1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

10 sự kiện lớn tác động tới an ninh châu Á năm 2016

(Dân trí) - Châu Á, khu vực phát triển năng động của thế giới, năm 2016 đã chứng kiến nhiều sự kiện lớn, tác động tới bức tranh an ninh và chính trị toàn khu vực.

Tòa trọng tài bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc


Ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang tiến hành xây dựng các công trình phi pháp trên một đảo nhân tạo ở Biển Đông - Ảnh: IHS Jane’s

Ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang tiến hành xây dựng các công trình phi pháp trên một đảo nhân tạo ở Biển Đông - Ảnh: IHS Jane’s

Yêu sách phi lý của Trung Quốc đối với chủ quyền của hầu hết Biển Đông đã gây làn sóng phản đối giữ dội trong và ngoài khu vực. Ngày 12/7, Tòa trọng tài theo Phụ lục VII Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 ở La Hay, Hà Lan đã ra phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc về Biển Đông. Phán quyết của tòa khẳng định yêu sách của Trung Quốc về “các quyền lịch sử” đối với các vùng biển nằm trong “đường chín đoạn” là trái với Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS); Trung Quốc không có “tư cách lịch sử” đối với các vùng biển ở Biển Đông và không có cơ sở pháp lý để đưa ra những tuyên bố về “các quyền lịch sử” đối với những nguồn tài nguyên trong “đường chín đoạn”.

Trong khi phán quyết trên được các nước trên thế giới hoan nghênh, Trung Quốc lại bác bỏ và tiếp tục có những hoạt động gia tăng căng thẳng ở vùng biển này: đưa tàu du lịch vào khai thác chặng tham quan Hoàng Sa; tập trận trên Biển Đông, điều tiêm kích và máy bay ném bom “tuần tra” gần quần đảo Trường Sa. Các hành động làm gia tăng căng thẳng của Bắc Kinh đã bị thế giới lên án mạnh mẽ, với việc Mỹ, Nhật tuyên bố quyết chống lại sự bành trướng của Trung Quốc.

Cuộc chuyển giao chính quyền lịch sử tại Myanmar


Tổng thống Htin Kyaw và bà Aung San Suu Kyi (Ảnh: Xinhua)

Tổng thống Htin Kyaw và bà Aung San Suu Kyi (Ảnh: Xinhua)

Ngày 1/4, Tổng thống Htin Kyaw, thuộc Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD), chính thức lên nắm quyền điều hành đất nước Myanmar. Đây là vị tổng thống dân cử đầu tiên của Myanmar kể từ năm 1962, đánh dấu một bước tiến lớn của tiến trình dân chủ hóa từ một chính thể do giới quân sự cầm quyền sang lãnh đạo dân sự. Còn bà Aung San Suu Kyi, lãnh đạo NLD, trở thành Cố vấn nhà nước, Ngoại trưởng Myanmar. Các diễn biến này mang nhiều ý nghĩa lớn, góp phần làm tăng thêm uy tín và vị thế của nước này trên trường quốc tế.

Giới phân tích cho rằng, với nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào cộng với vị trí địa chiến lược thuận lợi, Myanmar đang đứng trước những vận hội chưa từng có để phát triển đất nước và hòa nhập cộng đồng quốc tế sau những cải cách vượt bậc. Có những dự đoán về một "con hổ Châu Á" sẽ được đánh thức tại vùng đất đầy tiềm năng này, góp phần hình thành một cộng đồng ASEAN ổn định và thịnh vượng.

Nhà Vua Thái Lan Bhumibol Abdulyadej qua đời


Nhà Vua Thái Lan Bhumibol Abdulyadej (Ảnh: IBtimes)

Nhà Vua Thái Lan Bhumibol Abdulyadej (Ảnh: IBtimes)

Nhà Vua Thái Lan Bhumibol Abdulyadej đã qua đời ngày 13/10 ở tuổi 88 tuổi. Nhà Vua Bhumibol Abdulyadej chính thức đăng quang vào năm 1950, là vị vua trị vì lâu nhất thế giới. Theo Luật kế vị Hoàng gia, Hoàng Thái tử Maha Vajralongkorn là người kế vị ngai vàng Thái Lan.

Nhà Vua Bhumibol Abdulyadej là một trong những vị vua được yêu mến nhất lịch sử Thái Lan nhờ hơn 2.000 dự án về phát triển làm thay đổi cuộc sống hàng triệu nông dân nghèo. Ông cũng được xem là biểu tượng của sự đoàn kết đất nước, do vậy sự ra đi của ông là một mất mát lớn với người dân Thái Lan, đặc biệt ở thời điểm chính trường nước này được dự báo có nhiều thay đổi.

