10 xu hướng, sự kiện đáng dõi theo năm 2018
Sự đấu tranh giữa quan điểm “thế giới đóng” và “thế giới mở”; bầu cử tại Nga, Mỹ La Tinh và bầu cử giữa kỳ tại Mỹ; thế vận hội mùa đông ở Hàn Quốc và World Cup tại Nga; các cuộc thám hiểm mới ngoài vũ trụ và trên biển…là những xu hướng và sự kiện đáng dõi theo trong năm 2018.
1. “Chủ nghĩa Trump” và “Chủ nghĩa Macron”:
Năm 2018, thế giới sẽ chứng kiến cuộc đấu tranh giữa quan điểm “thế giới đóng” và “thế giới mở”. Trong khi Tổng thống Mỹ D.Trump tập trung vào chương trình nghị sự hướng nội “Nước Mỹ là trên hết”, sẵn sàng hành động đơn phương và chấp nhận tách khỏi các thiết chế đa phương thì Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cam kết tiến hành khế ước xã hội kiểu mới thiên về ủng hộ toàn cầu hóa và mở cửa thị trường.
Khế ước này một mặt thúc đẩy cạnh tranh và tinh thần khởi nghiệp, mặt khác bảo vệ người lao động chịu thiệt thòi. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có thể nổi lên như một “Teddy Roosevelt hiện đại”. Teddy Roosevelt là Tổng thống Mỹ thứ 26 có nhiều hành động hướng tới “thế giới mở” như: cải cách chống độc quyền, đưa nước Mỹ thoát khỏi chủ nghĩa biệt lập và đẩy mạnh sự can dự của Mỹ trên phạm vi toàn cầu.
2. Những cuộc bầu cử quan trọng:
Bầu cử Tổng thống Nga, bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ, các cuộc bầu cử ở khu vực Mỹ La Tinh…được dự báo có tác động lớn tới bức tranh chính trị quốc tế năm 2018. Bầu cử Tổng thống Nga dự kiến diễn ra vào tháng 3/2018 được cả thế giới quan tâm theo dõi bởi ở Nga mỗi lần thay đổi lãnh đạo thường dẫn theo thay đổi phương hướng chiến lược phát triển đất nước cũng như đường lối đối ngoại. Tuy nhiên, cuộc bầu cử này nhiều khả năng sẽ mang lại chiến thắng thêm một nhiệm kỳ cho Tổng thống Nga V.Putin, bởi cử tri Nga cần sự ổn định và vẫn tín nhiệm cao ông Putin.
Tại Mỹ, cuộc bầu cử giữa kỳ còn 11 tháng nữa mới diễn ra, song nếu đảng Dân chủ đối lập giành được nhiều ghế hơn trong Hạ viện thì nhiều dự luật do đảng Cộng hòa của Tổng thống D.Trump sẽ khó được thông qua và tình hình chính trị tại Washington cũng như cả thế giới chắc chắc có biến động nhất định. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra bởi lịch sử cho thấy các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ thường không mang lại kết quả tích cực cho đảng của Tổng thống đương nhiệm, trong khi tín nhiệm của Tổng thống Trump đang ở mức khá thấp.
Bầu cử Quốc hội Cuba là sự kiện chính trị quan trọng tại Mỹ La Tinh năm tới, do nó đánh dấu sự chuyển giao quyền lực cho một thế hệ lãnh đạo mới trong Chính phủ Cuba. Chủ tịch Cuba Raul Castro dự kiến từ nhiệm vào tháng 4/2018, sau khi diễn ra cuộc bầu cử cùng tháng để chọn ra người kế nhiệm ông với nhiệm vụ bảo vệ thành quả cách mạng và giữ vững mức tăng trưởng kinh tế của Cuba. Ngoài ra, tại Mỹ La Tinh còn diễn ra các cuộc bầu cử quan trọng ở Mexico và Brazil.
