1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

18 nước cử giám sát viên quốc tế đến Ukraine

(Dân trí) - 18 quốc gia thành viên của Tổ chức hợp tác và an ninh châu Âu (OSCE) đã nhất trí cử các giám sát viên quân sự tới Ukraine trong nỗ lực nhằm xoa dịu một cuộc đối đầu quân sự ở nước này.

Một người đàn ông mặc đồng phục quân đội đứng gác ở Balaklava trên bán đảo Crimea.

Một người đàn ông mặc đồng phục quân đội đứng gác ở Balaklava trên bán đảo Crimea.

Hãng tin BBC ngày 5/3 đưa tin, OSCE xác nhận rằng tổ chức này đã cử 35 giám sát viên quân sự không mang vũ khí từ 18 quốc gia châu Âu tới Ukraine theo một đề nghị của Kiev. Hiện chưa rõ họ có được triển khai tới bán đảo Crimea ở miền nam Ukraine hay không.
 
Trước đó, hãng tin AP cũng dẫn lời một nhà ngoại giao Mỹ cho biết, theo yêu cầu của Ukraine, OSCE sẽ cử một phái đoàn, trong đó bao gồm các đại diện từ Mỹ và 14 nước khác, để giám sát tình hình tại Cộng hòa tự trị Crimea và các căng thẳng ở Ukraine.

OSCE cho hay Ukraine đã đề nghị sứ mệnh giám sát của tổ chức này hoạt động từ 5-12/3.

Các giám sát viên quân sự không mang vũ khí và có nhiệm vụ tìm ra các sự thật về các vấn đề quân sự. Họ sẽ báo cáo lại với các quốc gia thành viên của OSCE.

OSCE cũng sẽ cố gắng dàn xếp một “nhóm liên lạc” gồm các bên quan trọng trong cuộc khủng hoảng tại Ukraine và sắp xếp một sứ mệnh giám sát rộng hơn tại Ukraine.

Mỹ đã kêu gọi một sứ mệnh giám sát đầy đủ của OSCE nhằm giảm bớt cuộc khủng hoảng. Nhưng các quốc gia thành viên của tổ chức hồi đầu tuần này đã không đi đến được thống nhất, do vấp phải sự phản đối của Nga.

Đại sứ Nga tại OSCE, Andrei Kelin, nói với báo giới hồi đầu tuần này rằng các sứ mệnh trước đó của tổ chức tại các khu vực ly khai của Serbia và Gruzia là Kosovo và Nam Ossetia đã "làm tồi tệ thêm tình hình".

Trong khi đó, phái viên hàng đầu của Washington tại EU, bà Victoria Nuland, ngày 3/3 cho biết một sứ mệnh giám sát sẽ cho phép Nga tại Crimea "rút các binh sĩ trở lại căn cứ và thay thế họ bằng các giám sát viên độc lập".

Căng thẳng đã gia tăng tại Cộng hòa tự trị Crimea ở miền nam Ukraine kể từ khi quốc hội lật đổ Tổng thống Viktor Yanukovych hôm 22/2.

Ukraine đã cáo buộc Nga "xâm lược quân sự" Crimea, nhưng Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 4/3 khẳng định Nga chưa triển khai quân tới bán đảo này.

An Bình
Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm