Chân dung nghi phạm cung cấp các tài liệu mật cho WikiLeaks
(Dân trí) - Binh sĩ Mỹ Bradley Manning, sinh năm 1987, được coi là nghi phạm chính cung cấp các tài liệu mật cho trang web WikiLeaks, tạo nên một “cơn địa chấn” trong dư luận thế giới. Hiện Manning đang bị giam giữ tại một căn cứ quân sự ở Quantico, bang Virginia.
Chân dung Binh nhất Bradley Manning.
Bradley Manning, 23 tuổi, gia nhập quân đội Mỹ năm 2007 và trở thành chuyên viên phân tích tình báo tại Iraq. Binh sĩ này đã sao chép các tài liệu mật tại căn cứ căn cứ chiến đấu Hammer, cách Baghdad, Iraq khoảng 65km về phía đông.
Manning sống ở Anh cho tới năm13 rồi trở về Mỹ sống cùng cha khi đang học lớp 6. Các bạn bè cùng lớp từng miêu tả Manning là “chuyên gia máy tính” vì rất đam mê tin học.
Manning gia nhập quân đội Mỹ năm 2007 và trở thành nhà phân tích tình báo, đóng quân tại Iraq. Sau khi tới Iraq, binh sĩ trẻ - một người đồng tính, đã phàn nàn về cảm giác “cô đơn” khi sống trong môi trường quân đội.
Trong khi dành thời gian khoảng 14 tiếng mỗi ngày để tìm kiếm các thông tin mật của Mỹ, Manning được tin là ngày càng bất mãn với chính sách ngoại giao của Mỹ, từng miêu tả “tình báo quân đội” là “phép nghịch hợp” (dùng để chỉ những cụm từ được hợp thành bởi các từ có ý nghĩa đối nghịch).
Manning được tin là đã tìm kiếm và liên lạc với Adrian Lamo, một cựu hacker máy tính nổi tiếng tại Mỹ, người mà binh sĩ trẻ nghĩ rằng có thể giúp anh ta đánh cắp các thông tin mật.
Nhưng Lamo đã cảnh báo giới chức Mỹ và cung cấp cho họ hàng loạt liên lạc qua mạng giữa 2 người.
Manning nói với Lamo rằng anh ta đã tìm thấy “những điều kinh khủng và không thể tin được” trên một tên miền công cộng chứ không phải trên một tên miền lưu trữ trong một phòng bí mật ở Washington, DC. Manning còn khoe rằng anh ta đã sử dụng những chiếc đĩa CD trắng để tải các tài liệu mật trong lúc đang giả vờ nghe các bài hát của ca sĩ Lady Gaga.
Công việc của Manning cho phép anh ta được phép truy cập Hệ thống bảo mật thông tin tình báo SIPRNET mà các quân nhân Mỹ, các nhân viên dân sự và nhà thầu tư nhân sử dụng. Tuy nhiên, các nhân viên điều tra đang xác định xem liệu Manning có được sự trợ giúp từ bên trong quân đội hay các dân thường hay không.
Cựu hacker Lamo khẳng định Manning đã nói với anh rằng Manning biết ít nhất một người trong quân đội đã truy cập vào hệ thống dữ liệu mật mà không được phép.
Hồi tháng 4, WikiLeaks đã tung ra các video rò rỉ về các cuộc tấn công bằng trực thăng Apache của Mỹ năm 2007, làm 2 nhà báo của hãng thông tấn Reuters tại Iraq thiệt mạng.
Manning bị bắt hồi tháng 5 với các tội danh truyền thông tin mật và thông tin quốc phòng quốc gia cho một nguồn không hợp pháp. Hình phạt tối đa cho 2 tội danh này là 52 năm tù giam.
Sau khi WikiLeaks công bố hàng trăm nghìn dữ liệu về các cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan, Lầu Năm Góc miêu tả Manning là “kẻ tình nghi” trong cuộc tìm kiếm thủ phạm làm rò rỉ các tài liệu mật.
WikiLeaks từ chối xác nhận sự tham gia của Manning trong các vụ rò rỉ.
Hai tuần trước, thành viên của một nhóm ủng hộ Manning khẳng định binh sĩ này bị FBI bắt giữ tại sân bay quốc tế O’Hare ở Chicago. Theo thành viên này, Manning đã bị thẩm vấn rất gắt gao và máy tính của anh đã bị tịch thu.
An Bình
Tổng hợp