1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

175 chuyên gia giục ông Biden hành động khẩn ngăn biến chủng mới xuất hiện

Đức Hoàng

(Dân trí) - Hàng trăm chuyên gia, nhà khoa học kêu gọi Tổng thống Mỹ Joe Biden hành động khẩn nhằm ngăn sự lây lan của Covid-19 trên toàn cầu, vì lo ngại biến chủng mới nguy hiểm hơn có thể xuất hiện.

175 chuyên gia giục ông Biden hành động khẩn ngăn biến chủng mới xuất hiện - 1

Tổng thống Mỹ Joe Biden (Ảnh: AFP).

Washington Post đưa tin, hơn 175 chuyên gia y tế công cộng, nhà khoa học và các nhà hoạt động ngày 10/8 đã đồng loạt ký vào thư gửi cho Tổng thống Biden, kêu gọi "ông chủ" Nhà Trắng hành động khẩn cấp để đối phó với tình trạng lây lan của Covid-19 trên toàn cầu.

Các chuyên gia cảnh báo rằng, nếu việc tiêm chủng cho nhiều cộng đồng trên thế giới không được thực hiện ngay lập tức, sẽ xuất hiện rủi ro biến chủng SARS-CoV-2 mới xuất hiện - bao gồm những chủng có khả năng kháng vắc xin.

"Chúng tôi kêu gọi ông hành động ngay lập tức. Công bố một chương trình sản xuất vắc xin đầy tham vọng trong 30 ngày tới sẽ là cách duy nhất để kiểm soát đại dịch, bảo vệ những thành quả chống dịch quý giá đã đạt được tới lúc này và xây dựng cơ sở hạ tầng vắc xin cho tương lai", lá thư gửi tới Nhà Trắng viết.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng nhắn gửi ông Biden rằng biến chủng Delta đang gây ra sự lây nhiễm bùng nổ trên toàn cầu, bao gồm châu Phi, Mỹ Latinh và châu Á, nơi nhiều người chưa được tiêm bất cứ liều vắc xin nào.

Trong khi đó, các chuyên gia nhấn mạnh Mỹ đang tích trữ hơn 55 triệu liều vắc xin mRNA và tốc độ tiêm chủng của Mỹ hiện tại là ít hơn 900.000 liều/ngày.

"Với tốc độ hiện tại, sẽ mất 2 tháng để tiêm số vắc xin vẫn còn đang cất trữ trong kho", các chuyên gia viết, đồng thời kêu gọi ông Biden nên khởi động việc phân phối hàng triệu liều vắc xin mỗi tuần.

Ngoài các chuyên gia y tế công cộng nổi tiếng, hơn 50 tổ chức cũng đã ký vào lá thư. Nhà Trắng chưa đưa ra bình luận về lá thư này.

Ngoài ra, nhóm chuyên gia đề nghị chính quyền Biden cần cam kết thiết lập năng lực sản xuất 8 tỷ liều vắc xin công nghệ mRNA mỗi năm và xuất khẩu ít nhất 40 triệu liều vắc xin mỗi tháng, cũng như hỗ trợ xây dựng các cơ sở sản xuất vắc xin trên toàn cầu.

Theo các chuyên gia, hiện có ít hơn 4% dân số châu Phi và 30% dân số châu Á đã tiêm ít nhất một liều vắc xin, trong khi tỷ lệ này ở châu Mỹ là 60%. Vấn đề mất cân bằng trong việc phân phối vắc xin đang gây nên sự bất bình đẳng trên thế giới khi tại những nước thu nhập thấp, phần lớn người dân chưa được tiếp cận với "vũ khí" quan trọng hàng đầu để chống dịch.

Trong thời gian qua, Mỹ đã hỗ trợ 110 triệu liều vắc xin cho hàng loạt các quốc gia trên thế giới. Washington cũng dự kiến sẽ chia sẻ 500 triệu liều vắc xin mRNA cho gần 100 nước thu nhập thấp và trung bình. Tổng thống Biden cũng khẳng định cam kết rằng Mỹ sẽ là "kho vũ khí vắc xin" của thế giới trong bài phát biểu hồi tuần trước.