Tại châu Âu, kết quả cuộc tổng tuyển cử Italia vào tháng 5/2018 có ý nghĩa rất quan trọng với nền kinh tế khu vực và thị trường chứng khoán, cũng như chính sách nhập cư với người tị nạn mà quốc gia này đang ban hành. Nó có khả năng gây “chấn động” nếu Đảng Phong trào 5 sao của chính trị gia Luigi Di Maio, 31 tuổi, đắc cử. Đảng này hoạt động theo tôn chỉ “hoài nghi châu Âu”, với hệ tư tưởng không ủng hộ Liên minh châu Âu (EU) và đồng tiền chung EUR. Người sáng lập Đảng Phong trào 5 sao Beppe Grillo từng ủng hộ trưng cầu dân ý để Italia rời khỏi EU. Tại Đông Nam Á, 02 cuộc bầu cử được trông đợi nhất là tổng tuyển cử Campuchia (tháng 7/2018) và bầu cử Thái Lan (tháng 11/2018).
3. Quyết định ngoại giao toàn cầu:
Năm 2018 sẽ là thời điểm quan trọng để các quốc gia đưa ra những quyết định ngoại giao mang tính toàn cầu liên quan tới đàm phán về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit), đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và vấn đề hạt nhân Triều Tiên. EU đặt ra mục tiêu hoàn tất đàm phán về Brexit với Anh trước tháng 10/2018. Tuy nhiên, tiến trình đàm phán có thể phức tạp hơn bao giờ hết một khi chủ nghĩa dân túy trỗi dậy mạnh mẽ.
Trong khi đó, đàm phán NAFTA sẽ phải “vắt” từ năm 2017 sang năm 2018 và dư luận đang chờ xem liệu NAFTA có thể “sống sót” trước những động thái tăng cường chủ nghĩa bảo hộ của chính quyền Tổng thống Mỹ D.Trump hay không? Ông Trump đã từng coi NAFTA là “thảm họa” của nước Mỹ và cam kết sẽ rút khỏi thỏa thuận này.
Quan trọng hơn cả, thế giới năm 2018 sẽ “nín thở” chờ xem Tổng thống D.Trump sẽ hành động gì để ngăn chặn mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên. Một số chuyên gia dự báo chính quyền Tổng thống D.Trump sẽ mạnh tay xử lý Triều Tiên, thậm chí bằng các biện pháp quân sự sau Thế vận hội mùa đông (tháng 2/2018) được tổ chức tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, Bộ Thống nhất Hàn Quốc lại dự đoán Triều Tiên sẽ sớm tìm cách đàm phán với Mỹ trong năm 2018.
4. Kinh tế toàn cầu tăng trưởng lạc quan:
Sang năm 2018, kinh tế toàn cầu được dự báo tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khả quan nhờ nhờ triển vọng phục hồi mạnh mẽ trong khu vực sản xuất của một số nền kinh tế lớn, sự gia tăng của giá cả hàng hóa thế giới trong khả năng kiểm soát thúc đẩy tiêu dùng tăng lên tại nhiều quốc gia, những diễn biến tích cực của thương mại toàn cầu và tác động tích cực từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Hầu hết các tổ chức quốc tế đều đưa ra mức dự báo tăng trưởng tích cực hơn cho kinh tế thế giới năm tới, cụ thể: Liên hợp quốc nhận định kinh tế thế giới dự kiến vẫn ổn định trong 2 năm tới sau khi đạt mức tăng trưởng 3% trong năm 2017; IMF dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu đạt 3,7% năm 2018, cao hơn 0,1% so với mức tăng trưởng năm 2017; WB dự báo con số này là 3%, cao hơn mức tăng 2,7% của năm 2017; Goldman Sachs Group Inc. và Barcalays PLC dự báo kinh tế thế giới tăng tới 4% năm 2018, mức tăng cao nhất từ năm 2011 và cao hơn mức tăng 3,7% năm 2017; các ngân hàng lớn cũng lần lượt dự báo: JPMorgan Chase & Co. (3,7%); Morgan Stanley (3,7%); Citigroup Inc. (3,4%); Societe Generale SA (3,7%); UBS Group AG (3,8%).
Tuy nhiên, một số rủi ro có thể tác động đến đà phục hồi của kinh tế thế giới năm nay như: hậu quả của đàm phán kéo dài về Brexit tác động đến kinh tế châu Âu; làn sóng chủ nghĩa bảo hộ chưa lắng dịu; các xung đột chính trị, quân sự có thể bùng phát tại bán đảo Triều Tiên, vùng Vịnh, sườn nam NATO.. .
