1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

100 ngày đầu tiên của Tổng thống Pháp: Khó khăn vẫn là gam chủ đạo

(Dân trí) – Thất nghiệp cao, kinh tế suy thoái, đối ngoại thụ động là những vấn đề đè nặng lên lễ kỷ niệm 100 ngày cầm quyền đầu tiên của Tổng thống Pháp Francois Hollande, người cũng đã chính thức thừa nhận “khó khăn là gam màu chủ đạo trong những ngày đầu tiên ở điện Elyseé”.

Tổng thống Pháp Francois Hollande với bộn bề khó khăn phía trước.

Tổng thống Pháp Francois Hollande với bộn bề khó khăn phía trước.

 

Phát biểu nhân 100 ngày chính thức bước chân vào điện Elysée, Tổng thống Pháp Francois Hollande cho rằng "tuần trăng mật" của ông với các cử tri đã chấm dứt và phía trước còn đầy rẫy những khó khăn.

Theo số liệu thống kê, số người thất nghiệp ở Pháp hiện đã tăng tới mức kỉ lục, trong khi nền kinh tế có nhiều dấu hiệu suy thoái.

Chính bởi vậy mà trong kỳ nghỉ hè đầu tiên của mình trên cương vị Tổng thống Pháp, ông Hollande đã quyết định tới thăm các cảnh sát ở ngôi làng Pierrefeu-du-Var, nơi có hai nữ cảnh sát thiệt mạng trong một vụ đấu súng hồi tháng 6.

Làng Pierrefeu-du-Var nằm gần khu nghỉ dưỡng Fort de Bregancon của Tổng thống, nơi ông Hollande cùng bạn gái Valerie Trierweiller tới tận hưởng kỳ nghỉ hè từ đầu tháng 8.

Theo các quan sát viên chính trị, địa điểm mà ông Hollande lựa chọn không phải là một sự tình cờ bởi ông muốn thể hiện bản thân như là một Tổng thống biết chia sẻ những nỗi lo ngại của cử tri về tình trạng mất an ninh và rằng, ông quyết tâm thực hiện các biện pháp cứng rắn để chống lại tội ác.

Điều này cũng đã được ông thể hiện trong việc tới dự lễ truy điệu binh sỹ thứ 88 thiệt mạng tại Afghanistan, tới thăm thành phố Grenoble để động viên các nạn nhân của một vụ cướp táo tợn gần đây và hứa đưa thành phố này vào danh sách áp dụng các biện pháp an ninh nghiêm nghặt.

Tuy nhiên, đối với nhiều người dân Pháp, duy trì luật pháp và trật tự xã hội vẫn là "những điểm yếu" của Tổng thống Hollande trong chính sách đối nội.

Về chính sách đối ngoại, ông bị phe cánh hữu Liên minh vì Phong trào Nhân dân (UMP) lên án quá thụ động trước các diễn biến bạo lực ở Syria, khác hẳn so với sự “xăng xái quá mức” của cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy trong vấn đề Lybia cách đây hơn một năm. Thậm chí UMP còn không ngần ngại gọi ông Hollande là “nhà lãnh đạo hèn nhát” vì không có đủ sự quyết đoán cũng như khả năng thực hiện những hành động cứng rắn như người tiền nhiệm đã từng làm.

Báo giới Pháp cũng tỏ ra hoài nghi về năng lực của ông Hollande.

Tờ báo có nhiều ảnh hưởng Le Monde (Thế giới) cho chạy dòng tít: "Sau 100 ngày, Tổng thống Hollande chưa chứng minh được khả năng lãnh đạo".

Tờ Libération (Tự do) cũng đăng bài phân tích tâm lý e ngại của cử tri Pháp về việc chính quyền mới có đủ năng lực đối đầu với những khó khăn phía trước.

"Người Pháp vẫn đang trầy chật để nhận biết Francois Hollande và người của ông ấy đang dẫn đất nước đi đâu", tờ báo viết.

Theo kết quả các cuộc thăm dò ý kiến do báo Le Figaro thực hiện cuối tuần trước, khoảng 54% cử tri được hỏi cho biết họ không mấy hài lòng về những gì mà Tổng thống đã thể hiện. Bên cạnh đó, cũng có tới 51% số người tham gia cho rằng mọi chuyện đi theo chiều hướng xấu hơn kể từ khi ông Hollande đắc cử.

Cử tri Pháp cho rằng ông Hollande đang ở vào thế “tiến thoái lưỡng nan” trong việc hiện thực hóa các cam kết bầu cử, trong đó đáng chú ý nhất là lời hứa khôi phục độ tuổi nghỉ hưu 60 cho những lao động có cống hiến lâu dài và việc đẩy nhanh kế hoạch rút toàn bộ binh lính Pháp từ Afghanistan về nước.

Tuy nhiên không phải tất cả các cuộc thăm dò ý kiến đều có kết quả tiêu cực.

Cuộc thăm dò ý kiến khác do nhật báo Dimanche (Chủ nhật) tiến hành đầu tháng này cho thấy đương kim Tổng thống Pháp đang đứng thứ 15 trong bảng xếp hạng các nhân vật được yêu thích nhất tại Pháp. Mặc dù đứng sau những cái tên như cựu ngôi sao quần vợt Yannick Noah và huyền thoại bóng đá Zinedine Zidane, song Tổng thống Holande có thể được an ủi phần nào bởi ông là chính trị gia duy nhất nằm trong top 50.

Thành tích đó có lẽ là phần thưởng lớn nhất mà người dân xứ sở “Gà trống Golois” tặng cho “ngài bình dân” của mình sau những việc mà ông Hollande và chính phủ của ông đã cố gắng làm được trong quãng thời gian 100 ngày ngắn ngủi vừa qua. Bởi, trong bối cảnh quá khó khăn cả về kinh tế và xã hội hiện nay, những gì mà  ông Hollande và chính phủ của ông làm được, dù chưa nhiều, những cũng đủ để cử tri Pháp tạm hài lòng về ông và tin tưởng vào con đường mà ông sẽ tiếp tục lựa chọn.

Đức Vũ