Quảng Nam:
Làng bánh in truyền thống vẫn đỏ lửa dù bị ảnh hưởng dịch Covid-19
(Dân trí) - Sản lượng giảm hơn 50% do ảnh hưởng dịch Covid-19, nhưng các hộ làng nghề bánh in An Lạc (xã Duy Thành, Duy Xuyên, Quảng Nam) vẫn cố gắng duy trì sản xuất để mang hương vị Tết đến với mọi nhà.
Chiếc bánh in là sản phẩm không thể thiếu của người dân Quảng Nam - Đà Nẵng trong dịp lễ Tết. Bánh dùng để thờ cúng tổ tiên, cúng giao thừa hay dọn cùng bánh mứt khác mời khách dịp năm mới.
Thời điểm đầu tháng Chạp, đến thăm làng bánh in An Lạc bạn sẽ nghe được tiếng kêu của máy xay bột, tiếng gõ lốc cốc của người thợ đổ bánh ra khuôn và đặc biệt là mùi thơm nức mũi của nếp mới, đậu xanh quanh quẩn khắp đường làng, ngõ xóm.
Hiện nay làng bánh truyền thống An Lạc có gần 10 hộ chuyên sản xuất đủ các loại bánh truyền thống, chủ yếu vẫn là bánh in để bán trong dịp Tết. Nhiều cơ sở sản xuất đăng ký nhãn hiệu, đảm bảo độ tin cậy về truy xuất nguồn gốc, chất lượng sản phẩm cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ông Huỳnh Quang Trung (SN 1963, chủ cơ sở bánh Tường Vi, làng An Lạc) với 3 thế hệ kế tục giữ gìn nghề làm bánh in truyền thống cho hay, xưa kia làng An Lạc có vài chục hộ làm nghề, nhưng đến nay chỉ còn vài hộ làm thường xuyên.
Những hộ làm thời vụ dịp Tết cũng giảm hơn so với năm ngoái, năm nay chỉ còn gần 10 hộ còn làm cầm chừng.
Dịch Covid-19 bùng phát hơn 2 năm nay khiến các đơn đặt hàng cũng dần vắng bóng, không còn cảnh người ra vào tấp nập chở hàng, làng nghề cũng đìu hiu hơn. "Chỉ ít thương lái đến lấy bánh, mọi năm tôi làm gần 10 tấn bánh, nhưng năm nay chỉ hơn 3 tấn là nhiều. Thời điểm này trước đại dịch điện thoại tôi reo inh ỏi cả ngày hẹn đặt hàng, nhưng năm nay chẳng mấy ai gọi", ông Trung buồn bã nói.
Theo ông Trung, nhiều người phải tạm nghỉ một phần do khó tiêu thụ, phần lớn là do giá nguyên vật liệu tăng cao nhưng giá bán không thể tăng.
"Do tôi có bạn hàng và làm thường xuyên nên phải giữ khách, chứ lời chẳng đáng bao nhiêu nên không mấy người mặn mà. Giá vật liệu tăng mà giá bánh vẫn phải giữ nguyên, tăng lên thì chẳng ai mua nữa. Vả lại đây cũng là nghề tổ tiên để lại, mỗi dịp Tết dân tộc mà không làm bánh in thì năm đó coi như chẳng có Tết rồi", ông Trung tâm sự.
Tại hộ sản xuất của gia đình ông Đinh Xuân Cầm (SN 1955, làng bánh An Lạc) năm nay cũng phải giảm sản lượng do đơn đặt hàng không nhiều.
"Đây là nghề truyền thống tổ tiên nên chúng tôi phải cố gắng giữ gìn, chiếc bánh in không thể thiếu trên bàn thờ ông bà mỗi dịp Tết đến xuân về. Sản lượng năm nay giảm hơn một nửa so với trước dịch, giá vật liệu lại tăng cao nên gặp khá nhiều khó khăn. Hy vọng sang năm mới mọi việc hanh thông, đại dịch được đẩy lùi để người dân yên tâm làm ăn", ông Cầm chia sẻ.
Máy xay bột, trộn bột, máy in bánh, lò nướng đã giúp công việc làm bánh của người làng An Lạc bớt đi phần vất vả. Với những hộ có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, họ vẫn giữ phương thức làm bánh thủ công bằng việc tự tay in ra những chiếc bánh cổ truyền, có hoa văn mộc mạc, nhưng không kém phần tinh xảo.
Giá bán mỗi bao bánh in khác nhau tùy thuộc vào trọng lượng của bánh, như một bao bánh in loại 1 kg có giá từ 20-30 nghìn đồng và các loại bánh in loại 0,5kg có giá từ 6-14 nghìn đồng. Thị trường tiêu thụ bánh in này hầu như phục vụ các huyện lân cận trong tỉnh miền Trung - Tây Nguyên.
Ông Đỗ Văn Việt - Chủ tịch xã Duy Thành (huyện Duy Xuyên) cho hay, đến nay bánh in đậu xanh An Lạc, xã Duy Thành được tiêu thụ mạnh ở khắp nơi, qua đó đã giải quyết công ăn việc làm cho người dân địa phương và nâng cao thu nhập kinh tế cho người dân nơi đây, giúp nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo.
Thời gian đến, xã mong muốn cấp trên có những chính sách hỗ trợ phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, thực hiện tốt khâu vệ sinh an toàn thực phẩm và đẩy mạnh quảng bá sản phẩm bánh An Lạc trên thị trường để vừa duy trì nghề sản xuất bánh truyền thống vừa kết hợp phát triển du lịch sinh thái làng quê, làng nghề.