5. Hai cuộc ganh đua thể thao:
Năm 2018, người hâm mộ thể thao tại nhiều quốc gia sẽ hướng sự chú ý tới 02 sự kiện thể thao quy mô toàn cầu: Thế vận hội mùa đông tại Pyeongchang, Hàn Quốc (tháng 2/2018) và World Cup tại Nga (tháng 6 và 7/2018). Thế vận hội mùa đông 2018 sẽ đi vào lịch sử với những sự kiện “lần đầu”: những nước tham dự lần đầu tiên gồm Ecuador, Malaysia, Nigeria, Singapore…; lần đầu tiên nước chủ nhà cung cấp công nghệ mạng 5G và sử dụng các robot, camera hiện đại phục vụ nhu cầu thông tin của những người tham gia.
Trong khi đó, World Cup 2018 là World Cup đầu tiên được tổ chức tại một quốc gia thuộc Đông Âu và cũng là lần đầu tiên được tổ chức tại một quốc gia thuộc Liên Xô cũ. Đây là lần đầu tiên sau 60 năm, Italia vắng mặt tại một Vòng chung kết World Cup; trong khi lần đầu tiên trong lịch sử có 04 đội khu vực khối Ả Rập cùng dự một kỳ World Cup là Ai Cập, Saudi Arabia, Tunisia và Morocco. Một số nhà bình luận quốc tế cho rằng, cả 02 sự kiện trên là cạnh tranh thể thao kèm cạnh tranh ngoại giao, chính trị, bởi Thế vận hội mùa đông diễn ra bên “miệng hố chiến tranh hạt nhân Triều Tiên” và World Cup 2018 diễn ra trong thời điểm nhạy cảm trong quan hệ giữa Nga với phương Tây.
6. Những cuộc thám hiểm mới:
Tập đoàn công nghệ không gian Space X của tỷ phú Elon Musk dự kiến sẽ phối hợp với Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) dùng tàu vũ trụ đưa du khách dạo một vòng quanh Mặt Trăng vào cuối năm 2018. Ít nhất 02 du khách đã đặt cọc cho chuyến đi này. Đây là cơ hội để con người lần đầu tiên trở lại vũ trụ rộng lớn sau 45 năm.
Trong khi đó, công ty khởi nghiệp Moon Express tại thung lũng Silicon Valley (Mỹ) cũng đang chuẩn bị cho sứ mệnh chinh phục Mặt trăng đầu tiên trên thế giới do tư nhân tiến hành, phá vỡ đặc quyền của các phi hành gia. Công ty này có kế hoạch năm 2018 sẽ phóng tàu vũ trụ đưa thiết bị lên Mặt trăng và khai thác khoáng sản.
Trên biển, xu hướng khai thác đáy biển với những thiết bị khổng lồ sẽ được minh chứng với việc “tàu”Prelude FLNG đi vào hoạt động. Trông như một con tàu nhưng đây thực ra là cơ sở đựng khí đốt tự nhiên hóa lỏng của tập đoàn dầu khí Shell. Dài 488 m, Prelude FLNG là "tàu" lớn nhất thế giới với boong dài hơn 4 sân bóng đá và bể chứa có thể lấp đầy 175 hồ bơi Olympic. Ngoài ra, chiều rộng tàu tương đương cánh của máy bay Boeing 747. Khi hoạt động hết công suất, “tàu” Prelude FLNG thu được ít nhất 5,3 triệu tấn dầu/năm; trọng lượng khi đầy tải của “tàu” là 600.000 tấn, bằng 6 lần tàu siêu sân bay USS George Washington.
Hiện nay thiết bị nổi nằm ở khu khai thác khí Prelude của hãng, hơn 200 km về phía bắc ngoài khơi bờ biển Tây Úc. Dưới đáy đại dương, từ tháng 5/ 2018, tour khám phá tàu Titanic của công ty lữ hành Blue Marbele Private sẽ bắt đầu phục vụ du khách với giá vé ‘khủng’ 100.000 USD, tương đương với hơn 2,2 tỷ đồng. Từ 2018, du khách lần đầu tiên có thể từ Arghentina tới Nam Cực trên những chuyến bay thương mại đều đặn 1-2 lần/tuần, thay vì phải chờ những chuyến bay charter flight (thuê bao dành riêng cho du khách của một hãng lữ hành). Với sự kiện này, dự báo lượng khách đến Nam Cực sẽ tăng mạnh.
