10 năm nhìn lại vụ tai nạn dẫn đến "cái chết" của Concorde
(Dân trí) - Hãng Continental Airlines và 5 người đàn ông hôm qua đã phải ra hầu toà vì những cáo buộc liên quan đến vụ tai nạn của chiếc máy bay Air France Concorde, khiến 113 người thiệt mạng và đánh dấu chấm hết cho kỷ nguyên chở khách bằng máy bay siêu âm.
Lửa bốc ra từ chiếc Air France Concorde vài giây trước khi nó đâm xuống Gonesse, gần sân bay Paris Roissy, ngày 25/7/2000.
Chiếc Concorde cất cánh từ sân bay Paris Charles de Gaulle và đã bị rớt chỉ vài phút sau, khiến 113 người thiệt mạng.
Một báo cáo chính thức cho biết chiếc Concorde này đã đâm phải một dải kim loại từ một máy bay Continental Airlines cất cánh trước đó.
Nhưng luật sư của hãng Continental nói rằng họ có thể chứng minh là chiếc Concorde siêu âm bốc cháy trước khi đụng vào dải titan.
Chiếc Concorde 4590 bị rơi ở thị trấn Gonesse, ngoại ô Paris, trúng một khách sạn khiến 4 người tại khách sạn thiệt mạng cùng tất cả 109 người trên máy bay.
Hầu hết các hành khách là du khách Đức đến New York tham gia chuyến tàu du lịch sang trọng đến vùng biển Caribbea (Ảnh Thủ tướng Đức Schroeder khi đó trong lễ tưởng niệm các nạn nhân của vụ tai nạn).
9 thành viên phi hành đoàn người Pháp cũng bị thiệt mạng.
Toàn bộ số máy bay Concorde đã bị ngưng bay cho tới khi một cuộc điều tra xác định rằng một chiếc lốp của máy bay đã bị nổ, khiến mảnh vỡ văng ra và làm vỡ một bình chứa nhiên liệu.
Xăng rò rỉ sau đó đã bốc cháy và gây ra thảm họa.
Sau gần một năm rưỡi ngưng hoạt động, vào tháng 11/2001, máy bay Concorde lại được cất cánh với thùng nhiên liệu mới được gia cố, nhưng các cuộc điều tra vẫn tiếp tục.
Vào tháng 12/2004 một cuộc điều tra tư pháp kết luận rằng một mảnh kim loại rớt lại trên đường băng của máy bay khác đã khiến một trong những lốp xe của Concorde bị nổ và bắn văng ra.
Các nhà điều tra cho biết thanh kim loại dài 43cm đã rớt từ vỏ động cơ của một chiếc máy bay DC-10 của hãng hàng không Continental và tháng 3/2008 một công tố viên Pháp yêu cầu thẩm phán đưa ra các cáo trạng tội ngộ sát.
Sau gần một năm rưỡi ngưng hoạt động, vào tháng 11/2001, máy bay Concorde lại được cất cánh với thùng nhiên liệu mới được gia cố, nhưng các cuộc điều tra vẫn tiếp tục.
Vào tháng 12/2004 một cuộc điều tra tư pháp kết luận rằng một mảnh kim loại rớt lại trên đường băng của máy bay khác đã khiến một trong những lốp xe của Concorde bị nổ và bắn văng ra.
Các nhà điều tra cho biết thanh kim loại dài 43cm đã rớt từ vỏ động cơ của một chiếc máy bay DC-10 của hãng hàng không Continental và tháng 3/2008 một công tố viên Pháp yêu cầu thẩm phán đưa ra các cáo trạng tội ngộ sát.
Hãng hàng không Continental Airlines có trụ sở tại Houston bác bỏ trách nhiệm trong vụ này.
Cùng với hãng Continental, 5 người đang bị truy tố. Những người này bao gồm ông John Taylor, thợ máy của hãng Continental, người bị cáo buộc đã lắp dải kim loại này vào chiếc DC-10, và ông Stanley Ford, một người bảo trì của hãng hàng không này. Cũng phải đối mặt với các cáo trạng là cựu kỹ sư trưởng của Concorde, ông Jacques Herubel, và ông Henri Perrier, một cựu lãnh đạo bộ phận Concorde tại Aerospatiale - nay là một phần của công ty hàng không vũ trụ EADS.
Phiên tòa, tại Pontoise, gần Paris, được cho là sẽ kéo dài bốn tháng. Đây là tai nạn duy nhất xảy ra với máy bay chở khách siêu âm Concorde. Air France và British Airways đã ngừng hoạt động toàn bộ số máy bay Concorde của họ từ năm 2003.
Phan Anh
Theo Reuters, BBC