trực tiếp chiến dịch. Ông Biden ngồi ở đầu bàn và đeo khẩu trang, còn Phó Tổng thống Kamala Harris ngồi bên phải.

Các quan chức cấp cao khác có mặt trong phòng gồm Chánh văn phòng Nhà Trắng Ron Klain; Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan; Phó cố vấn an ninh quốc gia Jon Finer; Điều phối viên Nhà Trắng về Trung Đông và Bắc Phi Brett McGurk; Cố vấn an ninh nội địa Liz Sherwood-Randall và Cố vấn an ninh quốc gia của Phó tổng thống Nancy McEldowney.

Lực lượng đặc nhiệm Mỹ đã trải qua hàng chục cuộc diễn tập trước khi triển khai chiến dịch. Họ mất khoảng 2 giờ để di chuyển từ nơi xuất phát tới khu vực tấn công mục tiêu.

Khi đến nơi, đặc nhiệm Mỹ đã dùng loa phóng thanh, yêu cầu dân thường sơ tán. Căng thẳng đã được giải tỏa khi các gia đình sống ở tầng một đồng ý rời khỏi ngôi nhà và được đưa đến nơi an toàn. 10 dân thường đã được sơ tán, trong đó có 8 trẻ em.

Nhưng ngay sau đó, một vụ nổ lớn xảy ra. Al-Qurayshi đã kích hoạt bom tự sát trên tầng 3, khiến cả gia đình hắn thiệt mạng. Điều này đã nằm trong dự đoán của giới chức Mỹ, vì người tiền nhiệm của al-Qurayshi, Abu Bakr al-Baghdadi, cũng từng kích nổ một quả bom trong cuộc đột kích vào năm 2019.

Tổng thống Biden và đội ngũ của ông tiếp tục theo dõi diễn biến tiếp theo của chiến dịch, khi một trong số các trực thăng quân sự gặp sự cố kỹ thuật. Lực lượng đặc nhiệm cuối cùng đã quyết định phá hủy trực thăng này.

Trong suốt đêm 2/2, ông Biden nhận thông tin cập nhật từ Cố vấn An ninh Quốc gia Sullivan về chiến dịch. Đặc nhiệm Mỹ ban đầu sử dụng nhận diện gương mặt và dấu vân tay để xác định rằng họ đã tấn công đúng mục tiêu. Nhưng phải đến khi xác nhận cuối cùng bằng ADN được đưa ra vào khoảng 7 giờ sáng 3/2, họ mới sẵn sàng công bố thông tin với cả thế giới.

Sáng hôm đó, Tổng thống Biden đã có bài phát biểu từ Nhà Trắng, ca ngợi chiến dịch thành công của quân đội Mỹ và cảnh báo những kẻ khủng bố rằng: "Chúng tôi vẫn luôn cảnh giác. Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng. Chúng tôi sẽ truy lùng và tìm ra các vị".

Theo www.washingtonpost.com