7. Sự kiện của Hoàng gia Anh:
Tháng 5/2018, dự kiến đám cưới của Hoàng tử Harry - con trai của Hoàng tử xứ Wales Charles và Công nương Diana quá cố, đồng thời là cháu thứ 4 của Nữ hoàng Elizabeth II - và nữ diễn viên Mỹ Meghan Marke sẽ diễn ra tại Nhà nguyện Thánh George thuộc lâu đài Windsor, Tây London. Danh sách khách mời do Điện Buckingham quyết định được dự đoán là sự kết hợp thú vị giữa tầng lớp quý tộc của nhà trai và những người bạn trong làng giải trí bên nhà gái. Hôn lễ dự kiến sẽ được phát sóng trực tiếp và có thể lập kỷ lục với lượng người theo dõi trên sóng truyền hình. Trước đó, đám cưới của công nương Kate và hoàng tử William từng thu hút khoảng 2 tỷ người khắp thế giới theo dõi vào năm 2011.
Hoàng gia Anh sẽ đón nhận thêm một tin vui khi công nương Kate – vợ Hoàng tử William – sinh hạ em bé thứ ba vào tháng 4 hoặc tháng 5/2018. Theo quy định, em bé tương lai này sẽ đứng thứ 5 trong danh sách kế vị ngai vàng của Hoàng gia Anh, sau ông nội là Thái tử Charles, cha là Hoàng tử William, anh George 4 tuổi và chị Charlotte 2 tuổi, đồng thời đẩy Hoàng tử Harry xuống vị trí thứ 6. Một lần nữa người dân nước Anh thỏa sức tưởng tượng, dự đoán và nhộn nhịp vung tiền đặt cược về tên, cân nặng, màu tóc…của em bé Hoàng gia.
Theo Reuters, chế độ quân chủ Anh đang nhận được làn sóng ủng hộ của công chúng trong những năm gần đây do sự xuất hiện của các thành viên hoàng gia trẻ, gồm Hoàng tử William và vợ Kate, cùng Hoàng tử Harry.
8. Áp lực lên những “gã khổng lồ công nghệ”:
Những năm tháng vô tư với tăng trưởng không bị quản lý, không bị đánh thuế của các “gã khổng lồ công nghệ” như Facebook, Google và Amazon sắp kết thúc. Trong năm 2018, một số chính phủ, nhất là tại Mỹ và châu Âu, sẽ gia tăng áp lực lên các “gã khổng lồ công nghệ” với những mức phạt, quy định và luật lệ cạnh tranh, chống độc quyền chặt chẽ hơn. Các công ty này sẽ phải minh bạch hơn về nguồn gốc cũng như tính chính xác của các nội dung trực tuyến.
Tại Anh, Ủy ban Các tiêu chuẩn Đời sống xã hội đã hối thúc Thủ tướng Anh ủng hộ các quy định luật pháp để "chuyển cán cân trách nhiệm pháp lý cho những nội dung bất hợp pháp sang cho các công ty truyền thông xã hội". Đức đã ban hành luật yêu các mạng xã hội phải gỡ bỏ ngay những phát ngôn thù ghét, nếu không họ sẽ phải đối mặt với các khoản phạt.
Ở Mỹ, những hoạt động gây ảnh hưởng tới cuộc bầu cử Tổng thống 2016 đã thúc đẩy việc giám sát hoạt động bán quảng cáo của Facebook và làm xuất hiện yêu cầu tăng minh bạch. Thuế là một lĩnh vực khác mà các nhà quản lý, đặc biệt là ở châu Âu, sẽ tập trung nhắm tới trong năm 2018. Năm 2017, các nền kinh tế hàng đầu châu Âu, dẫn đầu Pháp, Đức, Italia và Tây Ban Nha, đã kêu gọi áp thuế doanh thu lên các công ty công nghệ Mỹ để bù đắp lại việc trốn thuế của họ.
