1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

2 máy bay ném bom Ukraine bị bắn hạ ở Donetsk

Lãnh đạo lực lượng đòi độc lập ở Cộng hòa nhân dân Donetsk tự xưng, ông Edward Basurin, ngày 3/2 cho biết lực lượng này đã bắn hạ hai máy bay cường kích Su-25 của lực lượng vũ trang Ukraine.

Một chiếc Su-25 của quân đội Ukraine (ảnh: Sputnik)

Một chiếc Su-25 của quân đội Ukraine (ảnh: Sputnik)
 
Hai máy bay trên bị các tay súng ở miền Đông bắn hạ vào lúc 14h25 theo giờ địa phương (19h25 cùng ngày ở Việt Nam) sau khi ném bom vào các vị trí của lực lượng đòi độc lập ở ngoại vi phía Bắc và Đông-Bắc thành phố Debaltsevo, nơi xảy ra giao tranh ác liệt trong những ngày gần đây. Một phi công đã kịp nhảy dù thoát chết.

Bất chấp những lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế, cuộc xung đột giữa lực lượng đòi độc lập ở miền Đông và quân đội chính phủ Ukraine vẫn tiếp tục leo thang, khiến Kiev phải tiêu tốn 5-10 triệu USD mỗi ngày cho các cuộc giao tranh. Đó là chưa kể con số hơn 5.000 người đã bị thiệt mạng trong hơn 9 tháng xung đột, cùng hàng nghìn người bị thương và khoảng một triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.

Trong tuyên bố mới nhất đưa ra ngày 4/2, Chủ tịch Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu (OSCE), Ngoại trưởng Serbia Ivica Dacic, kêu gọi các bên xung đột nhanh chóng thiết lập cơ chế ngừng bắn tối thiểu 3 ngày tại khu vực Debaltsevo, đặt dưới sự trung gian và hỗ trợ của các quan sát viên OSCE. Nếu được thực thi, cơ chế này sẽ tạo điều kiện cho người dân sơ tán khỏi vùng chiến sự, đồng thời giúp khôi phục đàm phán hòa bình giữa các bên để tiến tới một cơ chế ngừng bắn ổn định, tạo cơ sở cho việc thực thi nghiêm túc thỏa thuận Minsk.

Trước đó, trong ngày 3/2, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov kêu gọi Kiev đàm phán trực tiếp với lực lượng đòi độc lập ở miền Đông, đồng thời cảnh báo không nên quy trách nhiệm cho Moskva về cuộc xung đột này. Người đứng đầu ngành ngoại giao Nga bác bỏ mọi cáo buộc của phương Tây cho rằng Moskva hậu thuẫn lực lượng ở miền Đông Ukraine, đồng thời chỉ trích việc Mỹ ủng hộ Ukraine giải quyết cuộc xung đột bằng biện pháp quân sự chứ không phải bằng con đường ngoại giao.

Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng có chung quan điểm phản đối việc cung cấp vũ khí cho Kiev. Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn lời bà Merkel ngày 3/2 tái khẳng định Đức sẽ không cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine. Theo bà, hòa bình ở Đông Ukraine chỉ có thể đạt được bằng biện pháp ngoại giao và các bên liên quan cần phải tiến hành đàm phán về một lệnh ngừng bắn lâu dài ở miền Đông. Thủ tướng Đức đưa ra tuyên bố trên trong bối cảnh Mỹ đang cân nhắc khả năng hỗ trợ Ukraine một số loại vũ khí để chống lại lực lượng đòi độc lập ở miền Đông.

Theo TTXVN/baotintuc.vn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm