1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

2 nhà khoa học Mỹ giành giải Nobel Y Sinh 2021

Thành Đạt

(Dân trí) - 2 nhà khoa học David Julius và Ardem Patapoutian đã giành giải Nobel Y Sinh năm 2021 vì những khám phá về nhiệt độ và xúc giác.

2 nhà khoa học Mỹ giành giải Nobel Y Sinh 2021 - 1

2 nhà khoa học David Julius và Ardem Patapoutian được trao giải Nobel Y Sinh 2021 (Ảnh: Brandeis.edu)

Chiều 4/10, 2 nhà khoa học David Julius và Ardem Patapoutian đã mở màn mùa giải Nobel năm 2021 với giải thưởng Nobel Y Sinh nhờ những khám phá của họ về các thụ thể đối với nhiệt độ và xúc giác.

Theo Ủy ban Nobel, 2 nhà khoa học tại Mỹ nhận được giải thưởng Nobel Y sinh năm nay vì đã nghiên cứu cơ học về cách con người cảm nhận nhiệt độ và áp suất thông qua các xung thần kinh.

Những phát hiện mang tính đột phá của 2 nhà khoa học đã mở màn cho các hoạt động nghiên cứu, dẫn đến sự hiểu biết nhanh chóng của con người về cách hệ thần kinh cảm nhận các kích thích nóng, lạnh và cơ học.

Thông báo của Ủy ban Nobel cho biết David Julius đã sử dụng capsaicin, một hợp chất cay từ ớt gây ra cảm giác nóng, để xác định cảm biến trong các đầu dây thần kinh của da phản ứng với nhiệt.

Trong khi đó, Ardem Patapoutian đã sử dụng các tế bào nhạy cảm với áp suất để khám phá một loại cảm biến mới phản ứng với các kích thích cơ học trên da và các cơ quan nội tạng.

"Khả năng cảm nhận nóng, lạnh và xúc giác của chúng ta là điều cần thiết cho sự tồn tại và làm nền tảng cho sự tương tác của chúng ta với thế giới xung quanh", Hội đồng Nobel cho biết trong tuyên bố công bố giải thưởng Nobel Y Sinh năm nay.

Ông Julius, giáo sư tại Đại học California ở San Francisco và ông Patapoutian, giáo sư tại viện nghiên cứu Scripps Research ở California, sẽ chia sẻ phần thưởng của giải Nobel Y sinh năm nay.

2 nhà khoa học Mỹ giành giải Nobel Y Sinh 2021 - 2

Hai nhà khoa học David Julius và Ardem Patapoutian được xướng tên tại lễ trao giải Nobel Y Sinh hôm 4/10 (Ảnh: AFP).

Năm ngoái, giải Nobel Y Sinh đã thuộc về các nhà khoa học Harvey J. Alter (Mỹ), Charles M. Rice (Mỹ) và Michael Houghton (Anh) với công trình nghiên cứu về virus viêm gan C.

Năm 2019, giải Nobel Y Sinh học đã thuộc về 3 nhà khoa học Peter Ratcliffe (Đại học Oxford và Viện Francis Crick - Anh), William Kaelin (Đại học Harvard - Mỹ) và Gregg Semenza (Đại học Johns Hopkins - Mỹ) với phát minh ra cách tế bào cảm nhận và thích ứng với lượng ôxy.

Các giải Nobel do Alfred Nobel, một doanh nhân và nhà phát minh người Thụy Điển, sáng lập. Giải Nobel được trao tặng lần đầu vào năm 1901, năm năm sau khi ông Nobel qua đời.

Ban đầu giải thưởng chỉ có 5 hạng mục bao gồm các lĩnh vực Vật lý, Hóa học, Y học, Văn học và Hòa bình. Đến năm 1968, Ngân hàng Thụy Điển đã đưa thêm vào một giải về lĩnh vực Kinh tế.

Theo nguyện vọng của Alfred Nobel, giải Nobel Hòa Bình được quyết định bởi Ủy ban Giải Nobel Na Uy do Quốc hội Na Uy lập ra. Trong khi đó, các giải Nobel khác được trao tại Thụy Điển và do Viện Hàn lâm khoa học Thụy Điển quyết định.

Hiện tại, mỗi giải thưởng Nobel bao gồm một huy chương vàng, một giấy chứng nhận và số tiền thưởng trị giá 10 triệu kronor Thụy Điển (tương đương 1,1 triệu USD).

Sau khi giải Nobel Y Sinh được công bố vào ngày 4/10, các giải Nobel Vật Lý, Hóa học, Văn học, Hòa bình và Kinh tế sẽ được công bố vào những ngày tiếp theo.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm