1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

10 tiết lộ ngoại giao gây sốc nhất của WikiLeaks

(Dân trí) - Việc WikiLeaks tiết lộ hơn 250.000 trang tài liệu ngoại giao mật của Mỹ mới đây đã cho thấy cái nhìn khá “thô ráp” về thế giới ngoại giao ngầm.

 
10 tiết lộ ngoại giao gây sốc nhất của WikiLeaks - 1
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton lên án tiết lộ của WikiLeaks là "đòn tấn công vào cộng đồng quốc tế". .

 

Dưới đây là 10 tiết lộ đáng chú ý nhất trong đợt tiết lộ mới nhất các tài liệu mật của WikiLeaks. Chúng có thể làm phức tạp thêm mối quan hệ giữa Mỹ với các nước bạn cũng như thù.

 

1. Nhiều quốc gia Trung Đông lo ngại về chương trình hạt nhân của Iran hơn nhiều những gì họ chứng tỏ bên ngoài. Theo thông tin được WikiLeaks tiết lộ, Vua Abdullah của Ả rập Xê út đã nhiều lần yêu cầu Mỹ “cắt cái đầu rắn” – có nghĩa là có vẻ như đánh bom chương trình hạt nhân của Iran. Các lãnh đạo Qatar, Jordan, Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất và các quốc gia khác ở Trung Đông cũng bày tỏ quan điểm tương tự.

 

2. Đại sứ Mỹ tại Seoul báo cáo với Washington hồi tháng 2 rằng những hợp đồng kinh doanh hợp lý có thể khiến Trung Quốc ưng thuận với một bán đảo Triều Tiên thống nhất. Giới chức Mỹ và Hàn Quốc cũng đã thảo luận về một sự tái hợp nhất trong trường hợp Triều Tiên sụp đổ dưới gánh nặng của các vấn đề kinh tế, chính trị.

 

3. Chính quyền Obama đã đưa ra các món mua chuộc để khiến các nước khác nhận tù nhân Guantanamo, như một phần trong nỗ lực (dù chưa thành công) nhằm đóng cửa nhà tù tai tiếng này. Ví dụ, Slovenia, đã được đề nghị một cuộc gặp với Tổng thống Obama, trong khi quốc đảo Kiribati được đề nghị các khoản kích lệ trị giá hàng triệu USD.

 

4. Phó Tổng thống Afghanistan Ahmed Zia Massoud đã nhận 52 triệu USD tiền mặt khi ông tới thăm Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất vào năm ngoái. Chính phủ Afghanistan đã hứng chịu nhiều cáo buộc tham nhũng. Tuy nhiên ông Massoud khẳng định nhận tiền không vì mục đích cá nhân, mà vì đất nước.

 

5. Mỹ đã và đang nỗ lực làm việc để loại bỏ urani đã được làm giàu ở cấp độ cao khỏi một lò phản ứng hạt nhân của Pakistan, do lo ngại nó có thể được dùng để phát triển một thiết bị hạt nhân trái phép. Nỗ lực bắt đầu vào năm 2007 và vẫn đang được tiếp tục.

 

6. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã yêu cầu các nhà ngoại giao thu thập thông tin về các ngoại trưởng nước ngoài. Tài liệu được tiết lộ trên WikiLeaks còn cho thấy bà Clinton cũng có thể đã yêu cầu các nhà ngoại giao thu thập thông tin tình báo về kế hoạch của Tổng thư ký Liên hợp Quốc Ban Ki-moon đối với Iran, thông tin về Sudan (trong đó có Darfur), Afghanistan, Pakistan, Somalia, Iran và Triều Tiên. 

 

7. Bộ Ngoại giao Mỹ xếp Qatar là quốc gia yếu kém nhất trong khu vực trong nỗ lực chống khủng bố. Dịch vụ an ninh của nước này “không phản ứng được với bọn khủng bố do lo ngại bị xem là sát cánh cùng Mỹ và sợ bị trả thù”.

 

8. Cũng theo tài liệu tiết lộ của WikiLeaks, Thủ tướng Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi thân thiết hơn trước đây rất nhiều. Ông Putin đã tặng ông Berlusconi “những món quà quý giá” cùng những hợp đồng năng lượng lớn. Ngược lại, ông Berlusconi “có vẻ như ngày càng là người đại diện cho ông Putin” tại châu Âu.

 

9. Hezbollah tiếp tục được Syria bảo trợ về vũ khí. Một tuần sau khi Tổng thống Syria Bashar Assad cam kết với Mỹ sẽ không gửi vũ khí “mới” cho nhóm chiến binh Li-băng này, Mỹ cho biết họ có thông tin chứng tỏ Syria đang tiếp tục cung cấp cho Hezbollah vũ khí ngày càng tinh vi hơn.

 

10. Một số tiết lộ cho thấy quan điểm của Mỹ, mang rất ít tính chất ngoại giao, về các nhà lãnh đạo nước ngoài. Ví dụ Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai “bị hoang tưởng” hay Thủ tướng Đức Angela Merkel “hiếm khi sáng tạo”, hoặc nhà lãnh đạo Libya Moammar Gadhafi đi với một y tá Ukraine “tóc vàng khêu gợi”.

 

Phan Anh

Theo AP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm