1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

"Nóng" cuộc đua giải Nobel Y học 2021

Thanh Thành

(Dân trí) - Đại dịch Covid-19 ập đến khiến vai trò của khoa học y tế được chú ý hơn bao giờ hết. Một câu hỏi được đặt ra: liệu các công trình nghiên cứu về vắc xin có được trao giải Nobel Y học năm nay hay không?

Nóng cuộc đua giải Nobel Y học 2021 - 1

Mùa giải Nobel 2021 sẽ bắt đầu vào ngày 4/10 (Ảnh minh họa: Dallas News).

Những nghiên cứu quan trọng sẽ được vinh danh trong mùa giải Nobel năm nay, bắt đầu vào ngày 4/10. Mở đầu sẽ là giải Nobel Y học.

Tất nhiên, những cái tên được tôn vinh luôn nằm trong vòng bí mật. Mặc dù việc dự đoán ai sẽ giành giải Nobel luôn rất khó, nhưng năm nay giải Nobel Y học có một số ứng cử viên được đánh giá là xứng đáng được trao giải vì những đóng góp lớn, mang tính bước ngoặt.

Năm nay, giải Lasker và giải Breakthrough, thường được coi là "điềm báo" của giải Nobel, đã được trao cho các nhà khoa học có công trình quan trọng: phát triển vắc xin Covid-19.

Giải Lasker đã được trao cho bà Katalin Kariko, Phó Chủ tịch cấp cao của hãng dược BioNTech tại Đức, và ông Drew Weissman, giáo sư nghiên cứu vắc xin tại Đại học Pennsylvania (Mỹ), vì công trình phát triển phương pháp sử dụng vật liệu di truyền ARN thông tin (mARN) để chống lại bệnh tật liên quan đến việc giúp cơ thể tự sản xuất kháng thể chống virus.

Mặc dù nghiên cứu của họ không gây chú ý khi được công bố lần đầu tiên vào năm 2005, nhưng đây là cơ sở để sản xuất hai loại vắc xin Covid-19 được sử dụng rộng rãi hiện nay là Moderna và Pfizer.

Giải Breakthrough năm nay cũng đã trao cho các nhà khoa học Shankar Balasubramanian, David Klenerman và Pascal Mayer với công trình nghiên cứu công nghệ giải trình tự DNA thế hệ tiếp theo.

Tuy nhiên, vẫn còn tranh cãi về việc ai xứng đáng được công nhận là người đi tiên phong trong công nghệ này. Nghiên cứu về mRNA bắt đầu từ những năm 1980 và liên quan đến các nhóm nhà khoa học khác nhau trên toàn thế giới.

Vấn đề đặt ra đối với Ủy ban Nobel là theo các quy tắc do người sáng lập Alfred Nobel đặt ra, một giải Nobel chỉ có thể vinh danh tối đa 3 người. Đây thực là bài toán khó vì ngày nay nhiều công trình nghiên cứu đòi hỏi nhiều người cùng tham gia do tính chất khó khăn và phức tạp của nó.

David Pendlebury, nhà phân tích trích dẫn cấp cao tại Viện Thông tin Khoa học Clarivate, Mỹ, dự đoán giải Nobel bằng cách xem xét tần suất mà các nghiên cứu quan trọng của một nhà khoa học được trích dẫn lại.

Theo ông Pendlebury, vẫn còn quá sớm để trao giải Nobel cho các nhà khoa học đứng sau công trình vắc xin Covid-19. Ông nhận định, Ủy ban Nobel thường đợi ít nhất một thập niên trước khi tính đến việc trao giải cho một công trình nghiên cứu khoa học nào đó.

Ông Pendlebury dự đoán, chủ nhân của giải thưởng năm nay có thể là Jacques Miller, một nhà nghiên cứu người Australia gốc Pháp đã khám phá ra những quan trọng về tổ chức và chức năng của hệ thống miễn dịch ở người vào những năm 1960, đặc biệt là tế bào B và tế bào T. Đây chính là cơ sở để nghiên cứu vắc xin.

Cần đa dạng hơn

Trải qua nhiều năm, giải Nobel đã gặp những tranh cãi. Vào năm 2019, Ủy ban Nobel đã đề nghị các bên đề cử xem xét tính đa dạng hơn về giới tính, địa lý trong các đề cử, nhưng năm đó lại chứng kiến một danh sách toàn nam giới đoạt giải.

Đến năm 2020, hai nhà khoa học nữ người Mỹ Emmanuelle Charpentier và Jennifer A.Doudna, đã đoạt giải Nobel Hóa học nhờ phát triển phương pháp CRISPR để chỉnh sửa bộ gen. Trong khi đó, nhà khoa học nữ Andrea Ghez cùng với 2 cộng sự nam đoạt giải Nobel Vật lý vì các công trình nghiên cứu liên quan đến hố đen vũ trụ.

"Giải Nobel thường công nhận những nhân vật có những công trình nghiên cứu cách đây 20, 30, 40 năm. Vào những năm 80 và 90, các trường đại học không có nhiều phụ nữ đảm nhận các nhiệm vụ quản lý cấp cao. Và điều đó đã thay đổi đáng kể trong 40 năm qua", ông Pendlebury nhận định.

Cũng có những ý kiến về sự phân hóa vùng miền địa lý trong giải thưởng Nobel, trong đó hầu hết những người chiến thắng vẫn đến từ các tổ chức ưu tú ở Mỹ và châu Âu. Trong khi đó, theo phân tích của ông Pendlebury về các trích dẫn trên tạp chí, có những nghiên cứu được trích dẫn nhiều hơn đến từ khu vực châu Á.

Cho tới nay, vẫn chưa có bất kỳ người da màu nào đoạt giải Nobel Vật lý, Hóa học và Y học, mặc dù đã có những đại diện ở giải Nobel Hòa bình và Nobel Văn học.

Giải Nobel Y học sẽ được công bố vào ngày 4/10, tiếp đến là các giải Nobel Vật Lý, Hóa học, Văn học, Hòa bình và Kinh tế.

Các giải Nobel, do nhà khoa học người Thụy Điển Alfred Nobel sáng lập, được trao tặng lần đầu tiên vào năm 1901. Ban đầu, giải thưởng có 5 hạng mục bao gồm các lĩnh vực Vật lý, Hóa học, Y học, Văn học và Hòa bình. Giải Nobel Kinh tế được bổ sung vào hệ thống giải Nobel từ năm 1968.

Mỗi giải thưởng bao gồm một huy chương vàng, một giấy chứng nhận và số tiền thưởng trị giá 10 triệu krona Thụy Điển (tương đương 1,1 triệu USD).