1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

2 con tin bị hành quyết, Nhật Bản quyết không khuất phục khủng bố

Thủ tướng Shinzo Abe cũng yêu cầu tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh trong nước.

Hơn 1 tuần vừa qua chính phủ Nhật Bản đã nỗ lực hết sức trong việc giải phóng con tin, nhưng thực sự đáng tiếc khi tổ chức nhà nước hồi giáo IS công bố đã hành quyết con tin thứ 2 vào rạng sáng hôm nay (1/2).

Áp lực lớn

Không riêng gì Thủ tướng Shinzo Abe mà cả chính phủ, nhân dân Nhật Bản và đặc biệt gia đình của các nạn nhân đã hết sức đau buồn vì sự việc xảy ra.

Thủ tướng Abe đã bị sức ép từ nhiều phía. Điều đầu tiên đó là đã không thể giải cứu công dân mình thoát khỏi bàn tay khủng bố, mặc dù Thủ tướng Abe và chính phủ đã hết sức nỗ lực trong các biện pháp giải cứu. Nhưng trong vấn đề này, các đảng đối lập và người dân có nhiều sự ủng hộ với cách giải quyết của chính phủ, khiến ông Abe cũng phần nào giảm bớt đi áp lực.

Chân dung nhà báo Goto (ảnh: Guardian)
Chân dung nhà báo Goto (ảnh: Guardian)

Điều thứ hai, là sự ổn định của tình hình an ninh trong nước khiến cho ông Abe cũng đau đầu. Thủ tướng Abe trong gần như tất cả các cuộc họp đều yêu cầu tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh trong nước.

Cho đến chiều 1/2, tại Nhật Bản chưa thấy hình ảnh của một cuộc biểu tình nào liên quan tới vụ con tin bị sát hại.

Bố của Kenji Goto, ông Shoichi sáng ngày hôm nay bày tỏ rằng đây là một kết thúc thật đáng tiếc, nhưng gia đình ông cũng vô cùng cám ơn chính phủ Nhật Bản, những nhà báo, cả những người không quen biết đã tham gia hoạt động nhằm giải thoát cho Goto.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, sau cuộc khoảng con tin lần này tại Nhật Bản, người dân Nhật Bản và một số đảng bảo thủ sẽ xem xét lại vấn đề về quyền phòng vệ tập thể đã được thông qua vào năm ngoái. Bởi tỷ lệ phản đối quyền này tương đối cao, nhiều ý kiến cho rằng việc quân đội Nhật có quyền tham gia vào hoạt động tại nước ngoài sẽ chỉ kích thích bạo lực, làm cho chiến tranh có nguy cơ phát triển. Tuy nhiên, sau sự kiện này thì quân đội tham gia với mức độ nào và với mục đích gì, khiến cho dư luận sẽ có những ý kiến tích cực hơn về quyền phòng vệ tập thể. Đây cũng có thể coi là một bước tiến trong chính sách của Thủ tướng Abe.

Không tha thứ cho hành động khủng bố

Thủ tướng Shinzo Abe sáng 1/2 đã triệu tập họp nội các khẩn cấp sau khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) công bố đoạn băng đã hành quyết con tin Kenji Goto. Thủ tướng cũng yêu cầu tiếp tục thu thập thông tin liên quan tới đoạn băng này.

Thủ tướng Abe cũng gửi lời chia buồn tới gia đình Kenji, coi đây là sự việc “đáng tiếc”, đồng thời khẳng định đây là “Hành động phi nhân đạo. Nhật Bản sẽ không bao giờ tha thứ cho những hành động khủng bố”.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Kishida Fumio trong buổi họp báo sáng 1/2 đã nhấn mạnh rằng Nhật Bản tiếp tục xác nhận thông tin mà IS đưa ra.

Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Suga trong buổi họp báo sáng ngày 1/2 cũng nhấn mạnh rằng dù trong hoàn cảnh nào Nhật Bản luôn luôn hết sức bảo vệ an toàn cho công dân tại nước ngoài, đồng thời Nhật Bản cũng sẽ không từ bỏ những hoạt động viện trợ nhân đạo góp phần ổn định khu vực Trung Đông.

Ông Suga cũng cho biết thêm: “Hiện tại Nhật Bản đang tích cực phân tích đoạn băng mà IS công bố, tuy nhiên, có khả năng cao người trong đoạn băng chính là Goto Kenji. Từ sau vụ việc xảy ra, chính phủ Nhật Bản đã nỗ lực hết sức vừa bằng con đường ngoại giao vừa thực hiện những biện pháp cụ thể để cứu tính mạng con tin. Tôi chia sẻ với những nỗi đau mà gia đình các nạn nhân phải chịu. Đây thực sự là một điều đáng tiếc.”

Tiếp tục viện trợ nhân đạo

Không phải sau vụ việc này Nhật Bản mới quyết liệt trong việc đấu tranh chống khủng bố, mà trước đó Nhật Bản cũng đã tỏ rõ lập trường của mình rằng sẽ không bao giờ khuất phục trước khủng bố.

Trong buổi họp sáng 1/2 với Hội đồng an ninh Quốc gia Nhật Bản, Thủ tướng Abe cũng nhấn mạnh thêm rằng Nhật Bản có trách nhiệm lớn đối với cộng đồng quốc tế trong việc đấu tranh chống khủng bố. Nhật Bản vẫn tiếp tục mở rộng hoạt động nhân đạo như cung cấp thực phẩm, thuốc men cho những người dân tị nạn tại Trung Đông.

Trong những ngày qua dư luận Nhật Bản đã tập trung vào vấn đề là tại sao Nhật Bản không có cuộc tiếp xúc nào với IS, Chánh văn phòng nội các Suga nhấn mạnh rằng chính phủ Nhật Bản đã cân nhắc tất cả những biện pháp mang tính hiệu quả nhất để giải quyết vụ con tin. Đồng thời cũng đã đề nghị những nước liên quan, tổ chức và những chức sắc tôn giáo quốc tế… hợp tác trong việc làm thế nào để giải phóng con tin”.

Như vậy, trong những trường hợp cụ thể Nhật Bản sẽ đưa ra những chính sách cụ thể, phù hợp với chính sách ngoại giao của mình, phù hợp với lợi ích quốc gia, ngay cả trong những trường hợp khẩn cấp nhất. Tuy nhiên, sau vụ việc hai con tin bị hành quyết, Nhật Bản sẽ tích cực hơn trong cuộc đấu tranh chống khủng bố./.
Theo Bùi Hùng/VOV- Tokyo