Ngắm dàn bonsai ngược của "dị nhân" xứ Quảng
(Dân trí) - Giữa thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, có dàn bonsai ngược độc đáo trên sân thượng của ông Lê Thạnh. Trước đây ông là chuyên viên ngân hàng, nhưng có niềm đam mê mãnh liệt với cây cảnh.
Ông Lê Thạnh (SN 1963), không chỉ là một người yêu cây cảnh mà còn là người tiên phong trong việc phát triển phong cách bonsai ngược độc đáo và sáng tạo. Những tác phẩm của ông không chỉ thu hút ánh nhìn mà còn truyền tải sự sáng tạo và đam mê của ông đối với nghệ thuật cây cảnh.
Từ nhỏ, ông Thạnh đã đam mê cây cảnh, nhưng do không đủ điều kiện tài chính, ông không thể theo đuổi đam mê ngay từ đầu.
Năm 1997, khi định cư tại thành phố Tam Kỳ, ông bắt đầu sưu tập và chăm sóc các loại cây cảnh, đặc biệt là bonsai. Ý tưởng về bonsai ngược đã được ông manh nha từ năm 2010, với những tác phẩm ban đầu còn rất khiêm tốn cả về kích thước lẫn giá trị.
Sau hơn 10 năm miệt mài theo đuổi, ông đã thành công với nhiều tác phẩm bonsai ngược, mở ra một trào lưu mới trong giới yêu cây cảnh. Nhiều người gọi ông là "dị nhân" trong làng bonsai.
Trên sân thượng nhà ông hiện có khoảng 100 tác phẩm bonsai ngược độc đáo, mỗi tác phẩm đều mang một câu chuyện mà ông muốn thể hiện. Bonsai ngược không chỉ là nghệ thuật mà còn là cách ông chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm với những người yêu cây cảnh khác.
Tháng 12/2020, ông Lê Thạnh được tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao bằng xác lập Kỷ lục "Người tạo tác phẩm bonsai ngược nhiều nhất Việt Nam". Đây là sự ghi nhận chính thức của cộng đồng đối với trường phái bonsai ngược, một hướng đi hoàn toàn mới của nghệ thuật tạo tác phẩm bonsai và cây cảnh nói chung.
Không chỉ dừng lại ở việc tạo ra các tác phẩm bonsai ngược độc đáo, ông Lê Thạnh còn chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm của mình qua cuốn sách về bonsai ngược do chính ông viết, được xuất bản năm 2021.
Cuốn sách là nguồn tư liệu quý dành cho những người đam mê nghệ thuật bonsai, giúp họ hiểu rõ hơn về nguyên lý, quá trình tạo hình, chăm sóc và nuôi dưỡng bonsai ngược.
"Nghệ thuật bonsai không chỉ là việc trồng cây trong chậu, mà còn là cách tái hiện vẻ đẹp của thiên nhiên trong không gian hạn chế. Bằng cách kết hợp kiến thức về cây cối và kỹ thuật nghệ thuật, người nghệ nhân bonsai có thể tạo ra những tác phẩm mang tính nghệ thuật cao và sâu sắc", ông Lê Thạnh chia sẻ.