Tổng thống Hàn Quốc bị đình chỉ quyền lực


Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye (Ảnh: AFP)

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye (Ảnh: AFP)

Chính trường Hàn Quốc năm 2016 rúng động với vụ bê bối của Tổng thống Park Geun-hye. Trong 2 tháng liên tiếp kể từ cuối tháng 10, các cuộc biểu tình rầm rộ đã nổ ra tại Hàn Quốc nhằm phản đối việc bà Park đã để một người bạn thân can thiệp vào các vấn đề quan trọng của đất nước. Quốc hội Hàn Quốc sau đó đã bỏ phiếu đình chỉ quyền lực của bà Park liên quan đến vụ bê bối.

Vụ bê bối, được coi là nghiêm trọng nhất trong lịch sử hơn 70 năm của Hàn Quốc, diễn ra trong bối cảnh các chỉ số kinh tế chính là tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu của nước này đều đang rơi vào tình trạng tăng trưởng âm. Các chuyên gia kinh tế lo ngại căng thẳng chính trị leo thang có thể đe dọa làm chậm đà hồi phục của nền kinh tế Hàn Quốc. Tương lai chính trị bấp bênh của Tổng thống Park Geun-hye có thể đồng nghĩa với việc Hàn Quốc sẽ không thể thực hiện được một số sáng kiến chiến lược và điều này sẽ tác động nghiêm trọng đến Hàn Quốc cũng như hợp tác ba bên với Nhật Bản và Mỹ.

Triều Tiên lần đầu thử bom nhiệt hạch


Người dân Hàn Quốc theo dõi tin tức về vụ thử nghiệm bom nhiệt hạch của Triều Tiên (Ảnh: AFP)

Người dân Hàn Quốc theo dõi tin tức về vụ thử nghiệm bom nhiệt hạch của Triều Tiên (Ảnh: AFP)

Ngày 6/1, Triều Tiên tuyên bố đã lần đầu tiên thử thành công bom nhiệt hạch. Tiếp đó, đến tháng 9, Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 5 của nước này, được cho là có sức công phá mạnh hơn cả quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống thành phố Hiroshima, Nhật Bản thời cuối Thế chiến II. Ngày 17/8, Viện Năng lượng nguyên tử, cơ quan phụ trách các cơ sở hạt nhân chính của Triều Tiên tại tổ hợp Yongbyon, cho hay các chuyên gia nước này bắt đầu tái chế các thanh nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng, được tháo dỡ từ một lò phản ứng graphite (than chì) tầm trung để phục vụ cho sản xuất plutoni. Viện này cũng tuyên bố Bình Nhưỡng đang chế tạo urani làm giàu cấp độ cao, cần thiết để sản xuất vũ khí và điện hạt nhân "như kế hoạch".

Các động thái trên của Triều Tiên đã khiến một loạt quốc gia bày tỏ quan ngại. Các vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng cũng làm dập tắt mọi hy vọng về việc nối lại đàm phán sáu bên với mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và làm xấu thêm mối quan hệ vốn đã không tốt đẹp giữa Bình Nhưỡng với Washington cũng như các nước láng giềng.

Nhật Bản thực thi quyền phòng vệ tập thể

Bộ luật an ninh mới của Nhật Bản bắt đầu có hiệu lực từ ngày 29/3. Với mục đích mở rộng vai trò của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản ở nước ngoài nhằm tăng cường mối quan hệ đồng minh với Mỹ, luật an ninh cho phép Nhật Bản thực hiện quyền phòng vệ tập thể hoặc hỗ trợ Mỹ và các nước láng giềng trong trường bị tấn công vũ trang, ngay cả khi Nhật Bản không bị tấn công. Ngoài ra, đạo luật mới này còn cho phép binh sĩ Nhật Bản hỗ trợ hậu cần cho quân đội nước ngoài trong các hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế.

Luật an ninh mới của Nhật Bản là một trong những thay đổi lớn nhất về quốc phòng của nước này kể từ sau Thế chiến II và là một bước đi đáng chú ý trong quá trình khôi phục đầy đủ chức năng của lực lượng quân đội Nhật. Động thái này cũng khiến Trung Quốc lo ngại, do việc Tokyo tham gia nhiều hơn các hoạt động quân sự trong khu vực có thể dẫn tới sự thay đổi cán cân an ninh châu Á.

Đánh bom liên hoàn ở Indonesia, báo động IS ở châu Á


Hiện trường vụ đánh bom ở Jakarta (Ảnh: Getty)

Hiện trường vụ đánh bom ở Jakarta (Ảnh: Getty)

Ngày 14/1, tổ chức phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) đã nhận tiến hành 7 vụ đánh bom liên hoàn và đấu súng ở trung tâm thủ đô Jakarta của Indonesia, làm ít nhất 7 người thiệt mạng và 20 người bị thương. Vụ tấn công đã gây chấn động dư luận, và đặt ra những thách thức vô cùng to lớn đối với các nước khu vực Đông Nam Á và châu Á.