9. Những kỷ lục ở châu Á:
Năm nay có thể chứng kiến sự vô địch của một số quốc gia châu Á trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Về kinh tế, Bhutan được dự báo sẽ có chỉ số tăng trưởng cao nhất châu Á (ADB dự báo kinh tế Bhutan tăng trưởng tới 9,9% trong năm 2018).
Hơn sáu thập kỷ qua, Bhutan đã đi theo chính sách phát triển lấy chỉ số Tổng Hạnh phúc quốc gia - Gross National Happiness (GNH) làm trọng tâm. Giờ đây, nước này cũng hướng các doanh nghiệp phát triển theo chính sách như vậy. Năm 2018, Bhutan sẽ giới thiệu một sáng kiến đầy tham vọng, theo đó áp dụng Công cụ Chứng nhận GNH cho các doanh nghiệp, dựa trên GNH. Công cụ này bao gồm một bộ chỉ số được xếp vào 9 nhóm lĩnh vực của GNH bao gồm các tác động đến người lao động, người tiêu dùng, cộng đồng địa phương và đến chính công ty. Thông tin về 4 trong số 9 lĩnh vực này (sức khoẻ tinh thần, sức khoẻ thể chất, quản lý thời gian và giáo dục) sẽ được thu thập từ tất cả các nhân viên của công ty.
Với công cụ GNH, tầm nhìn của Bhutan đối với các doanh nghiệp trong việc đảm bảo một xã hội thịnh vượng và hạnh phúc là hoàn toàn có tính thực tiễn. Trong lĩnh vực văn hóa, Trung Quốc có thể vượt Italia để trở thành quốc gia có số lượng di sản được UNESCO công nhận Di sản thế giới nhiều nhất hành tinh.
Tính đến năm 2017, Trung Quốc đã có 52 di sản được UNESCO công nhận, ngang hàng với Italia. Tại bang Gujarat, Ấn Độ, chính quyền sẽ hoàn thành bức tượng đài cao nhất thế giới, được khởi công từ tháng 11/2013. Đây chính là “Tượng đài Đoàn kết”, một đài tưởng niệm dành cho ông Sardar Vallabhbhai Patel – người anh hùng của phong trào độc lập, còn được biết đến là "Người đàn ông sắt" hay "Thiết giáp hạm Bismarck" của Ấn Độ. Với chiều cao 182 mét, tượng đài này cao gấp đôi Tượng Nữ thần Tự do ở New York.
10.Từ khóa của năm : “Supercalifragilisticexpialidocious”
“Supercalifragilisticexpialidocious” (tương đương từ “Wonderful” có nghĩa là vô cùng, tuyệt vời) có thể là từ khóa được tìm kiếm nhiều trong năm 2018. Từ vựng dài dằng dặc này là tên một bài hát trong phim nhạc kịch nổi tiếng Mary Poppins của hãng Walt Disney (ra đời năm 1964) và đã được đưa vào từ điển sau khi phim trình chiếu.
Hình ảnh Mary Poppins – một cô giữ trẻ có phép thuật - do nữ diễn viên đoạt Oscar Julie Andrews thủ vai bay bằng chiếc ô của cô đã trở thành kinh điển, còn những bài hát trong phim cũng trở nên quen thuộc với trẻ em nhiều thế hệ khắp thế giới. Mùa Giáng sinh 2018, Mary Poppins Return – phần tiếp theo của Mary Poppins – hứa hẹn trở thành “bom tấn”, với sự hóa thân của Emily Blunt – “viên ngọc quý” của nước Anh ở Hollywood. Vẫn xoay quanh chuyện về cô bảo mẫu Mary Poppins, bộ phim sẽ lấy bối cảnh diễn ra ở London trong thời đại suy thoái. Ngoài ra, năm 2018 còn mang đến hàng loạt các bom tấn điện ảnh "phải xem" như: "The Avengers: Infinity War", "Deadpool 2", "Jurassic World: Fallen Kingdom", “Black Panther”, “Ant-Man and The Wasp”…
Theo Thùy Dương - Võ Duy
Tiền phong