Tại Malaysia, cảnh sát cho biết đã bắt giữ nhiều đối tượng tình nghi liên quan IS. Tại Ấn Độ, Đại sứ quán Mỹ dẫn các nguồn tin cho rằng IS âm mưu thực hiện các vụ tấn công ở nước này. Mới đây nhất, Australia và Indonesia cho biết lực lượng an ninh của hai nước này đã ngăn chặn các vụ tấn công mà IS định thực hiện ở thành phố Melbourne vào ngày Giáng sinh. Các nhà lãnh đạo khu vực đã nhiều lần lên tiếng lo ngại trước nguy cơ lan truyền ảnh hưởng của IS, khi hàng nghìn phần tử cực đoan ở các nước như ở Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines... thề trung thành với IS.

Quan hệ Trung - Nhật xấu đi vì tranh chấp lãnh thổ


Tàu tuần duyên Trung Quốc đi vào vùng biển tranh chấp với Nhật Bản ở biển Hoa Đông. (Ảnh: AFP)

Tàu tuần duyên Trung Quốc đi vào vùng biển tranh chấp với Nhật Bản ở biển Hoa Đông. (Ảnh: AFP)

Tranh chấp lãnh thổ lâu năm giữa Nhật Bản và Trung Quốc, hai láng giềng Đông Bắc Á, xung quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Nga đã khiến quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn thứ 2 và thứ 3 thế giới xấu đi trong năm qua. Bắc Kinh ngày càng gia tăng yêu sách chủ quyền đối với các vùng biển mà nước này tự cho là của mình. Ngoài Biển Đông, Bắc Kinh cũng tăng cường mạnh mẽ các hoạt động ở Hoa Đông trong năm 2016.

Tokyo đã nhiều lần cáo buộc Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, như đưa máy bay quân sự bay gần quần đảo tranh chấp. Hồi tháng 8, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc Trình Vĩnh Hoa để phản đối việc các tàu của chính phủ Trung Quốc vào gần Senkaku/Điếu Ngư. Ngoài ra, Tokyo cũng cáo buộc Bắc Kinh đơn phương thăm dò khí đốt ở Hoa Đông tại khu vực ranh giới trên biển chưa được phân định, phớt lờ thỏa thuận năm 2008 về việc duy trì hợp tác khai thác nguồn tài nguyên ở khu vực không có ranh giới chính thức.

Tổng thống Philippines và cuộc chiến chống ma túy gây tranh cãi


Tổng thống Rodrigo Duterte (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Rodrigo Duterte (Ảnh: Reuters)

Đúng như cam kết, sau khi nhậm chức ngày 30/6, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã mạnh tay trong chiến dịch chống ma túy đẫm máu, khiến ông Duterte trở thành tâm điểm chỉ trích, lên án của phe đối lập và quốc tế. Mỹ đã lên tiếng lo ngại, trong khi Liên hợp quốc chỉ trích chiến dịch này như “một sự kích động bạo lực, chết chóc, một tội ác theo luật quốc tế”.

Tuy nhiên, Tổng thống Rodrigo Duterte thẳng thừng chỉ trích lại bình luận từ phía Mỹ, cùng với những động thái thách thức mối quan hệ truyền thống Manila - Washington, làm dấy lên những nhận định về ảnh hưởng với an ninh trong khu vực; trong khi không ngần ngại gọi tuyên bố của Liên hợp quốc là “ngu ngốc”. Gần 6.000 người chết trong cuộc chiến chống ma túy tại Philippines. Ông Duterte còn chỉ đích danh hàng trăm chính trị gia, cảnh sát và những người có quyền lực liên quan đến buôn bán ma túy, buộc họ phải đầu hàng nếu không sẽ bắn chết.

Khai trương ngân hàng AIIB


Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) chính thức đi vào hoạt động ngày 16/1 (Ảnh: DW)

Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) chính thức đi vào hoạt động ngày 16/1 (Ảnh: DW)

Ngày 16/1, Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB), định chế quốc tế chính thức đầu tiên do Trung Quốc khởi xướng và dẫn đầu, đã được khai trương. Tổ chức này có vốn đăng ký ban đầu là 50 tỷ USD, nhưng sẽ tăng lên 100 tỷ USD trong các năm sau. Với 57 thành viên ban đầu và trụ sở đặt tại Bắc Kinh, AIIB dự kiến sẽ cho vay 10-15 tỷ USD/năm trong những năm đầu, với lời hứa hẹn một cơ cấu “linh hoạt, trong sạch và thân thiện với môi trường”.

AIIB là kế hoạch đầy tham vọng của Trung Quốc nhằm đối trọng với Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) - những định chế tài chính do Mỹ thiết lập và đã hoạt động nhiều năm nay. Các thành viên sáng lập cho biết AIIB sẽ tập trung vào các dự án hạ tầng cơ sở ở châu Á. Mỹ và Nhật Bản - các thành viên sáng lập của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), vốn cũng được xem là đối thủ của AIIB - không tham gia ngân hàng này.

Tuệ An - An Bình